Chiều nào cũng vậy, cứ 17h anh Nguyễn Trung Kiên, thôn 4, xã Minh Quán cùng bà con trong thôn lại chơi bóng chuyền hơi trong không khí sôi nổi, hào hứng. Anh Kiên chia sẻ: "Chơi bóng chuyền hơi vừa rèn luyện sức khỏe vừa tạo mối quan hệ giữa các thế hệ với nhau tạo tình đoàn kết xóm làng nên những năm gần đây, bộ môn này ngày càng được đông đảo người dân tham gia”.
Toàn xã Minh Quán hiện có 10 câu lạc bộ bóng chuyền hơi với hàng trăm người tham gia. Đây cũng là môn thể thao phù hợp để Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" ngày càng phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã. Trong Giải bóng chuyền huyện Trấn Yên vừa qua, đội bóng chuyền nam xã Minh Quán đã xuất sắc vượt qua 7 đội để dành ngôi vô địch.
Là địa phương luôn sôi nổi trong phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xã Kiên Thành đã xây dựng và duy trì 8 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt, với sự tích cực của nghệ nhân Hà Thị Thanh Tịnh, thôn Kiên Lao, bao năm qua, bà đã tham gia sưu tầm các điệu Dậm thuông cổ của dân tộc Tày. Bà cũng học thuộc các làn điệu dân ca then cổ như: hát vọng (vừa múa vừa hát theo các điệu Dậm thuông), hát then điệu Khảm hải (hát đưa đò qua sông), hát khắp nôm (hát đối đáp ứng khẩu trực tiếp), hát tu (ru con, ru cháu theo làn điệu dân tộc Tày) để truyền dạy cho các thế hệ.
Nghệ nhân Hà Thị Thanh Tịnh chia sẻ: "Nhiều năm qua, tôi luôn trăn trở việc truyền dạy văn hóa dân tộc Tày cho các thế hệ, để các giá trị văn hóa không bị mai một. Nhờ sự trao truyền đó, các thế hệ trẻ hiểu được những điều hay, lẽ phải để sống tốt và làm nhiều việc cho cộng đồng".
Hiện nay, toàn huyện Trấn Yên có hàng trăm câu lạc bộ thể thao, văn nghệ, cứ 17 giờ chiều, đến 22 giờ đêm các ngày trong tuần, từ các sân bóng, các nhà văn hóa 188/188 của thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều đầy ắp tiếng nói cười của người dân tham gia rèn luyện thân thể, luyện tập văn hóa, văn nghệ.
Mỗi năm các câu lạc bộ này đã tham gia thi đấu, giao lưu hàng chục giải thể thao, văn nghệ cấp tỉnh, huyện với nhiều giải nổi bật như: Giải Bóng chuyền tỉnh Yên Bái; Hội thi thể thao người dân tộc thiểu số và miền núi huyện; Giải bóng chuyền huyện Trấn Yên…
Câu lạc bộ văn nghệ thôn Đồng Song, xã Kiên Thành sau giờ diễn.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Trấn Yên còn được cụ thể hóa bằng nhiều mô hình như: Xây dựng và duy trì "Gia đình văn hóa”; "Thôn văn hóa”, "Bản văn hóa”, "Tổ dân phố văn hóa”; "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc”; "Gia đình hạnh phúc”…
Những mô hình này đã được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội cũng đã được đưa vào hương ước của các thôn, bản, tổ dân phố, là quy ước văn hóa, trở thành nội dung đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tiêu chuẩn thi đua cuối năm của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Vì vậy, hầu hết đám cưới được tổ chức đảm bảo tiết kiệm, trang trọng, lành mạnh, gọn trong một ngày. Về việc tang lễ cơ bản đã được thực hiện tốt theo quy định, các tập tục lạc hậu, tổ chức ăn uống linh đình phúng viếng, rắc vàng mã khi đưa tang đã hạn chế dần.
Năm 2023 toàn huyện Trấn Yên đã có 22.181/23.841 hộ đạt gia đình văn hóa, đạt 93%; 183/188 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, đạt 97,3%. Kết quả đó góp phần đưa chỉ số hạnh phúc của người dân Trấn Yên đạt 69,85%; đạt mức 2 - Khá hạnh phúc, đứng thứ 2/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Ông Phạm Huy Mai - Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện cho biết: "Để có được kết quả trên, những năm qua, Phòng đã tham mưu với UBND huyện xây dựng các kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về nâng cao đời sống, văn hoá tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các xã, thị trấn phát động Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", triển sâu rộng trên địa bàn với nhiều nội dung thiết thực”.
Tuy nhiên, kinh phí chi cho công tác quản lý văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình còn nhiều khó khăn, nhất là kinh phí dành cho công tác gia đình; phong trào thể dục thể thao quần chúng còn chưa đồng đều, chủ yếu tập trung tại vùng đô thị; thành tích thể thao khi tham gia giải của tỉnh đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, song vận động viên tham gia vào đội tuyển của tỉnh còn ít; kinh phí dành cho hoạt động thể dục thể thao ở cơ sở còn rất hạn hẹp, dẫn đến một số hoạt động thể dục thể thao chưa duy trì được thường xuyên và chất lượng chưa cao…
Thời gian tới, huyện Trấn Yên tiếp tục nâng cao nhận thức đối với cấp ủy, chính quyền và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong giai đoạn hiện nay; huy động xã hội hóa để đầu tư, nâng cấp các thiết chế thể thao, văn hóa từ huyện đến cơ sở.
Huyện cũng tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động phù hợp với các tổ chức đoàn thể, thôn, bản, tổ dân phố và với từng nhóm đối tượng, lứa tuổi; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, tạo sự mới mẻ hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân cùng tham gia... nhằm nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn.
Minh Huyền