Trong lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển lâu đời của các vùng quê Yên Bái cũng như mọi vùng miền núi khác trên đất nước ta, các dân tộc đặc biệt rất coi trọng yếu tố gia đình, dòng họ và tình người trong cộng đồng, dựa vào huyết tộc, tín gưỡng để cùng nhau tự quản, lấy hiếu nghĩa là đạo làm người. Mọi người trong cộng đồng sống với nhau có tình có nghĩa, thủy chung, giúp nhau trong tối lửa, tắt đèn. Điều đó không chỉ là ý chí, mà người xưa đã cùng nhau xây dựng như một "thiết chế” làm cơ sở bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển nét đẹp trong lối sống cộng đồng.
Có thể "thiết chế” đó ở mỗi bản làng của mỗi tộc người, trong các vùng miền có khác nhau về sắc thái văn hóa, những việc cụ thể "lệ làng, lệ bản”, nhưng đều có một triết lý chung "Sông có nguồn, nhân sinh có tổ” lấy việc thờ cúng tổ tiên từ trong gia đình cho đến nhà thờ họ, thờ phụng những người có công với bản làng, với đất nước làm trọng; mỗi bản làng lại chọn một vị có công làm Thành hoàng để lập đình, đền để thờ (người dân tự suy tôn). Những việc đó chính là cơ sở của đạo làm người, có trước có sau, là cuộc sống tín ngưỡng, là lời răn dạy, là chỗ dựa tinh thần cho mỗi người, mỗi nhà và cả cộng đồng dân cư.
Hiện nay, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở Yên Bái đang được tiến hành một cách bài bản và đang hé mở những kết quả cho tương lai sắp tới tốt đẹp. XDNTM là cuộc cách mạng lớn với phát triển sản xuất công, nông nghiệp, dịch vụ một cách toàn diện với mục tiêu: có nếp sống văn hóa, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Trong từng bước đi XDNTM cần đặc biệt coi trọng, phát huy cao độ bản sắc văn hóa của bản làng bằng cách XDNTM gắn với phát triển du lịch do người dân tự tổ chức thực hiện. Việc đó phải được thể hiện ở ngay trong việc bàn và quyết định mọi công việc từ quy hoạch, kế hoạch, xây dựng các công trình cho sản xuất và phúc lợi xã hội, lựa chọn sự phát triển cho các ngành nghề sản xuất, dịch vụ, việc gì làm trước, việc gì làm sau, cho đến việc quản lý, sử dụng các công trình sau khi đã hoàn thành phải do người dân trực tiếp bàn, quyết định, phải thực sự là "của dân, do dân và vì dân”.
Thể hiện sự kết hợp hài hòa những nét đẹp truyền thống văn hóa của bản làng và nguồn lực của cộng đồng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong công cuộc XDNTM gắn với phát triển du lịch.
Những năm vừa qua, Yên Bái đã tạo được nhiều mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt ở khắp các huyện, thị xã và thành phố, chuyển một số diện tích trồng cây lương thực sang trồng màu, cây công nghiệp, cây ăn quả,… thành hàng hóa và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cá lồng bè…, đồ thủ công mỹ nghệ từ đá, đan lát từ cây… cũng như nhiều dịch vụ thương mại khác mang đặc trưng của địa phương hiệu quả.
Đó là những tiến bộ rất đáng mừng, không chỉ tạo ra việc làm mới, sản phẩm mới mà còn làm thay đổi tâm lý sản xuất tự cấp và có thêm những nhận thức mới về kinh tế hàng hóa. Song điều đặc biệt quan trọng là phải giữ cho được tính trung thực, thật thà, trách nhiệm về tình người và cách đối nhân xử thế có văn hóa… Những nét đẹp truyền thống đó phải được kết cấu trong sản phẩm do mình làm ra mới có cơ hội tồn tại và phát triển bền vững.
Bản làng Yên Bái từ một nền kinh tế tự cung tự cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường hội nhập, muốn đứng vững và thu hái được thành công vững chắc, mỗi người còn phải tiếp tục học và hành theo truyền thống của ông cha; từ trình độ tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, từ quan hệ hợp tác, từ yếu tố cạnh tranh lành mạnh, công tác quản trị, công tác tiếp thị cho đến kiến thức văn hóa ứng xử…
Không chỉ là cần cù còn phải biết khoa học kỹ thuật, đặc biệt là phải chú trọng môi trường, nếp sống văn hóa và sự bình yên của bản làng, hạnh phúc của mỗi người dân, cũng như hạnh phúc của cộng đồng dân tộc. Bản sắc văn hóa bản làng phải được hòa quyện trong nội dung các tiêu chí nông thôn mới gắn với phát triển du lịch, bảo đảm cho sự phát triển nông thôn mới bền vững.
Có thể nói, việc quan tâm đến bản sắc văn hóa dân tộc từ hôm nay không chỉ vì sự bền vững của nông thôn mới cho phát triển du lịch mà điều cốt lõi chính là trực tiếp góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nguyên liệu giá trị văn hóa làng bản chính là đối tượng để cho các thế hệ thanh niên tiếp cận, khai thác, làm mới, tạo việc làm, gắn bó với quê hương và lực lượng trẻ ấy quyết định sự tồn vong và sự phát triển bền vững đậm đà bản sắc dân tộc mà Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao.
Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch chính là đưa văn hóa làng bản vào phát triển kinh tế - xã hội, và cũng thông qua đó, người dân tự nhận thức được giá trị văn hóa làng bản mà tự đề cao ý thức bảo tồn văn hóa bản làng trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch - một hướng đi mới bền vững của bản làng nông thôn mới Yên Bái thời hội nhập.
Lý Kim Khoa
(Bảo tàng tỉnh Yên Bái)