Hiếm có nhà văn ở tuổi U90 vẫn có đủ sức khỏe và sự minh mẫn để viết và ra sách như nhà văn Ma Văn Kháng. Viết được một bài báo hay một truyện ngắn nào, ông cũng cứ ngỡ đó là tác phẩm cuối cùng. Ra cuốn sách nào, ông cũng tâm niệm đó là cuốn sách cuối cùng. Nhưng rồi các tác phẩm cứ lần lượt ra đời trong sự ngưỡng mộ của độc giả. Hiện nay, ông vẫn là cộng tác viên thường xuyên và đều đặn mỗi tháng một bài viết trên chuyên mục "Sinh hoạt Đảng” của Tạp chí Xây dựng Đảng. Ngoài ra, ông còn có bài viết đăng trên Báo Văn nghệ, Báo Văn nghệ Công an... về chân dung bạn văn thân thiết.
Mới đây nhất, bài viết "Cuốn sách thứ 95 của nhà văn Hà Minh Đức” đã gây xúc động với nhiều người. Bằng con mắt tinh đời, ông đánh giá: "Hà Minh Đức là cây đại thụ chẽ hai cành hoa trái sum suê. Một người thầy, một nhà văn, một nhà nghiên cứu, một nhà sáng tác. Cả trong hai nghề, anh là nhà khoa học có tâm có tầm. Một cây bút lý luận chuyên nghiệp sắc sảo. Một hồn thơ tinh tế. Một tâm tình đa đoan, đa sự, đa tình trong truyện ngắn và một tác giả bút ký nhạy cảm tài hoa”. Rồi ông nhận định: "Một sức viết bùng nổ, một hiện tượng kỳ thú và kinh ngạc ở thời kinh tế thị trường”.
Với thế hệ chúng tôi, ông như một "cây cao bóng cả” đáng kính. Mỗi lần gặp gỡ hay nói chuyện qua điện thoại, tôi vẫn thấy ở ông một sự gần gũi, khiêm tốn, giản dị, chừng mực. Trong chia sẻ văn chương hay những câu chuyện đời thường, ông không bao giờ tỏ ra mình là bề trên, là bậc thầy mà chỉ như những người bạn, người đồng nghiệp thân thiết. Ông không rao giảng, dạy đời mà tâm tình một cách nhẹ nhàng. Ông thường khuyên tôi nên viết, viết nhiều nhất có thể, bởi ông cho rằng viết chính là cách luyện trí óc tốt nhất, là cách "đắm chìm” trong thế giới chữ nghĩa muôn hình vạn trạng.
Nhiều người khi nghe tên nhà văn Ma Văn Kháng và đọc/học tác phẩm của ông cứ ngỡ ông là người dân tộc thiểu số. Sự thật thì ông là người Kinh, tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh ra và lớn lên ở Kim Liên (Hà Nội). Năm 18 tuổi, ông lên Lào Cai dạy học và ở lại đó công tác gần 24 năm. Chính thời gian được ăn, ở cùng đồng bào dân tộc miền núi đã giúp ông có kiến thức sâu rộng về phong tục tập quán của bà con. Bên cạnh việc ca ngợi những vẻ đẹp trong con người và vùng đất Tây Bắc, ông còn góp tiếng nói thống thiết để loại bỏ những hủ tục đã đeo bám làm khổ người dân. Những tác phẩm như "Đồng bạc trắng hoa xòe” (tiểu thuyết), "Gặp gỡ ở La Pan Tẩn” (tiểu thuyết), "Vùng biên ải” (tiểu thuyết), "Xa phủ” (truyện ngắn)... đã "phô diễn” một lối viết tung tẩy và giàu sức thuyết phục của ông.
Ngày nhà văn Ma Văn Kháng công tác trên Lào Cai, ông được coi là người đã vực dậy nền văn học của địa phương này. Những nhà văn, nhà thơ đàn em ở vùng đất này đã được ông giúp sức, "truyền lửa”, để sau đó họ đã trở thành những cây bút tên tuổi, đáng chú ý là nhà thơ Lò Ngân Sủn, nhà văn Mã A Lềnh và nhà thơ Pờ Sảo Mìn. Tôi may mắn được quen nhà thơ Pờ Sảo Mìn, người dân tộc Pa Dí, tác giả bài thơ "Cây hai ngàn lá” nổi tiếng. Trong những lần trò chuyện, nhà thơ Pờ Sảo Mìn thường nhắc lại lời của nhà văn Ma Văn Kháng: "Mỗi người có một cách đóng góp cho quê hương, riêng người cầm bút thì phải đóng góp bằng những tác phẩm có giá trị. Qua những tác phẩm ấy sẽ nhân thêm niềm tin yêu, lòng tự hào với vùng đất và con người nơi đây. Các chú phải cố gắng chắt lọc, tìm tòi để có tác phẩm hay, "phả” vào đời sống một "cơn gió” mát lành, để mỗi bạn đọc sẽ càng thêm yêu thương, gắn bó với nhau hơn”.
Từ một nhà giáo yêu nghề dạy học, yêu trẻ thơ và yêu vùng đất Lào Cai, Ma Văn Kháng trở thành nhà văn. Văn chương đến với ông nhẹ nhàng, tự nhiên như hơi thở. Ông viết văn như để trút tâm sự, tình cảm của mình, đồng thời qua đó phác họa lên một xã hội tuy còn những điều tiêu cực, những điều "chướng tai gai mắt” nhưng vẫn đầy ắp tình người. Khi trở về Hà Nội, ông làm báo, làm xuất bản... nhưng vẫn trung thành với văn chương. Tác phẩm nổi bật nhất của ông trong thời kỳ này là "Mùa lá rụng trong vườn” - sau được chuyển thể thành phim truyền hình 13 tập "Mùa lá rụng” (đạo diễn Quốc Trọng), phát sóng năm 2001. Tiểu thuyết lấy bối cảnh một gia đình truyền thống vào những năm 1980, khi đất nước bắt đầu có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
Nhà văn Ma Văn Kháng (thứ hai từ trái qua) nhận tặng thưởng Thành tựu văn học trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội.
Mới đây, nhà văn Ma Văn Kháng chuyển sang viết về "mảng” xây dựng Đảng với nhiều tập sách đã được xuất bản, trong đó, cuốn sách gần đây nhất là "Nếu chúng ta không cháy lên” (NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật). Đặc biệt, ông đã được trao giải C và giải Tác phẩm xuất sắc của tác giả cao tuổi tại Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa Liềm Vàng) lần thứ VI - năm 2021. Từ một nhà văn, ông lấn sân sang mảng chính luận với giọng văn hóm hỉnh, trào phúng đầy sâu sắc, thâm thúy. Trong những bài chính luận của ông, người đọc không thấy sự khô khan, cứng nhắc, giáo điều mà thay vào đó là sự uyển chuyển, sinh động, hấp dẫn. Từ những câu chuyện "mắt thấy, tai nghe” trong đời sống, ông đúc rút thành những chuyện "quốc gia đại sự”. Bởi thế, người đọc dễ dàng nhận ra, xây dựng Đảng không phải là chuyện xa vời mà ở ngay trước mắt và hiển hiện ngày ngày trong đời sống của chúng ta.
Nhiều lần chia sẻ với báo giới, nhà văn Ma Văn Kháng nói, ông đến với mảng xây dựng Đảng từ cuối năm 2012. Ban đầu, ông cảm thấy khó và bỡ ngỡ nhưng viết lâu dần thành quen. "Tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nguồn cảm hứng mạnh mẽ của bản thân tôi bởi tôi có niềm tin vào chân lý, vào lý tưởng mình theo đuổi. Từ niềm tin đó, tôi muốn truyền cho đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân và hy vọng Đảng ta sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh; đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc” - ông nhấn mạnh.
Mùa xuân này, nhà văn Ma Văn Kháng bước vào tuổi 88, mắt có thể đã mờ, chân đã chậm nhưng tinh thần và sức sáng tạo của ông vẫn mạnh mẽ. Ông ấp ủ nhiều dự định sáng tác với mong muốn để lại cho đời nhiều cuốn sách có giá trị. Ông tâm niệm, viết văn là hành trình không có điểm dừng, không có điểm kết thúc. Viết chính là cách thể hiện trách nhiệm của người cầm bút với xã hội, để thức tỉnh, lay động cũng như làm đẹp cho đời sống này.
Nhà văn Ma Văn Kháng (tên thật là Đinh Trọng Đoàn), sinh năm 1936, tại Kim Liên (Hà Nội). Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm: "Truyện ngắn chọn lọc”, "Mưa mùa hạ”, "Côi cút giữa cảnh đời”, "Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”.
Mới đây, ông được Hội Nhà văn Hà Nội trao tặng thưởng Thành tựu văn học trọn đời và được Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh là một trong ba nhà văn có đóng góp quan trọng cho nền văn học cách mạng và thúc đẩy sự phát triển của Hội (cùng với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Hữu Thỉnh) tại Hội nghị Nhà văn lão thành lần thứ nhất.
(Theo HNMO)