Phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, Việt Nam đạt nhiều thành tựu. Nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân cải thiện. Người dân nông thôn hớn hở đón chào ngày khánh thành những công trình mới, hòa vào nhịp sống mới.
Tuy nhiên, ông cho rằng nông thôn đã ít nhiều phai nhạt bản sắc. Một số nơi không còn những điều gần gũi đã ăn sâu vào tâm thức, nếp nghĩ, nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách người làng quê. Bên cạnh những xã nông thôn mới dù tạo được "cốt" mới vẫn giữ được "hồn" cũ, nhiều nơi dù hiện đại hơn nhưng thô ráp, vô hồn vì những khối bê tông "đồng phục hóa".
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trăn trở khi nhiều công trình hoành tráng nhưng lạc lõng với khung cảnh làng quê. Những hàng cây xanh mát vệ đường, lũy tre làng ngày nào bị thay thế khiên cưỡng, làm mất hình ảnh nông thôn sinh thái. Đường hóa phố, phố trong làng, thiếu hài hòa, làng cao lên, to ra nhưng con người đang dần xa nhau. Tình cảm hàng xóm, láng giếng tối lửa tắt đèn có nhau "dần chỉ còn trong những câu chuyện kể".
Vì vậy, ông cho rằng, nông thôn cần được xem là miền di sản để các giá trị được bảo tồn như di sản văn hóa ở cấp độ quốc gia. "Nếu đô thị đại diện cho mức độ phát triển của mỗi nước, nông thôn là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị tinh thần cốt lõi. Những giá trị vô hình là nền tảng hướng tới các làng thông minh, hài hòa, hạnh phúc", ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan.
Theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những nghi lễ tín ngưỡng, tâm linh dân gian lành mạnh, nếu biết phát huy, sẽ tạo ra dòng chảy tâm thức trong cư dân nông thôn. Lễ hội tịch điền, thờ phụng thần nông, các vị thần hoàng làng, tưởng nhớ tổ làng nghề là nét văn hóa đậm nhân văn, nối kết con người với truyền thống lịch sử. Các giá trị này giúp con người sống tử tế, an bình, văn minh hơn. Khi ấy, cư dân nông thôn sống tử tế, có trách nhiệm với người khác cũng như môi trường thiên nhiên.
Với tinh thần lấy người dân làm trung tâm, ông Hoan đề nghị xây dựng không gian sinh hoạt chung cho cư dân nông thôn. Đó đồng thời là nơi trưng bày, giới thiệu văn hóa vật thể, phi vật thể, lịch sử hình thành làng xã...
"Xây dựng nông thôn mới không chỉ là đầu tư hạ tầng mà cần vun đắp tinh thần con người. Cuộc sống, ngoài ăn, mặc, nhà cửa còn cần đến cảm xúc bởi nó tạo ra hạnh phúc. Hạnh phúc mới là đích đến của mỗi người, nên cần làm sao để người làng quê cùng kiến tạo, quản lý, thụ hưởng thành quả", ông nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, cần có những giáo trình giảng dạy văn hóa nông thôn trong các đoàn thể, tổ chức xã hội, nhất là học sinh từ bậc học đầu tiên.
Ông kêu gọi mỗi người dũng cảm, thẳng thắn đối mặt với những hiện tượng báo động trong xã hội gần đây như bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, xung đột đường phố. "Chúng ta cùng nhau hành động, đừng để bản sắc dân tộc mất dần đi trong nỗi tiếc nuối, trong lời cảm thán giá như", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Hội thảo Văn hóa 2022 diễn ra ngày 17/12 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì. Khoảng 800 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến tại một số điểm cầu.
(Theo VnExpress)