Lễ hội nhằm tôn vinh nét đẹp trong lao động sản xuất, phản ánh niềm tin của người dân vào thiên nhiên, trời, đất, đồng ruộng và thể hiện ước muốn về một mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.
Xã Nghĩa Sơn là nơi tập trung đông đồng bào Khơ Mú sinh sống, định cư xen kẽ với đồng bào các dân tộc Thái, Dao, Kinh, Tày... Người Khơ Mú vẫn gìn giữ được khá nguyên vẹn những giá trị văn hoá truyền thống ngàn đời của dân tộc mình. Những lễ mừng nhà mới, lễ cưới, lễ tra hạt, cúng ma bản, cúng tổ tiên, lễ đón Mẹ Lúa, lễ hội mừng măng mọc, lễ hội cầu mùa… được người Khơ Mú tổ chức theo đúng phong tục, mang đậm nét văn hoá. Những giá trị văn hóa đó được ví như sợi dây, chất keo gắn kết cộng đồng, tạo nên sự phát triển bền vững.
Ông Lường Văn Si - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn cho biết: "Là cộng đồng Khơ Mú duy nhất sinh sống trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, những giá trị văn hóa trong cuộc sống đời thường luôn được cấp ủy, chính quyền và đồng bào địa phương gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Ngoài mục đích lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, lễ hội góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về nét đẹp văn hóa của đồng bào, không để bị mai một; đồng thời, góp phần tạo nên bản sắc riêng biệt của đồng bào nhằm quảng bá đến nhân dân, du khách trong dịp đầu xuân mới. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cho địa phương”.
Lễ hội Cầu mùa có nguồn gốc từ xa xưa và được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, người Khơ Mú quan niệm vạn vật có linh hồn, thiên nhiên xung quanh như: trời, đất, nương, rẫy… đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Lễ hội Cầu mùa gồm các phần: lễ cúng tổ tiên; lễ tôn vinh cây lúa, cây khoai sọ; lễ cầu mưa; lễ chọc lỗ tra hạt. Mở đầu của phần lễ Cầu mùa là nghi thức cúng tổ tiên được thực hiện tại gia đình một chủ lễ.
Tiếp theo là lễ tôn vinh cây lúa, cây khoai sọ; tất cả được các nam thanh, nữ tú khỏe mạnh trong trang phục dân tộc, rước kiệu lễ. Lễ chọc lỗ, tra hạt được tiến hành trên nương rẫy, sau khi nương rẫy đã được dọn sạch cỏ. Trước khi làm lễ chọc lỗ tra hạt, đồng bào sẽ thực hiện nghi thức cúng để báo cáo với Thần rừng về vụ sản xuất mới. Sau đó, chủ hộ chọc ba lỗ tra hạt trước, rồi tất cả mọi người sẽ cùng thực hiện theo.
Các thành viên vừa chọc lỗ, tra hạt, thỉnh thoảng nhảy theo tiếng nhạc cụ gắn theo cây chọc lỗ để quên đi cái mệt nhọc, vừa là để động viên nhau làm việc hăng say hơn. Khi đã chọc lỗ tra hạt xong, tất cả mọi người lấy nước rửa tay, rửa gậy chọc lỗ. Lúc này, chủ nhà đứng trước lán nương lúa, tưới nước ra xung quanh, vừa làm, vừa khẩn cầu với ý niệm lúa năm nay sẽ tốt tươi, không bị hạn hán.
Trong sản xuất, người Khơ Mú thường canh tác ở xa nhà nên họ phải làm kho thóc ở trên nương để tích trữ lương thực; sau khi thu hoạch xong, họ sẽ chuyển thóc lúa về kho chính ở nhà. Bởi thế, người Khơ Mú còn có "Lễ đón Mẹ Lúa" để đón rước "Mẹ Lúa” về nhà. Khi thu hoạch xong, họ để lại một cụm thóc tại kho ở trên nương, tượng trưng cho "Mẹ Lúa”.
Đến sáng sớm, gia đình sẽ cử bốn người đi rước "Mẹ Lúa” về. Họ mang theo bồ đựng thóc lúa, bầu bí, thuổng đào khoai sọ, hai thanh niên là người chưa lập gia đình sẽ mang kiệu để rước; mọi người trong gia đình chuẩn bị lễ vật để làm lễ cúng. Sau phần lễ là các trò chơi dân gian thể hiện tinh thần đoàn kết, vui tươi trong lao động, đồng thời thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư giữa các dân tộc trong xã. Chị Vì Thị Nương, thôn Nậm Tộc cho biết: "Lễ hội là dịp để người dân chúng tôi thể hiện lòng biết ơn đối với thiên nhiên, cầu mong cho một mùa màng bội thu và sự thịnh vượng cho cả xã. Đây không chỉ là một sự kiện văn hóa truyền thống, mà còn là dịp để địa phương quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa truyền thống đến với du khách gần xa. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương”.
Lễ hội Cầu mùa tôn vinh bản sắc văn hóa, khơi dậy giá trị và những nét đẹp truyền thống văn hóa của người Khơ Mú. Đây là hoạt động văn hóa cộng đồng nhằm cổ vũ, động viên nhân dân bước vào một vụ sản xuất mới với tinh thần lao động, sản xuất hăng say. Thông qua đó giáo dục thế hệ trẻ biết gìn giữ văn hóa cội nguồn, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Thanh Tân