Xuân Lai rộn rã thanh âm ngày xuân trong không gian văn hóa Tày

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/1/2024 | 9:13:56 AM

YênBái - Xuân Giáp Thìn đang đến cũng là lúc quê hương Xuân Lai, huyện Yên Bình tưng bừng mở hội. Không khí đón năm mới trên làng quê vùng Đông hồ Thác Bà thật rộn ràng. Những khúc hát then, khắp coọi ngọt ngào, hoà cùng tiếng đàn tính dịu dàng đằm thắm, những điệu múa dậm thuông uyển chuyển, nhịp nhàng, quyến rũ vang vọng núi rừng.

Thiếu nữ Tày Xuân Lai trong điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng.
Thiếu nữ Tày Xuân Lai trong điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng.

Không khí ngày xuân đã ngập tràn các bản làng Xuân Lai, tiếng nói cười rộn rã cùng tiếng đàn tính rộn ràng, ngân nga, dìu dặt đắm say. Với người Tày Xuân Lai, trong những ngày hội xuân không thể thiếu những làn điệu hát then, hát khắp coọi, âm thanh rung lên giao hòa cùng mùa xuân của cây đàn tính. Có dịp về thăm cái nôi lưu giữ, trao truyền nét văn hóa truyền thống của đồng bào Tày vùng đông hồ Thác Bà tôi mới cảm nhận rõ không khí ngày xuân nơi đây.

Sinh sống lâu đời ở vùng đất này, đồng bào Tày sở hữu một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú: trong tình yêu dẫn tới hôn nhân bền chặt có: hát khắp, hát coọi, hát phongslư đối đáp giao duyên, trong đám cưới có hát quan làng; thường ngày có hát then đàn tính; hát nghi lễ có hát Pụt, trong hát Pụt có trường ca Khảm hải; khi trẻ nằm trên nôi có hát Ứ noọng nòn (Ru em ngủ), trẻ đầy tháng có lễ ra tháng, con gái đủ mười lăm tuổi có lễ trả ơn bà mụ…

Đầu xuân Xuân Lai lại tưng bừng Lễ hội Lồng Tồng (Xuống đồng). Phần lễ có mâm cúng thành hoàng bản thổ về chứng kiến, phù hộ cho dân bản mùa màng tươi tốt, mọi người mạnh khỏe yên vui. Phần hội có tung còn, đánh yến cùng nhiều trò chơi khác, giao lưu hát then, hát khắp coọi. Sau cùng là xuống đồng cày cấy bắt đầu cho một năm mới tốt lành. 

Mùa thu là lễ Mừng cơm mới, hát mời nàng Trăng xuống cùng mừng cốm mới. Dân tộc Tày trong vùng mỗi khi hát giao duyên bằng giọng lượn coọi hay hát khắp của đôi trai gái bao giờ cũng là người con trai mở lời trước. Khi thấy người con gái đang cấy lúa, chàng trai ngỏ lời: "...Em ơi, chiếc mạ bao nhiêu nhánh/ Để anh chung một nhánh được không?" hoặc: "...Nón cọ hay nón bạc/ Nón này đội hai người được không?".

Thấy người con gái vẫn e lệ, dè dặt, bên các chàng trai lại hát: "... Lá dong hay là chuối/Cây nửa hay cây bương /Gái tơ hay vợ người /Vợ người anh xin thôi/ Gái tơ anh ngỏ lời... /Gặp nhau dạo cùng nhau một lát/ Mai kia hoa kim quý quá mùa/ Mai kia vườn hoa bưa vàng héo/ Gió thổi vào vườn đỗ lá đen/ Từ đấy không thấy nhau cả đời, em hỡi".

Cứ thế họ hát kéo dài tới hai ba đêm để ước nguyện nay mai trở thành vợ chồng. Khi "bắt" được ý trung nhân, bên gái cất lời: "Giơ tay đón lời đẹp/ Ngửa tay đón lời lời hay/ Lời hay không rơi sàn/ Lời đẹp không rơi đất/ Đem vào trong hòm bạc em khoá/ Bao giờ về nhà chồng mới mở".

Khi hát khắp coọi lời hát quyện vào nhau như vặn chạc thừng, họ mượn sông suối, chim muông, cảnh vật để thề nguyện cùng nhau: "Thương nhau thương cho chắc/ Yêu nhau yêu bền lâu/ Bao giờ nai lìa rừng hãy bỏ/ Bao giờ trâu lìa cỏ hẵng thôi/ Đổ nước cho đầy sọt hẵng lìa/ Rót nước cho đầy vó hẵng xa/ Hai ta không vợ chồng cũng bạn...".

Trong kho tàng văn nghệ dân gian của đồng bào Tày ở Xuân Lai có rất nhiều bài khắp coọi cổ mang nội dung khác nhau. Những người đứng tuổi hát tâm sự về cuộc sống hằng ngày với mong muốn dưới ruộng, trên nương đầy ắp lúa ngô, mọi người khỏe mạnh. Các nam thanh nữ tú mượn khắp coọi để nói lên tâm trạng vui, buồn, thương nhớ, những lời gửi gắm sau khi gặp gỡ, những thương yêu, nhắn nhủ, hứa hẹn, mong muốn được kết duyên vợ chồng. Những làn điệu khắp cọi truyền cảm, trữ tình cùng tiếng đàn tính ngọt ngào như dòng suối chảy được xuất phát từ trái tim nên khi lời hát, tiếng đàn tấu lên khiến cả người hát, người nghe đều cảm thấy xao xuyến khôn nguôi. 

Lớn lên từ những làn điệu then, hát khắp coọi, qua lời ru của bà, của mẹ, lời hát giao duyên của trai làng gái bản, nghệ nhân ưu tú Hoàng Tương Lai ở thôn Trung Tâm luôn băn khoăn, trăn trở làm sao để gìn giữ những bản sắc cùng những phong tục, tập quán của dân tộc Tày. Ông mong muốn có điều kiện để tìm hiểu, khai thác và giới thiệu những nét văn hóa truyền thống thông qua các lớp truyền dạy cho các thế hệ. Những lớp truyền dạy của ông không chỉ hướng dẫn về kỹ thuật đàn hát còn truyền cho họ cả lòng kiên trì, sự tâm huyết và niềm đam mê nghệ thuật dân gian qua từng khuông nhạc. Nghệ nhân Hoàng Tương Lai chia sẻ: "Qua lớp tôi truyền dạy, nhiều người thích hát then, kể cả lớp trẻ. Tôi tin chắc điệu hát then sẽ không bị mai một mà mãi trường tồn với người Tày ở Xuân Lai”.

Cùng với sự gìn giữ, truyền dạy và nỗ lực phát triển loại hình nghệ thuật dân gian của các nghệ nhân có tâm huyết như ông Lai, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng từ huyện đến cơ sở giúp cho những bài hát then hay những điệu khắp cọi sẽ trường tồn cùng thời gian. Chị Hoàng Thị Minh Trang, thôn Trung Tâm chia sẻ: "Nhờ sự chỉ bảo của ông Hoàng Tương Lai, giờ tôi đã biết hát một số bài. Tôi sẽ cố gắng hát thật nhiều bài và đánh đàn tính để gìn giữ bản sắc dân tộc Tày. Chúng tôi sẽ đưa những làn điệu dân ca vào câu lạc bộ văn nghệ của mình để mọi thành viên trong câu lạc bộ và người dân cùng gìn giữ văn hóa của dân tộc”.

Xuân đang đến cũng là lúc khắp nơi trên quê hương Xuân Lai lại tưng bừng mở hội. Mỗi tiếng đàn, lời hát cất lên sẽ làm mọi tâm hồn từ trẻ đến già thêm yêu cuộc sống, ngập tràn niềm hân hoan, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Những làn điệu hát then, hát khắp coọi rung lên thanh âm ngày xuân, điểm tô bức tranh làng quê yên bình đón chào một năm mới hạnh phúc và bình an.

Minh Huyền

Tags Đông hồ Thác Bà Yên Bình Xuân Lai Tày

Các tin khác
Đến nay, toàn huyện Lục Yên có 220 đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, hiệu quả.

Toàn huyện Lục Yên hiện có 40 câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, 310 đội thể thao, 220 đội văn nghệ quần chúng; có 181/182 thôn được công nhận danh hiệu đạt chuẩn văn hóa, bằng 99,45%.

Nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương đã qua đời, hưởng thọ 94 tuổi.

Nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương - tác giả truyện ngắn "Cỏ non" nổi tiếng trong chương trình Ngữ văn phổ thông, đã qua đời do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 94 tuổi.

Biểu trưng (logo) mới của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.

Sáng 3/1, tại Hà Nội, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tổ chức Tổng kết Trao giải thưởng sáng tác biểu trưng (logo).

Một chợ hoa xuân tại Hà Nội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ra Quyết định số 4087/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Hội Xuân Giáp Thìn 2024 nhân dịp Tết Nguyên đán và chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục