Khăn thổ cẩm - nét đẹp văn hóa Thái

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/2/2023 | 7:56:25 AM

YênBái - Khăn thổ cẩm (tiếng Thái gọi là khăn pe) là đồ dùng không thể thiếu được trong đời sống của người con gái Thái. Khăn thổ cẩm không chỉ có công dụng quàng giữ ấm, che nắng, che sương gió mà còn là điểm nhấn tạo nên nét duyên dáng riêng có trong trang phục truyền thống của người con gái Thái.

Các diễn viên với chiếc khăn pe tham gia màn đại xòe tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh
Các diễn viên với chiếc khăn pe tham gia màn đại xòe tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; khai mạc Lễ hội Văn hoá - Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Khăn thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò được làm từ vải thổ cẩm, chủ yếu do bà con dệt thủ công bằng khung cửi. Khăn có màu sắc tươi sáng với chủ đạo là màu hồng, được dệt các hoa văn như các loại hoa ban, hoa chanh, quả trám, hình con thoi, hình khau cút..., được tô điểm bằng các màu xanh, đỏ, vàng để làm nổi bật các hoa văn trên khăn. Hai đầu khăn có các sợi tua để trang trí cho chiếc khăn thêm mềm mại, thướt tha. 

Khăn thổ cẩm thể hiện sâu sắc nét đẹp văn hóa trong đời sống sinh hoạt và nghề truyền thống trồng bông dệt vải có từ lâu đời của người Thái; thể hiện những quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan của người Thái cũng như tình yêu thiên nhiên, tài nghệ, sự khéo léo của người con gái Thái. 

Em Hà Thị Thu - bản Viềng, xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Em biết dệt vải thổ cẩm từ năm 14 tuổi và sản phẩm đầu tay chính là làm chiếc khăn thổ cẩm cho riêng mình, bởi chiếc khăn vừa dễ làm và là vật dụng cần thiết của chúng em”.

Ngày nay, khăn thổ cẩm là một trong những biểu trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, được các homestay trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ dùng để trang trí tạo ra những bức tranh, bông hoa, quà tặng cho khách du lịch. 

Chị Lường Thị Hồng Chung - chủ homestay HongChung - bản Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Trong các sản phẩm du lịch quảng bá về bản sắc văn hóa dân tộc mình, chúng tôi thường giới thiệu những điệu xòe và tặng khăn thổ cẩm cho du khách, mời du khách hòa vào cùng điệu xòe, điều đó không chỉ quảng bá, giới thiệu về nét văn hóa của dân tộc mình mà còn thể hiện tấm lòng quý mến, hiếu khách”.

Trong các lễ hội, đặc biệt là dịp lễ hội văn hóa - du lịch Mường Lò tổ chức hàng năm với màn đại xòe thật ấn tượng, hình ảnh các cô gái Thái váy áo cỏm duyên dáng với chiếc khăn thổ cẩm uyển chuyển theo nhịp trống, nhịp chiêng đã để lại bao cảm xúc đẹp trong lòng du khách. 

Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại và hòa nhập, có rất nhiều các giá trị văn hóa và các loại khăn sang trọng, tiện lợi nhưng chiếc khăn thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái vẫn luôn được nâng niu và phổ biến trong đời sống của người dân, như một nét văn hóa Thái không thể phai nhòa.

Thu Hạnh

Tags Khăn thổ cẩm văn hóa Thái Nghĩa Lộ Mường Lò

Các tin khác
Khởi hành lên núi Nghĩa Lĩnh dâng hương tưởng niệm các vua Hùng. Ảnh (tư liệu)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định về việc tổ chức Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023).

Ảnh minh họa

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông báo tổ chức cuộc thi và triển lãm tranh thiếu nhi toàn quốc năm 2023, dành cho các em thiếu niên, nhi đồng yêu thích và có năng khiếu mỹ thuật.

Lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao cờ thi đua xuất sắc cho tập thể Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động VHNT năm 2022.

Ngày 19/2, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Yên Bái tổ chức Gặp mặt hội viên đầu xuân Quý Mão, triển khai nhiệm vụ năm 2023; trao Giải thưởng VHNT Yên Bái năm 2022 và Cuộc thi Thơ trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái.

Họa sĩ nhí thiên tài Andres Valencia.

11 tuổi, Andres Valencia đã là họa sĩ triệu phú nhờ những bức tranh mà cậu là tác giả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục