Cùng với đó, Điện Biên có nhiều di tích lịch sử gắn với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc, tiêu biểu như Tháp Mường Luân, Thành Tam Vạn, Thành Bản Phủ và đặc biệt là quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ - di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt năm 2009 gắn với chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Được đánh giá là địa bàn có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch, tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV, tỉnh Điện Biên giới thiệu, quảng bá với bạn bè, du khách gần xa những nét đẹp độc đáo, riêng có của không gian văn hoá nơi địa đầu Tổ quốc…
Một trong những hoạt động văn hóa độc đáo, thú vị được tỉnh Điện Biên trình diễn, giới thiệu tại Ngày hội là trích đoạn "Chư mo hờ ngọ Khờ ro cư mạ” (Tra hạt làm lễ cầu mưa) gồm hai phần: Phần lễ và phần hội.
Đây là nghi lễ sinh hoạt văn hóa dân gian, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tộc Khơ Mú cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Nghi lễ mang đặc trưng của cư dân nông nghiệp thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me; góp phần thỏa mãn nhu cầu tâm linh của các dân tộc cùng nhóm ngôn ngữ nói chung và của dân tộc Khơ Mú nói riêng.
Khi tra hạt xong thì thầy mo làm lễ khấn các thần cầu cho mưa xuống để hạt nảy mầm, mùa màng bội thu; muôn vật sinh sôi, phát triển; đồng thời qua nghi lễ thể hiện được tinh thần lạc quan của con người, niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào thiên nhiên.
Cùng với đó là đề cao giá trị nhân văn và tính cố kết cộng đồng, bản Mường, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa mang yếu tố tích cực, bài trừ dần những yếu tố tiêu cực không phù hợp trong đời sống.
Trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì, huyện Mường Nhé.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để bà con dân bản được sáng tạo, thể hiện những trò chơi dân gian, những điệu dân vũ truyền thống góp phần tô thắm thêm nét đẹp văn hóa của dân tộc. Nghi lễ này được gia đình mời thầy mo về làm lễ, diễn ra vào các ngày trung tuần tháng tư Dương lịch hàng năm, vào thời điểm mùa khô chuẩn bị chuyển sang mùa mưa, một chu kỳ sản xuất nông nghiệp mới sắp bắt đầu.
Ông Mo cùng bà con dân bản lên nương làm lễ tra hạt, tra hạt xong ra đầu nương để dựng dàn làm lễ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản Mường yên vui.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh Điện Biên cho biết: Nghi thức "Tra hạt làm lễ cầu mưa” của dân tộc Khơ Mú diễn ra trong không khí vui vẻ, nhộn nhịp, phần hội diễn ra trong niềm vui phấn khởi, ước vọng về một vụ mùa mới đầy khởi sắc và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Những chàng trai, cô gái trong bản ngoài làng nô nức về chơi hội để được dịp thể hiện tài năng qua các lời ca, tiếng hát, điệu múa, trò chơi dân gian truyền thống đậm đà sắc thái bản địa. Những nét đẹp truyền thống được biểu đạt trong lễ và sự thành kính với các vị thần linh. Mỗi lần diễn ra nghi lễ lại tăng thêm sự đoàn kết của cả cộng đồng và những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc được nuôi dưỡng, khơi dậy từ những con người bình dị, tràn đầy sức sống ở miền Tây Bắc.
Qua trình diễn, trích đoạn "Chư mo hờ ngọ Khờ ro cư mạ” được trình diễn tại Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa đặc trưng của các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung và dân tộc Khơ Mú nói riêng; phần thúc đẩy giao lưu, hiểu biết giữa các địa phương, các dân tộc vùng Tây Bắc.
Phục dựng lễ hội Gầu Tào, nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc Mông huyện Nậm Pồ.
Cùng với đó, với chủ đề "Hương sắc Điện Biên”, Bảo tàng tỉnh Điện Biên còn trưng bày, triển lãm ảnh, hiện vật giới thiệu văn hóa truyền thống và thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương; giới thiệu ấn phẩm du lịch, sản phẩm OCOP.
Trong đó, điểm nhấn ấn tượng là 10 hình ảnh về hoạt động lao động sản xuất, trang phục, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống của một số dân tộc tỉnh Điện Biên như: Thái, Lào, Mông, Khơ Mú, Hà Nhì, Hoa; 10 hình ảnh giới thiệu một số điểm đến du lịch thuộc các loại hình di tích lịch sử, văn hóa tâm linh, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh...
Ngoài ra, 30 hiện vật được trưng bày là sản phẩm nghề thủ công truyền thống, đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất, khăn, túi, trang phục dân tộc độc đáo của tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, ngay tại Quảng trường Hùng Vương, các nghệ nhân sẽ trình diễn và giúp du khách trải nghiệm nghề thủ công dệt vải dân tộc Lào; nghệ thuật thêu, vẽ hoa văn bằng sáp ong của dân tộc Mông.
Trong khuôn khổ ngày hội, hoạt động liên hoan nghệ thuật quần chúng (năm tiết mục hòa tấu) và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc (tám bộ trang phục truyền thống của bốn dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú, Hà Nhì) sẽ giúp du khách có thêm hiểu biết, cảm nhận thú vị về nét đẹp văn hoá độc đáo của Điện Biên…
Mai Phương