Tham dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và đại diện các nhà tài trợ...
Các đại biểu tham dự chương trình Tây Ninh - Khúc hát tự hào.
Phát biểu tại chương trình nghệ thuật đặc biệt, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên Báo Nhân Dân tổ chức một chương trình nghệ thuật ý nghĩa tại miền nam thân yêu.
Nhắc lại lịch sử cách mạng hào hùng của mảnh đất "đi trước về sau", đồng chí đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội mà Tây Ninh đã đạt được trong thời gian qua.
Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2015, GRDP của Tây Ninh tăng bình quân hằng năm 10,5%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Quan hệ hợp tác đối ngoại được duy trì thường xuyên và có hiệu quả; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.
Sang giai đoạn 2016-2020, GRDP của tỉnh đạt 7,2%, cao hơn mức của cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.135 USD, cao gấp 1,5 lần so năm 2015. Từ một tỉnh thuần nông, Tây Ninh đã tăng trưởng công nghiệp khá, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về điện mặt trời.
Đến 2020, toàn tỉnh có 350 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 7,8 tỷ USD. Diện mạo từ thành thị đến nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình.
Sau nửa nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Tây Ninh đã đạt nhiều thành quả quan trọng về kinh tế-xã hội, đúng như Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra. Đặc biệt, hệ thống thương mại phát triển nhanh và rộng khắp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng bình quân 9,8%/năm, trong đó, ngành bán lẻ chiếm tỷ trọng bình quân trên 80%. Công tác phân giới, cắm mốc đạt kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành 84% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia.
"Từ vùng đất khó khăn và liên tục chịu đựng chiến tranh, bằng nghị lực đôi tay và khối óc của mình, Đảng bộ và chính quyền, quân dân Tây Ninh đã đưa địa phương thành điểm đến ấn tượng được nhiều người yêu thích, với nhiều di tích lịch sử văn hóa như Căn cứ Trung ương Cục miền nam, Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam, Căn cứ Ban An ninh Trung ương cục miền nam, Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam, Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền nam, Đài phát thanh Giải phóng, Hãng phim Giải phóng, Nhà in Trần Phú, Thông tấn xã Giải phóng, nhiều danh lam thắng cảnh, các khu du lịch sinh thái như Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, núi Bà Đen, chùa Linh Sơn Tiên Thạch, chùa Gò Kén, Hồ Dầu Tiếng...", đồng chí nhấn mạnh.
Đồng chí khẳng định, chương trình nghệ thuật chính luận Tây Ninh - Khúc hát tự hào do Báo Nhân Dân và Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức nhằm kể lại lịch sử bi tráng nhưng rất đỗi hào hùng; những khó khăn thách thức cũng như sức bật vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và quân dân Tây Ninh trong giai đoạn mới.
Chương trình nghệ thuật mở đầu với chương 1 Tây Ninh chiến khu lịch sử, nhằm tái hiện lại quá khứ "gian lao mà anh dũng" của mảnh đất "đi trước về sau".
Trong suốt hành trình đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, Tây Ninh là địa bàn có bề dày lịch sử đấu tranh cách mạng. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp trên vùng Bắc Tây Ninh, Xứ ủy và Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Đông Nam Bộ được thành lập và mở rộng trên vùng đất Tân Biên - Tân Châu ngày nay.
Các nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm Xuân chiến khu, mở màn chương đầu tiên của chương trình.
Các nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm "Xuân chiến khu", mở màn chương đầu tiên của chương trình.
Suốt 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tây Ninh là căn cứ địa kháng chiến đầu não của cách mạng miền nam, nơi trú đóng của Trung ương Cục miền nam, Mặt trận giải phóng miền nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam...
Lịch sử đã hai lần chọn Tây Ninh làm căn cứ địa cách mạng. Sự lựa chọn ấy hoàn toàn có cơ sở đúng đắn dựa trên thế đất, lòng dân, hội đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Để rồi, Căn cứ địa Trung ương Cục miền nam ở chiến khu Bắc Tây Ninh, cơ quan đầu não của cách mạng miền nam mãi mãi là biểu tượng chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện giá trị tinh hoa về tư tưởng "thà hy sinh tất cả, chứ nhất quyết không chịu làm nô lệ”.
Là nơi chia tay những cán bộ cách mạng trung kiên ra miền bắc tập kết, cũng là nơi đón những người con anh dũng của mình về lại căn cứ địa, mảnh đất Tây Ninh còn là biểu tượng của sự hy sinh và chở che đối với những chiến sĩ cách mạng suốt đời tận hiến cho Tổ quốc và nhân dân.
Đặc biệt, sau năm 1975, vết thương chiến tranh chưa kịp hàn gắn, Tây Ninh lại bước vào cuộc chiến chống Pol Pot, bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc, một cuộc chiến không kém phần khó khăn, gian khổ và hy sinh. Thế nhưng, quê hương Tây Ninh trung dũng, quân dân Tây Ninh kiên cường đã vượt lên tất cả, đạp bằng mọi khó khăn để giữ đất quê hương.
Bước qua chiến tranh, để đi tới hôm nay, có những thời điểm khó khăn đến mức tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng với truyền thống bất khuất, trung dũng, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, với sự năng động, sáng tạo và bề dày văn hóa sẵn có, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh đã đoàn kết một lòng viết nên trang sử mới của miền đất Đông Nam Bộ anh dũng, kiên cường.
Chương 1 gồm những ca khúc ca ngợi lịch sử hào hùng của mảnh đất Tây Ninh, ghi nhớ công ơn những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho hòa bình và tự do cho dân tộc. Các tác phẩm Xuân chiến khu, Vàm Cỏ Đông, Bông huệ đỏ, Tự nguyện ... đưa khán giả như được sống lại không khí cách mạng sôi nổi, đầy tự hào.
Màn biểu diễn dân vũ của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Trong chương 2 "Rạng rỡ Tây Ninh”, khán giả được nghe câu chuyện kể về vùng đất Tây Ninh nghĩa tình, năng động, đầy khát vọng phát triển hôm nay. Mở đầu bằng màn dân vũ được thể hiện bởi hơn 100 nghệ nhân, nghệ sĩ và những người dân, chương 2 ngay lập tức mở ra bối cảnh về một Tây Ninh giàu truyền thống văn hóa-lịch sử với những nét đặc trưng nhất các dân tộc Tây Ninh như múa trống Chhay dăm, biểu diễn đàn cò, đàn kim...
Những nhạc phẩm: Về giữa đồi vàng (ca sĩ Đức Tuấn và vũ đoàn Phương Việt trình diễn), Ai về Tây Ninh (ca sĩ Như Ý), Đôi mắt Tây Ninh (ca sĩ Phúc Bồ và vũ đoàn Phương Việt), Nam quốc sơn hà (ca sĩ Erik cùng vũ đoàn Erik), Tôi là một ngôi sao, Việt Nam ơi (Noo Phước Thịnh) đã để lại dư âm đặc biệt trong lòng khán, thính giả.
Đặc biệt, xuyên suốt 2 chương, công nghệ trình chiếu Mapping 3D được sử dụng, góp phần tái hiện những khoảnh khắc lịch sử dưới chân núi Bà Đen hùng vĩ. Những điểm đến nổi tiếng tại Tây Ninh như núi Bà Đen, Tòa Thánh Tây Ninh được tái hiện sống động. Sự kết hợp ngẫu hứng và sáng tạo giữa các lớp trầm tích văn hóa truyền thống với công nghệ hiện đại, tạo nên các hiệu ứng thị giác mới lạ và choáng ngợp là điểm nhấn độc đáo của chương trình.
Cảm xúc của tất cả vỡ òa khi màn bắn pháo hoa tầm cao được thực hiện. Trên nền trời Tây Ninh, ánh sáng của pháo hoa như đại diện cho hy vọng, niềm tin về một Tây Ninh anh dũng trong quá khứ, năng động, sáng tạo và không ngừng phát triển trong tương lai.