Về miền khắp Coọi Mường Lai

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/5/2024 | 9:12:02 AM

YênBái - Mường Lai là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng của miền đất Ngọc Lục Yên. Đây là nơi thành lập căn cứ kháng Nhật và ra đời Đội du kích Cổ Văn. Không chỉ anh hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, mảnh đất Mường Lai còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của người Tày, là cái nôi của hát khắp, hát coọi.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn và nghệ nhân Mai Thị Hồng Chắn hướng dẫn các thành viên Câu lạc bộ Khắp Cọoi Trường Tiểu học và Trung hoc cơ sở xã Mường Lai cách hát Khắp
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn và nghệ nhân Mai Thị Hồng Chắn hướng dẫn các thành viên Câu lạc bộ Khắp Cọoi Trường Tiểu học và Trung hoc cơ sở xã Mường Lai cách hát Khắp

Tìm về câu khắp

Khắp Coọi của người Tày ở Mường Lai là một thể loại dân ca độc đáo, một di sản sản văn hóa quý báu của một tộc người. Khắp Coọi gắn bó với cuộc sống của nhân dân lao động, họ hát lên để xua tan đi những mệt nhọc sau một ngày lao động vất vả, để trai gái gắn kết nên duyên vợ, duyên chồng. 

Ở Mường Lai, mọi người còn lưu truyền nhau câu chuyện: Ngày xưa, xưa lắm, cuộc sống loài người lam lũ vất vả, lao động sớm tối mà không biết lấy gì làm vui. Một hôm, có ông cụ ngồi câu cá trên phiến đá bên bờ suối, phía trên có thác nước dội xuống, bên cạnh có búi tre. Gió đưa các cây tre cọ vào nhau phát ra âm thanh "kẽo kẹt” hòa cùng dòng thác chảy vọng lại như có tiếng "hới lả”.

Cụ già bỗng "hới lả” theo tiếng gió và thấy giai điệu mới hay làm sao, trong lòng cụ thấy thổn thức, rung động, người nhẹ nhõm quên hết nỗi u buồn ẩn khuất bấy lâu. Nghĩ rằng Thiên Nhan Thượng đế đã ban cho người Tày mình làn điệu "Hới lả”, cụ bèn gọi mọi người đến hát cho vui rồi truyền dạy cho khắp cả dân làng.

Sau này người đời gọi là Khắp Coọi. "Chang Khắp dú Mường Nọi. Chang Coọi dú Mường Lai”(Hát Khắp ở Mường Nọi. Hát Cọoi ở Mường Lai), Nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn đã bắt đầu câu chuyện về Khắp Coọi như thế. 

Sinh năm 1947, ngay từ khi còn trẻ, ông Nhạn đã có một niềm đam mê đặc biệt với văn hóa dân gian. Từ chỗ đam mê, ông bỏ nhiều công sức đi sưu tầm các bài hát cổ được lưu giữ trong các bản làng của đồng bào dân tộc Tày. Đến nay, ông đã sưu tầm được khoảng 350 bài khắp Coọi, trên 300 bài hát ví quan làng (những bài hát trong đám cưới truyền thống của người Tày). 


Nghệ nhân Hoàng Quang Nhạn chia sẻ: "Trong khi sưu tầm, tôi đã tìm thấy những quyển sách viết bằng chữ Hán Nôm ghi lại những bài hát khắp rất hay mà chúng tôi đã nhờ người dịch thì những bài này đã được chép tay từ năm 1912 đến năm 1920, cho nên chúng tôi cũng căn cứ là tiếng hát khắp xuất xứ từ đây. Cuốn Nôm Tày mà tôi đang giữ gần như là cổ nhất, ghi chép lại những bài khắp Coọi".
 
Khắp Coọi là loại hình dân ca đặc sắc với những tri thức dân gian, những lời răn dạy sâu sắc và đầy tính nhân văn cùng với những cung bậc cảm xúc lứa đôi vô cùng ý nhị, phản ánh rõ nét nhân sinh quan, thế giới quan của đồng bào dân tộc Tày ở xã Mường Lai. 

Trong khi sưu tầm và dịch các bài khắp cổ, ông Nhạn đã tạm xếp thành 5 phần: phần thứ nhất là khắp khuyên; phần 2 là hát giao duyên, hỏi đáp; phần 3: chơi và xem; phần 4: hệ 12 tháng; phần 5 là: mong vọng trữ tình và các loài hoa. 

Theo ông Nhạn, khắp Coọi là một làn điệu lượn trữ tình của người Tày, sử dụng thể thơ tự do, sử dụng lối đối đáp giao duyên với giai điệu mở đầu và kết thúc bằng những tiếng "ứ ơi” ngân dài. Bắt nguồn từ cuộc sống lao động, qua nhiều thế hệ, khắp Coọi ngày càng được hoàn thiện và trở thành một loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc, có giá trị nghệ thuật, phản ánh hiện thực cuộc sống nhân sinh, nói lên những trạng thái tỉnh cảm của con người, những lời gửi gắm sau khi gặp gỡ, những thương yêu, nhắn nhủ, hứa hẹn, mong muốn được kết duyên vợ chồng. 

"Trong hát khắp Tày thì ca từ nó rất thấm, rất hay. Cái hay là nó mang tính giáo dục, tình yêu thương rồi nó có cái gì đó day dứt và có thể là một cách giáo dục con người về  đạo đức làm người, về các hoạt động đời sống thường nhật như đi làm nương cũng có lời, rồi đi làm dâu  cũng có những răn dạy bằng lời khắp để mình làm sao trở thành người vợ tốt, thành người mẹ hiền, thành người con hiếu thảo”, ông Nhạn bày tỏ. 

"Kin khảu cắp mác vai. Theo pi pay Mường Lai đảy bấu. Đảy là hẩu vằn pi rung nả. Thoong thinh làu kết khỏa đuổi căn” (Ăn cơm với quả mây gai. Theo anh đến Mường Lai được không. Nếu anh được sáng mặt. Hai ta cùng kết bạn trăm năm)" , ông Nhạn ngân lên tiếng khắp mượt mà, thướt tha và sâu lắng.  

"Sống trong cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng cùng với khả năng ngôn ngữ phong phú, khắp Coọi của người Tày có nội dung phong phú. Thông qua khắp Coọi, tình yêu quê hương, đôi lứa, tình yêu cuộc sống, lao động được lan tỏa. Qua đó góp phần xua tan mệt nhọc sau thời gian lao động vất vả, tạo tinh thần hứng khởi để bà con hăng say lao động, sản xuất”, chị Chu Thị Sinh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường Lai chia sẻ.


Nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn đến nay đã sưu tầm được khoảng 350 bài khắp Coọi , trên 300 bài hát ví quan làng.

Cho khắp Coọi mãi ngân xa

Tiếng khắp Coọi cứ mãi ngân vang trong ngôi nhà sàn của gia đình ông Nhạn. Lúc sưu tầm ông vừa chép lại, vừa hát theo; khi thì ông say sưa truyền dạy hát khắp cho tụi trẻ trong làng. Với ông, khi ngủ có khi tiếng hát khắp vẫn văng vẳng trong đầu và đắm chìm trong giấc mơ vẫn như còn nghe thấy.  

Đến thăm ông vào một tối thứ 7, từ xa đã nghe văng vẳng tiếng ông dạy hát khắp Coọi. Ông chăm chút từng câu, từng chữ, chỉ bảo từng âm điệu và cùng cất tiếng hát khắp với bọn trẻ trong làng. Nhìn ông say mê với những điệu khắp bên lớp trẻ, chỉnh sửa từng li, từng tý trong mỗi câu hát, đủ để thấy ông mê khắp đến nhường nào. Say khắp, đam mê với vốn văn hóa truyền thống, ông Nhạn có thể quên ăn quên ngủ để luyện một bài khắp Coọi. "Củ pác sam minh lay, Ngoáy nả sam minh quan, Kình bang sam minh pi. Cốc khắp dú hâư oóc, Cốc cọi dú hâư mà”.( Cất tiếng em hỏi anh, Cất lời em hỏi đến.Thương em, anh trả lời. Gốc khắp đâu ra? Gốc cọi ở đâu về?)".

Từ niềm đam mê khắp Coọi, ông Nhạn đã đề xuất với chính quyền địa phương thành lập Câu lạc bộ hát khắp của xã. Từ những người nông dân chân chất, hiền lành đến anh cán bộ xã, thầy cô giáo ở trường hay các em nhỏ… ham mê hát khắp đều có thể đăng ký tham gia Câu lạc bộ và được thầy Nhạn truyền dạy. Thông qua đội văn nghệ, nhiều tài năng đã được phát hiện như: Mai Thị Hồng Chắn, Nguyễn Thị Mát, Hoàng Thị Huyên… và cũng từ đó, tiếng khắp, tiếng Coọi của ông đã đến với những hội diễn khắp trong và ngoài tỉnh với nhiều giải thưởng cao trong các kỳ liên hoan.


Chị Mai Thị Hồng Chắn là người con của mảnh đất Mường Lai anh hùng, xây dựng gia đình rồi chuyển về sinh sống tại thôn 6, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên. Một giọng ca trời phú cộng với niềm đam mê khắp Coọi đã giúp chị trở thành một trong những người hát khắp hay nhất ở vùng đất này.

"Để hát được một bài khắp Coọi hay thì trước hết mình phải có năng khiếu, có đam mê và hiểu rõ về câu khắp thì khi hát mình mới thả hồn và ngân nga vào câu hát nó mới ngấm, mới thấm được. Niềm say mê khắp của tôi bắt đầu từ những lời ru của bà nội, của mẹ khi còn nằm trong nôi. Theo thời gian, tôi càng thấy yêu câu khắp quê hương”. Được biết, chị Chắn đã giành được nhiều giải thưởng cao, huy chương vàng, bạc các hội thi, hội diễn nghệ thuật nhờ hát khắp. Năm 2022, Mai Thị Hồng Chắn được công nhận là Nghệ nhân ưu tú thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.

Trải qua thời gian, khắp Coọi - nghệ thuật ứng tác tinh tế của người Tày ở Lục Yên trở thành loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc.  Loại hình này đang được đưa vào "trường làng” với mong muốn giáo dục cho thế hệ trẻ biết gìn giữ, phát huy. Tháng 10/2020, Câu lạc bộ Khắp Coọi của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Mường Lai được thành lập và sớm trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều học sinh. Trong khuôn viên, nhà trường đã dành riêng một căn phòng làm nơi lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật gắn với những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Tày ở địa phương.

Thầy giáo Vi Xuân Trường – Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: Câu lạc bộ hiện có hơn 100 học sinh tham gia. Hàng tuần, Câu lạc bộ sẽ tập hợp các thành viên để sinh hoạt và học tập. Mỗi tháng sẽ có ít nhất một buổi biểu diễn để giới thiệu các tiết mục mới. Với mong muốn các em có thể hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc, chúng tôi thường xuyên mời nghệ nhân trong xã đến giao lưu, truyền cảm hứng, hướng dẫn. Từ đó, giúp các em nâng cao kỹ thuật hát khắp Coọi ” và sử dụng nhạc cụ dân tộc”.

Qua một thời gian ngắn kể từ khi Câu lạc bộ đi vào hoạt động, nhiều học sinh đã mạnh dạn thể hiện được năng khiếu và niềm yêu thích của bản thân. Dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo của các nghệ nhân, nhiều em ban đầu chưa biết gì, nay đã có thể hát thành thạo các làn điệu khắp Coọi  của dân tộc mình. Đa số thành viên đã tự tin tham gia biểu diễn trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương.

"Trong Câu lạc bộ cũng có nhiều em nổi trội; các thành viên cũng đã đi phục vụ rất nhiều chương trình của huyện, của địa phương, các lễ hội ở thôn… và giành nhiều giải thưởng, như em Nông Văn Chuẩn đi thi cấp tỉnh được giải tài năng trẻ và Huy chương vàng; tham gia các hội diễn quần chúng của Trung ương, của tỉnh cũng được đánh giá rất cao”, thầy Trường phấn khởi khoe. 

Còn em Nông Văn Bảo cho biết: "Tham gia Câu lạc bộ Khắp Coọi của Trường, em thấy rất vui và phấn khởi vì giữ gìn được bản sắc dân tộc, các làn điệu dân ca Tày. Em muốn trở thành một nghệ nhân hát khắp, em sẽ cố gắng học thật nhiều các làn điệu khắp. Em rất thích khi được nghe ông Nhạn, cô Chắn hát và dạy chúng em các bài hát khắp”.

Việc đưa khắp Coọi vào trường học không chỉ tạo sân chơi, môi trường học tập bổ ích, lành mạnh mà còn giúp cho các em có điều kiện tiếp cận, hưởng thụ văn hóa của dân tộc, góp phần khơi dậy, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Nhận thấy hiệu quả và những tác động tích cực của Câu lạc bộ trong việc bảo lưu, gìn giữ văn hóa dân tộc, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Mường Lai luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để Câu lạc bộ hoạt động, khuyến khích giáo viên và học sinh trong toàn trường tham gia.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Tuân - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: "Học sinh tham gia Câu lạc bộ không chỉ góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Tày nói riêng mà còn giúp các em có thêm hoạt động ngoại khóa lành mạnh, bổ ích, tránh xa các tệ nạn xã hội. Tình yêu văn hóa dân tộc đang được thắp sáng trong tim thế hệ trẻ qua nhiệt huyết của những nghệ nhân dân gian. Những điệu khắp Coọi mượt mà sâu lắng vì thế mà sẽ trường tồn với cuộc sống của người dân nơi vùng quê cách mạng này". 

Bà Nông Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết: Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống, trong đó có Khắp Coọi, huyện Lục Yên đã chỉ đạo các địa phương thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân gian truyền thống, chỉ đạo đưa văn hóa dân gian vào  truyền dạy cho học sinh trong các nhà trường để có thêm nhiều bạn nhỏ đam mê hát khắp. Chúng tôi đang lập hồ sơ và đề nghị công nhận hát Khắp Coọi là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia". 

Khắp Coọi không chỉ cho ta thấy vẻ đẹp tâm hồn, cốt cách tự nhiên, sự nhạy cảm, tinh tế của đồng bào Tày ở vùng đất Ngọc Lục Yên mà còn gợi cho ta một ấn tượng đầy cảm mến về một vùng đất thiên nhiên giàu có, phong phú và nền văn hóa đậm đà bản sắc. Các nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú như ông Nhạn, chị Chắn sẽ là gạch nối thời gian để trao truyền, đưa khắp Coọi của người Tày Lục Yên mãi ngân xa, để mỗi người dân Lục Yên đều thêm yêu, thêm quý và trân trọng nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình đồng thời biến khắp Coọi thành một trong những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước.


Mạnh Cường

Tags Yên Bái Mường Lai Lục Yên Cổ Văn Khắp Cọoi

Các tin khác
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề "Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao" diễn ra sáng 12/5 tại Quảng Ninh, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động tối đa nguồn lực phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.

Tại Đại khán phòng của Nhạc viện Tchaikovsky (Nga) mới đây đã diễn ra buổi hoà nhạc "Câu chuyện Moscow".

NSND Tường Vi (ngoài cùng, bên phải) và các em nhỏ đón đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Trung tâm Nghệ thuật tình thương (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ca sĩ Ngọc Anh 3A - con dâu cũ của Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Tường Vi - cho biết, bà mất lúc 14h ngày 11/5 tại Đà Nẵng, hưởng thọ 86 tuổi.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, Trưởng ban Lý luận phê bình, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống trao Quyết định bảo trợ Cuộc thi Ảnh nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2024

Nhằm quảng bá vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh quan, con người, những nét văn hóa đặc sắc của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái tới bạn bè trong nước và quốc tế, sáng 11/5, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái tổ chức phát động cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật năm 2024 với chủ đề "Ảnh đẹp du lịch Yên Bái".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục