Tôi hẹn gặp nhà báo, nhà thơ Ngọc Chấn trong một chiều mùa đông nơi ngôi nhà vườn thanh bình của ông tại phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái. Như một lão nông thực thụ, ông tỉ mẩn chăm chút cho từng chậu cảnh. Ông mời tôi chén trà xanh nóng hổi, tôi mới biết ông sinh ra ở Làng Nhuế, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ nhưng lại chọn Yên Bái để gắn bó và lập nghiệp.
Từng là sĩ quan thuộc binh chủng xe tăng, sau ngày đất nước thống nhất, Ngọc Chấn học Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Về công tác tại Yên Bái, Ngọc Chấn đã kinh qua Trưởng phòng Biên tập Văn nghệ Chuyên đề của Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái, rồi Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Yên Bái.
Có thể nói, suốt một chặng đường công tác rất dài, từng trải qua nhiều môi trường, bên cạnh việc làm tròn bổn phận một công chức nhà nước dù ở bất cứ cương vị nào, Ngọc Chấn vẫn dành thời gian cho thơ và coi thơ như một người bạn tâm tình. Thế nên, từ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, thơ ông xuất hiện đều đặn trên các báo chí trung ương và địa phương.
Như một cơ duyên, đến nghề báo với những chuyến đi đã đưa ông đến nhiều vùng đất, giúp ông có cơ hội tìm hiểu, khám phá về nhiều nền văn hóa, thiên nhiên, cuộc sống, con người. Đó vừa là chất liệu để viết báo, vừa là cảm xúc để Ngọc Chấn cho ra đời những tác phẩm thơ dung dị, chứa chan tình đời, tình người.
Chia sẻ về con đường đến với thi ca, nhà báo, nhà thơ Ngọc Chấn bộc bạch: Mình làm thơ từ những ngày còn trai trẻ nhưng mãi đến năm 2000, khi đã 46 tuổi, mình mới cho ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tay với tên gọi: "Vĩ thanh người lính” để tri ân đồng đội - những người đồng đội đã cùng nhau trải qua những năm tháng gian khổ, hy sinh nơi chiến trường.
Không phải ngẫu nhiên mà Ngọc Chấn lựa chọn cái tên này làm nhan đề cho cả tập. "Vĩ thanh” - có lẽ là những dư âm, những băn khoăn, những day dứt… Và ở đây, nó là nỗi lòng của người lính đã đi qua chiến tranh.
Nói về những điều hết sức dung dị, nhỏ bé nhưng tập thơ đủ sức đi vào lòng người bởi hơn 40 bài thơ là rất nhiều cảm xúc chân thành, mộc mạc trên những chặng đường cầm súng của một người từng vào sinh ra tử. Tác giả không thể quên cái khoảnh khắc:
"Đêm vỡ ra từng mảnh
Chia cho chúng tôi chút lửa dẫn đường
Rồi cứ thế
Chúng tôi vào lửa
Ầm ào trong pháo kích mùa mưa.”
Tinh thần chiến đấu của người lính thật quả cảm biết bao! Người lính không muốn nói nhiều đến gian khổ, mất mát, hy sinh nhưng trong chiến tranh, đó là điều hiển nhiên khó tránh khỏi.
"Đất miền Đông nhuộm đỏ những căn hầm
Áo lính pha màu đất
Đất khét cháy sau vòm đêm trận mạc
Lính chúng tôi không thể nói lên lời…”
Thơ và người lính đã trở thành những người bạn tâm giao, giúp người lính cất giữ nỗi lòng sâu kín. Người lính Ngọc Chấn cũng vậy. Ông đã mượn thơ bày tỏ nỗi lòng về những kỷ niệm thời binh nghiệp, nói lên tình cảm nhớ thương với đồng đội; tình cảm mộc mạc, thân thương với mẹ già… Bởi thế, đọc "Vĩ thanh người lính, những ai đã từng đi qua trận mạc sẽ gặp lại nỗi lòng mình trong đó. "Vĩ thanh người lính” mãi là những ngân vang trong trẻo về một thời không thể quên.
Có thể nói, trong suốt quãng đời cầm bút, Ngọc Chấn làm thơ không nhiều. Thơ ông không thiên về số lượng nhưng mỗi bài thơ, mỗi vần thơ đều được chắt lọc từ trái tim của một con người đa cảm. 10 năm sau khi xuất bản tập thơ đầu tay, đến năm 2010 ông mới tiếp tục cho ra mắt tập thơ thứ hai với tên gọi: "Nơi dòng sông gặp biển” và gần đây nhất là "Người đánh rơi câu hát” năm 2019.
Ngoài những vần thơ tri ân đồng đội, Ngọc Chấn dành khá nhiều bài thơ để nói về Yên Bái - quê hương thứ hai của ông với biết bao ân tình. Lý giải về điều này, Ngọc Chấn cho rằng: Mình rất may mắn, bởi trong quá trình công tác đã có rất nhiều trải nghiệm khi đến với những mảnh đất xa xôi để tìm hiểu về cuộc sống, phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào vùng cao: "Trên cánh đồng thổ cẩm”, "Khói trắng vùng đồi”, "Làng định cư”, "Mùa măng mọc”... đều là những bài thơ khắc họa sinh động bức tranh quê hương với nhiều gam màu sống động.
"Ruộng bậc thang uốn lượn cuối trời
Bậc tiếp bậc leo lên đỉnh núi
Nơi tận cùng của suối
Nước lại về ấm áp màu xanh”
Nhà giáo Quang Bách - một trong những người bạn tâm giao của Ngọc Chấn chia sẻ: "Đọc thơ Ngọc Chấn, người đọc dễ nhận ra một hồn thơ thâm trầm, sâu lắng nhưng cũng rất gần gũi và ấm áp. Bên cạnh những bài thơ gửi gắm nỗi niềm về cuộc sống, tình yêu, con người và những vùng đất, để lại trong ông nhiều ấn tượng sâu đậm là những trang viết về vùng đất trung du, quê hương yêu dấu của mình.
Đó là một miền quê nghèo nằm bên bờ sông Hồng. Mùa nước cạn, dòng sông hiền hòa ôm ấp, bao bọc lấy xóm làng. Mùa nước lên, dòng sông cuộn đỏ đôi bờ thương nhớ. Có cánh đồng xanh lúa, có lũy tre xanh xào xạc những giấc ngủ trưa hè, có những bông hoa bưởi dào dạt hương quê mỗi độ tháng Ba...
Là một người con của vùng đất trung du và có nhiều năm gắn bó với miền núi nên Ngọc Chấn khao khát được đến với biển, được truyện trò, thì thầm cùng biển, được ngắm bình minh rạng rỡ ánh ban mai khi mặt trời lên, được đặt chân lên những bãi cát dài phẳng lặng, được thỏa sức vẫy vùng cùng những con sóng để thấy biển bao la và mênh mông đến nhường nào. Và khi được đến với biển, Ngọc Chấn đã thỏa nỗi lòng.
"Ta yêu Biển như em
Lần đầu ta gặp
Có ngờ vực gì đâu
Khi áp ngực vào màu xanh huyền hoặc”
Trong cảm nhận của Ngọc Chấn, biển luôn gần gũi thân thiết như một người bạn để bày tỏ tâm sự và gửi gắm nỗi niềm. Đối với ông, biển cũng giống như con người với nhiều trạng thái, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: khi nhẹ nhàng, dịu êm, khi dạt dào mãnh liệt, khi sâu thẳm huyền bí, khi bão tố thét gào. Nhưng ẩn sâu trong sự mênh mông huyền bí, biển hiền từ, nhân hậu bao bọc, chở che cho đất liền, giống như một người mẹ luôn giang rộng vòng tay đón các con vào lòng.
Nhà giáo Hà Ngọc Anh - một cây bút quen thuộc trong làng thơ Yên Bái tâm đắc nhận xét: "Đọc thơ Ngọc Chấn không dễ lướt nhanh mà phải chậm rãi nhâm nhi tìm lời đồng vọng. Thơ hiện thực pha chút lãng du có nhiều câu tình tứ "Trúc xinh sao cứ vô tình/Dưới mưa đợi nắng đầu đình đợi trăng”, hay "Ta đánh rơi đêm trắng bởi câu thề/ Trước sông nước mái chèo khuya khoan nhặt”… Dẫu đôi khi thật đến thô tháp mà cái tình vẫn cứ vượt lên, như để khẳng định một giọng điệu riêng, một hồn thơ gắn bó với đời”.
Cả cuộc đời gắn bó với nghiệp làm thơ, viết báo, ông đã gặt hái được không ít những thành công. Nhưng có lẽ, cái mà ông trân trọng nhất chính là tình cảm của đồng nghiệp, của những người yêu thơ dành cho mình. Vì vậy, những vần thơ của Ngọc Chấn không chỉ là nơi gửi gắm những cảm xúc buồn, vui hay suy tư trăn trở của một người cầm bút mà còn là sự tri ân với cuộc sống, với con người, với những gì đã mang đến nguồn xúc cảm mãnh liệt… để ông có thể viết nên những vần thơ ấm áp và chan chứa yêu thương về cuộc đời, về con người!
Quang Thiều