Khoảng 2 năm trở lại đây, trào lưu xem phim 3-5 phút nở rộ trên mạng xã hội toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Những phim điện ảnh, phim truyền hình từ tình cảm, lãng mạn, hài hước, kinh dị đều có thể được tóm tắt lại thông qua vài phút ngắn ngủi của một video gắn mác "review phim".
Người xem chỉ cần lên TikTok, vào mục tìm kiếm, gõ nội dung: "Review 3 phút + tên phim" hoặc "5 phút để biết nội dung + tên phim" là có thể gần như nắm trọn vẹn nội dung tác phẩm.
Theo giới làm phim, hệ lụy để lại từ trào lưu gắn mác "review" này là rất lớn, đặc biệt với những thị trường điện ảnh non trẻ như Việt Nam. Quan ngại hơn là trong nhiều trường hợp, những video còn được cắt ghép sai lệch, chất lượng hình ảnh tệ hoặc spoil (kể trước nội dung) toàn bộ chi tiết quan trọng. Từ đó, tác phẩm điện ảnh bị ảnh hưởng trong khả năng khai thác thương mại và bị xâm hại nghiêm trọng bản quyền.
"Cần có cơ chế xử phạt"
Trao đổi với Zing về thực trang video gắn mác "review" tràn lan, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng đầu tiên phải khẳng định các kênh TikTok chỉ đang recap (tóm tắt) chứ không phải review (phê bình) như tự nhận.
"Bởi các video đều dừng lại ở việc cắt ghép, kể lại bằng cảm xúc thuần cá nhân. Điều này gây tổn hại nghiêm trọng đến các tác phẩm điện ảnh được đầu tư hàng chục tỷ đồng, bằng cả mồ hôi, công sức của cả tập thể", đạo diễn Cha cõng con nói.
Theo ông Dũng, nhiều kênh TikTok tóm tắt phim theo ý chủ quan, có thể làm sai lệch nội dung tác phẩm và ý đồ của đạo diễn. Người chịu tổn thương và chịu đựng những thiệt hại này cuối cùng là giới làm phim.
Đạo diễn nhấn mạnh: "Nhiều video tiết lộ các chi tiết, nội dung quan trọng, hấp dẫn. Trong khi một số khác làm video review chê bai phim thiếu căn cứ, kiến thức về phim ảnh đã gây hại cho phim. Điều đó không thể chấp nhận được nhưng các nhà làm phim chân chính bây giờ quá cô đơn. Hiện chưa có cơ chế xử phạt hay bồi thường kinh tế nào được đưa ra nhưng cần sớm có".
"Video tóm tắt giết chết trải nghiệm điện ảnh"
Chung quan điểm với đạo diễn Lương Đình Dũng, nghiên cứu phim Nguyễn Phong Việt nói với Zing rằng việc xem những video tóm tắt phim trên TikTok khiến cho khán giả mất đi trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời mà họ xứng đáng được nhận khi xem tại rạp hoặc thông qua các nền tảng phim trực tuyến có tính phí.
Số lượng khách hàng bỏ tiền mua vé ra rạp sẽ sụt giảm sau khi theo dõi các video recap phim 5 phút, 10 phút hay 15 phút.
"Nếu là người xem những clip tóm tắt cho thấy sự dễ dãi về nhận thức trong khâu tiếp nhận giá trị giải trí. Với người làm ra các video này, tôi chỉ có thể dùng từ là không có văn hóa", nhà phê bình phim nói.
Nguyễn Phong Việt chia sẻ thêm: "Điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn doanh thu của chính nhà sản xuất phim. Khi khán giả xem những 'clip review' như vậy sẽ không còn hứng thú gì với bộ phim. Và cuối cùng, điều quan trọng là những video kể trên đang hủy hoại những giá trị nghệ thuật mà ê-kíp thực hiện phim đã tốn công sức, thời gian và sự sáng tạo hình thành nên".
Trong khi đó, đạo diễn Lương Đình Dũng kể lại ngay khi bộ phim 578: Phát đạn của kẻ điên phát hành ngoài rạp, trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó có TikTok đã nhan nhản các clip, video tóm tắt gần hết phim.
Anh và ê-kíp từng nghĩ đến việc khởi kiện một số cá nhân gây ảnh hưởng gián tiếp đến tác phẩm. Song cuối cùng, giữa bối cảnh cơ chế quản lý còn lỏng lẻo, vấn đề bản quyền còn chưa được xem trọng trên môi trường mạng tại Việt Nam khiến nam đạo diễn quyết định chọn giải pháp im lặng.
"Sau nhiều lần cân nhắc, chúng tôi không tìm được giải pháp tốt nhất. Vì thế, ê-kíp quyết định im lặng", anh chia sẻ.
|
Giới làm phim cho rằng đạo diễn, nhà sản xuất là những người chịu thiệt hại đầu tiên vì vấn nạn review phim trên mạng xã hội.
|
Nền tảng TikTok không thể vô trách nhiệm
Về phía nhà phát hành, đại diện hệ thống rạp chiếu phim BHD chia sẻ với Zing việc hàng triệu review phim vài phút xuất hiện trên TikTok sẽ thay đổi thói quen thưởng thức tác phẩm và gần như giết chết văn hóa ra rạp xem phim của khán giả.
Ngoài ra, những video tóm tắt phim có nội dung dung tục nhưng không phân loại độ tuổi hoặc cảnh báo cho người dùng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi, thái độ và nhận thức của trẻ em.
Đặc biệt, ở đối tượng trẻ em chưa đủ tuổi trưởng thành để tư duy, thường có thói quen bắt chước theo video gây nguy hiểm đến cơ thể, tính mạng nếu không có sự kiểm soát của người lớn.
Đại diện BHD trao đổi thêm việc sử dụng những hình ảnh cắt ghép mà không có sự cho phép của đơn vị sở hữu bản quyền phim là hành vi vi phạm bản quyền. Theo Nghị định số 131/2013/NĐ-CP - Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, hành vi "tóm tắt toàn bộ phim" là trái pháp luật. Tùy theo mức độ mà hành vi kể trên có thể bị xử phạt lên đến 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức.
"Hiện nay các công ty công nghệ lớn đều làm rất chặt việc bảo vệ bản quyền. Chúng tôi hy vọng sắp tới đây, công ty chủ quản TikTok cũng sẽ dần áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn để bảo vệ bản quyền không chỉ âm nhạc mà còn là hình ảnh, phim ảnh", người này cho biết.
Theo nhà phê bình Nguyễn Phong Việt, các nhà sản xuất cần khởi kiện TikToker trong việc vi phạm bản quyền để hạn chế sự tràn lan, không có kiểm soát của những video tóm tắt phim.
Giới làm phim cũng hy vọng trong thời gian gần, các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý sẽ thắt chặt hơn nữa đối với việc kiểm duyệt các video review trên TikTok và nền tảng mạng xã hội thông qua thuật toán, nhằm hạn chế vấn đề vi phạm bản quyền lẫn ảnh hưởng đến trải nghiệm của khán giả.
(Theo VTC)