Bởi thế người Việt vẫn tâm niệm "Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”.
Hướng về gia đình, nguồn cội
Rằm tháng Giêng là một ngày lễ quan trọng của người Việt, đặc biệt là người theo Phật giáo. Cứ vào ngày này, người ta lại sắp lễ đến chùa để cúng dường, cầu mong sự may mắn, bình an. Theo Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, ngày Rằm tháng Giêng còn được gọi là ngày Đại hội Thánh Tăng. Trong ngày này, Đức Phật đã kêu gọi các đệ tử nhập thế để phụng sự nhân sinh vì mục đích mang lại phúc lợi số đông và an lạc nhân loại. Nên ngày này, cộng đồng Phật giáo sẽ hội họp lại để nhắc nhở nhau và cam kết làm theo lời Phật, phụng sự nhân sinh và sống tốt đời đẹp đạo.
Nói về nét đẹp của ngày Rằm tháng Giêng trong văn hóa của người Việt, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tiến Thắng cho rằng, Tết Nguyên tiêu có nguồn gốc ở Trung Quốc và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong quá trình giao thoa văn hóa, Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực đã tiếp nhận và biến đổi Tết Nguyên tiêu theo cách của riêng mình. "Sự tiếp biến đáng kể nhất trong lễ Rằm tháng Giêng chính là việc người Việt đã hình thành một nếp văn hóa tâm linh độc đáo. Đây là dịp mọi người tìm đến các ngôi chùa, đền, miếu, phủ, di tích lịch sử để mong cầu bình an, hướng đến sự thiện lành, nhân ái. Một giá trị nhân văn nữa mà lễ cúng Rằm tháng Giêng có được trong quá trình Việt hóa, là sự gắn kết bền vững giữa các thành viên trong mỗi gia đình khi đứng trước ban thờ gia tiên, nhớ đến công đức của các bậc sinh thành, nhớ về cội nguồn”, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tiến Thắng lý giải.
Tại Việt Nam, ngày Rằm tháng Giêng không chỉ chịu ảnh hưởng bởi nguồn gốc Phật giáo mà còn có sự giao thoa với Đạo giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa. Vì thế, vào ngày Rằm tháng Giêng, ngoài việc đi lễ chùa cầu an, người dân thường chuẩn bị mâm lễ để cúng gia tiên, hướng về gia đình, nguồn cội. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho rằng, lễ cúng trong ngày Rằm tháng Giêng cầu kỳ hay đơn giản tùy vào điều kiện, quan niệm của từng gia đình. "Có gia đình làm cỗ chay, có gia đình làm cỗ mặn đầy đủ các món truyền thống, nhưng dù cầu kỳ hay đơn giản thì quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm, thành kính của mỗi người với mong muốn là cầu chúc những điều tốt đẹp, bình an, đó mới là nét văn hóa mà người Việt Nam gìn giữ nhiều đời nay”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nói.
Để lan tỏa những giá trị đẹp
Cùng với nét đẹp văn hóa giữ gìn lâu đời, những nghi thức trong ngày Rằm tháng Giêng dần thay đổi theo thời gian. Đã có những hiện tượng không đẹp trong hoạt động tín ngưỡng khi mặc dù các cấp chính quyền cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể nhưng vẫn còn cơ sở tôn giáo lấy danh nghĩa cầu an để tổ chức dâng sao, giải hạn, cầu siêu thu lợi, gây biến tướng, sai lệch ý nghĩa của hoạt động đi lễ trong ngày Rằm tháng Giêng. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho rằng, trọng tâm của Rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho đất nước, gia đình. Tuy nhiên, hiểu và cúng lễ sao cho đúng, phần nhiều phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người. Việc đốt quá nhiều vàng mã gây lãng phí, ô nhiễm hay lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, mê tín đều đáng lên án và cần phải dẹp bỏ.
(Theo HNMO)