Đối thoại với di sản văn hóa truyền thống
Có mặt tại không gian 22 Hàng Buồm, chúng tôi ấn tượng với hình ảnh những em nhỏ ở Trường Mẫu giáo Tuổi thơ (số 88 Hàng Buồm) thích thú vào xem triển lãm. Trước đó, đã có rất nhiều trường học đưa học sinh đến đây tham quan không gian sáng tạo này.
Sau khi hướng dẫn các em nhỏ xem từng tác phẩm nghệ thuật và cách bài trí tại không gian này, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn vui mừng cho biết: "Không gian 22 Hàng Buồm hiện như một bảo tàng nghệ thuật, một thế giới thần tiên của các thiên thần nhỏ với những tour tham quan trải nghiệm thế này. Dự án "Hồn nhiên như cô tiên” đã góp phần tạo ra những cuộc gặp gỡ giữa nghệ thuật, văn hóa, di sản, giáo dục, lịch sử, ký ức... đầy cảm xúc”.
Không gian trưng bày Dự án "Hồn nhiên như cô tiên” do tập thể các nghệ sĩ như: Nguyễn Thế Sơn, Vũ Xuân Đông, Trần Hậu Yên Thế, Phạm Khắc Quang và các nghệ sĩ trẻ từ khoa Hội họa - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cùng một số nghệ sĩ khách mời như Vũ Kim Thư, Lê Minh Đại, Lê Kim Mỹ thực hiện.
Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, dự án lần này tiếp nối tinh thần dự án "Từ truyền thống tới truyền thống”, được tiến hành trong gần 2 tháng với tinh thần học hỏi, nghiên cứu những giá trị nghệ thuật và văn hóa từ hình tượng tiên nữ cưỡi rồng rất phổ biến trong các mảng chạm khắc đình làng, một đề tài được yêu thích trong nghệ thuật dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa kia.
Trải qua nhiều chuyến đi điền dã tại các ngôi đình cũng như tìm hiểu hình tượng tiên nữ từ nhiều góc độ, nhiều ý tưởng độc đáo của các nghệ sĩ trẻ đã phát triển trở thành những tác phẩm mỹ thuật, nghệ thuật thị giác hấp dẫn, đưa tới cách nhìn nhận, diễn giải độc đáo về một hình tượng nghệ thuật dân gian.
"Những chất liệu truyền thống của mỹ thuật Việt Nam như lụa, sơn mài, giấy dó tiếp tục được ứng dụng và sáng tạo, tương tác cùng nghệ thuật sắp đặt trong không gian nghệ thuật 22 Hàng Buồm, từng là Hội quán Quảng Đông trước kia. Dự án như một nỗ lực mở rộng thực hành nghệ thuật, đối thoại với di sản văn hóa truyền thống Việt Nam của thế hệ nghệ sĩ trẻ, thể hiện mong muốn mở rộng giới hạn trong thực hành chất liệu mỹ thuật truyền thống của Việt Nam theo hướng liên ngành, gắn với bối cảnh và nơi chốn thực tế” - nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh.
Những ý tưởng sáng tạo
Tại không gian nghệ thuật 22 Hàng Buồm, những học trò của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã có nhiều ý tưởng sáng tạo dựa trên hình ảnh cô tiên. Là tác giả của tác phẩm sắp đặt "Ngày xửa ngày xưa” với chõng tre, giấy dó, mẹt tre, niêu đồng, họa sĩ Phạm Thủy Tiên chia sẻ: "Sau khi điền dã tại đình Thổ Hà, tôi tự đặt câu hỏi cho chính mình, rằng tại sao người xưa lại xây dựng hình ảnh cô tiên? Phải chăng họ biết đến cô tiên qua lời kể của bà, từ mẹ, từ những câu chuyện cổ tích.
Bởi vậy, tôi tìm về những câu chuyện cổ tích Việt Nam có hình ảnh nàng tiên. Tôi viết lại chúng trên giấy dó và tạo hình từ chính nơi mà nó được kể ra - chiếc chõng. Hình ảnh quen thuộc từ vùng quê Bắc Bộ, hình ảnh người bà với chiếc quạt đang kể cho con cháu mình nghe về những câu chuyện từ xa xưa... Bất kỳ ai cũng đã đọc những mẩu chuyện cổ tích này ít nhất một lần trong đời, và khi đọc lại nó, tôi hy vọng có thể đưa đến một cảm giác bình yên và lắng đọng cho công chúng”.
Gây ấn tượng không kém là tác phẩm "Từ 100 đến 100 triệu” của họa sĩ trẻ Trương Hoàng Hải. Tác phẩm bao gồm 100 quả trứng sơn mài được khắc chữ "nhân loại” bằng 130 thứ tiếng khác nhau, được đặt trên một diện tích phẳng phủ đầy thóc và rơm. Hải mượn chi tiết trong câu chuyện "Con Rồng cháu Tiên” về cội nguồn tộc người Việt được sinh ra từ 100 quả trứng. Đó là hình ảnh tượng trưng cho cội nguồn và tình đoàn kết dân tộc phổ biến và dễ hiểu, được Hải sử dụng để tạo sự kết nối với người xem. Sinh ra từ 100 quả trứng, nay dân số Việt Nam đã đạt mốc gần 100 triệu người.
"Mượn chuyện của người Việt, tác phẩm muốn nói chung về nguồn gốc loài người, từ việc sản xuất lương thực (chăn nuôi, nông nghiệp hay con gà, hạt thóc) rồi gia tăng dân số, phát triển thành bầy người, phát minh chữ viết và thành lập nhà nước. Lấy cảm hứng từ những tấm bia đá trong kiến trúc 22 Hàng Buồm, 100 quả trứng được làm bằng sơn mài giả chất đá được xếp thẳng hàng trên một mặt phẳng, tác phẩm muốn thể hiện một thế giới phẳng, một thế giới gắn kết với nhau nhờ sự toàn cầu hóa” - họa sĩ trẻ Trương Hoàng Hải nhấn mạnh.
Hướng đến sự hồn nhiên
Triển lãm "Mơ tiên” là sự kết hợp "có một không hai” giữa phần nghiên cứu lý thuyết từ cuốn sách "Tinh hoa mỹ thuật truyền thống hình tượng tiên nữ” (NXB Giáo dục Việt Nam) của Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế (giảng viên khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội) và cộng sự với những hình ảnh trong sách đã được các nghệ sĩ cách điệu, sáng tạo.
Nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế cho rằng, "Tiên - Rồng” vừa là một dự án nghệ thuật, vừa là dự án giáo dục hiệu quả. "Tiên - Rồng” đi sâu nghiên cứu biểu tượng tiên nữ - vốn dĩ đã ngủ quên từ lâu trong nghệ thuật, chỉ còn sót lại qua câu ca, khẩu hiệu. Dự án không nhắc lại lịch sử mà chiếu vào nó cái nhìn mới về vấn đề bình đẳng giới, tính cộng đồng, biểu tượng...
"Khi trao đổi với giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, chúng tôi thống nhất lấy tên gọi dự án đi vào bản chất, tránh những gì "đao to búa lớn”. "Hồn nhiên như cô tiên” là câu chuyện khác biệt lớn của nghệ thuật, đó là sự trọng mẫu rất đậm nét. Là người nghiên cứu về lý thuyết, tôi thấy rõ chất hồn nhiên trong nghệ thuật. Nghiên cứu của tôi mới chỉ dừng lại ở mặt công bố hình ảnh, lý thuyết nên chắc chắn khi dự án "Tiên - Rồng” kết thúc, chúng tôi mong chờ thế hệ nghệ sĩ sẽ phát triển ngôn ngữ nghệ thuật đi theo hướng nhân bản, cá tính, cá nhân, để cho tính dân tộc không bị khuôn mẫu” - Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế nhấn mạnh.
Còn theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, dự án mang cái tên "Hồn nhiên như cô tiên” như một thành ngữ rất "hot trend” (xu hướng nổi tiếng) của các bạn trẻ. Anh cho rằng, càng đi sâu nghiên cứu nghệ thuật, càng thấy sự "hồn nhiên”, khi nghệ thuật truyền thống quay lại với bản năng. Những người thực hiện dự án mong muốn nâng cao sự hiểu biết và khả năng hợp tác giữa các thế hệ họa sĩ để họ bổ sung cho nhau, góp phần đưa những dự án nghệ thuật mang tính thực tiễn cao đóng góp vào tiến trình hội nhập của nền công nghiệp văn hóa.
(Theo HNMCT)