Tối 16/8 tại Khu Di tích Đôi bờ Hiền Lương, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức Chương trình nghệ thuật chính luận "Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình”.
Chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội Vì hòa bình 2024, diễn ra đúng dịp 70 năm Ngày ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (21/7/1954-21/7/2024); 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024); hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Khu vực Vĩnh Linh (25/8/1954-25/8/2024), ôn lại những năm tháng chia cắt hai miền Nam-Bắc và đặc biệt là dịp để nhắc nhớ kỳ tích lũy thép lẫy lừng Vĩnh Linh đầu cầu miền Bắc, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền Nam.
Chương trình nghệ thuật chính luận Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình" được mở đầu với chương 1 "Những ngày tháng Bảy". Hàng nghìn khán giả có mặt tại Kỳ đài bắc trong phút chốc như được sống trong không gian thanh bình của mảnh đất lũy thép, lũy hoa Vĩnh Linh anh hùng với các tiết mục Dòng chảy của sự sống (Vũ đoàn Lavender); Quê mẹ là quê anh (Ca sĩ Vân Khánh - Viết Danh)
Nhưng khung cảnh bình yên ấy không giữ được lâu khi những "Vết cắt Bến Hải" xuất hiện. Hai năm sau Hiệp định Geneva, khi mốc ngày Tổng tuyển cử càng tới gần, hy vọng thống nhất non sông càng bị đẩy ra xa. Nỗi đau chia cách cứa vào lòng từng người, từng gia đình đang ở trong cảnh phân ly, dang dở. Tới đây, chương 1 tiếp tục mở ra cho người xem một trường đoạn mới mang tên: Cuộc chia ly màu đỏ với nhạc phẩm bất hủ: Câu hò bên bến Hiền Lương (biểu diễn: ca sĩ Anh Thơ và Vũ đoàn Lavender).
Trong chương 2 với chủ đề "Như không hề có cuộc chia ly", khán giả tiếp tục được lắng nghe những câu chuyện xúc động, chứa chan niềm tin và hy vọng bên ven bờ Bến Hải trong suốt hơn 20 năm xa cách. Tất cả những người có mặt đã lặng đi khi chứng kiến màn "song ca" có một không hai giữa cố nghệ sĩ Châu Loan và ca sĩ Huyền Trang thông qua bản phối khí có sử dụng băng ghi âm để lại với những âm điệu dân ca đầy nhớ thương, da diết của tác phẩm Giọng hò quê ta.
Tình cảnh phân ly, những cảm xúc vỡ òa khi được gặp lại nhau của người dân giới tuyến hai miền ở vĩ tuyến 17 cũng đã được tái hiện lại trong vở kịch ngắn "Chung một màu da” do tác giả, nhà báo Trần Đăng Tuấn viết kịch bản.
Lấy biểu tượng là những cánh bưu thiếp trao đổi giữa nhân dân hai miền, trên nền bối cảnh cây cầu Hiền Lương và dòng sông Bến Hải, vở kịch "Chung một màu da” cho thấy sự chuyển biến về tâm lý của những người lính ở bờ nam sau khi bị thuyết phục bởi sự chính trực, đại nghĩa và nhân ái của những người ở bờ bắc.
Chương 2 khép lại với hoạt cảnh múa hát Bài ca hy vọng do nghệ sĩ Mai Chi thể hiện. Tác phẩm như truyền đi thông điệp: Dù bị chia cắt nhưng niềm tin và khát vọng hòa bình luôn cuộn chảy trong trái tim sắc son của nhân dân hai bờ dòng sông "giới tuyến".
Chương 3 "Máu và hoa" đưa người xem còn được trở về với những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh, chứng kiến sự kiên cường của quân và dân Vĩnh Linh nói riêng và Quảng Trị nói chung qua những chuyến tiếp tế, vận chuyển lương thực, đạn dược và con người bằng cả đường bộ (Tổ khúc Nhịp bước Trường Sơn); lẫn đường thủy qua hai bên bờ sông, và từ đất liền ra đảo Cồn Cỏ, để thấy được những nỗ lực và khả năng phi thường của con người thời chiến.
Sự bất khuất, anh hùng của quân và dân Vĩnh Linh còn được tái hiện qua hoạt cảnh "Đất đối không”, với câu chuyện nhiều lần kéo tên lửa vào, ra và vào lại trận địa để hạ gục những chiếc B52 đầu tiên trong trận chiến.
Chương 4 với chủ đề Sức mạnh Việt Nam tiếp tục tái hiện ý chí quyết tâm "bám đất giữ làng" của nhân dân Vĩnh Linh trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Huyền thoại làng trong hầm hiện lên với chuỗi phóng sự, hoạt cảnh sân khấu và múa hát được dàn dựng, biên đạo công phu.
Đặc biệt, rất nhiều khán giả từng là những người con Vĩnh Linh sơ tán ra các tỉnh phía bắc theo các kế hoạch K8, 10 đều rưng rưng xúc động khi được xem vở kịch "Chúng ta là người nhà". Mang màu sắc vui vẻ, nhẹ nhàng, mở đầu bằng câu chuyện một chàng lính pháo cao xạ và một cô nữ dân quân yêu nhau nhưng chưa kịp báo cáo, từ đó nhắc lại "huyền thoại” về tình cảm giữa hai quê hương Tân Kỳ (Nghệ An) và Vĩnh Linh (Quảng Trị) sau cuộc sơ tán thế kỷ những năm 1967-1972.
Chương 4 khép lại với Tin chiến thắng báo về khi miền nam hoàn toàn được giải phóng. Các nhạc phẩm Giải phóng miền nam, Quân reo quê mẹ Quảng trị anh hùng, Bài ca không quên vang lên hào hùng khiến cho tất cả những người có mặt đều vô cùng xúc động.
Sau một phút tưởng niệm tri ân hương linh các Anh hùng, liệt sĩ, đồng bào đã nằm xuống cho đất nước đứng lên, chương cuối mang tên Đất thép nở hoa được bắt đầu. Các tiết mục Anh có về Quảng Trị với em không, Tổ khúc Giai điệu Tổ quốc - Giai điệu tự hào - Lá cờ... được thể hiện truyền đi thông điệp về quyết tâm, nỗ lực đổi mới-phát triển từng ngày của đất thép Vĩnh Linh nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung.
Dịp này, Ban tổ chức đã phối hợp các nhà hảo tâm gửi tặng những món quà tri ân tới đại diện các gia đình có công với cách mạng và có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cụ thể, Báo Nhân Dân phối hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng 500 triệu đồng cho các gia đình có công với cách mạng tại địa bàn huyện Vĩnh Linh. Tập đoàn Pha Lê Group cũng trao tặng 300 triệu đồng ủng hộ cho quân và dân đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị).
Bên cạnh đó, Báo Nhân Dân còn phối hợp Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup trao 500 suất quà với tổng giá trị 500 triệu đồng cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Báo Đầu tư và Hệ thống Y tế 315 trao 200 suất học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học tại tỉnh Quảng Trị, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng.
Ngoài ra, Truyền hình Nhân Dân phối hợp Quỹ Thiện tâm, Câu lạc bộ trẻ Quảng Trị tại Hà Nội trao 200 chiếc xe đạp cho các cháu học sinh tại 3 xã miền núi của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. |
(Theo ĐCSVN)