Chùa Tiêu còn lưu giữ những di sản văn hóa quý giá của vương triều Lý, là nơi nuôi dạy Vua Lý Công Uẩn, hàm chứa nhiều giá trị văn hóa - lịch sử trường tồn, bảo lưu nhiều cổ vật quý giá và gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử như Thiền sư Vạn Hạnh, vua Lý Thái Tổ, Thiền sư Như Trí.
Chùa Tiêu còn có tên chữ Thiên Tâm tự hay còn gọi là chùa Tiêu Sơn. Theo sử sách, ngôi chùa này có từ thời Tiền Lê. Đến thời Lý đã là một trong những trung tâm Phật giáo lớn. Chùa bao gồm: chùa Thiên Tâm trên núi Tiêu, là nơi trụ trì hành đạo của nhà sư và chùa Trường Liêu ở dưới núi, nơi ở của các nhà sư.
Dưới chân Tiêu Sơn có những di tích từ trước công nguyên, ví dụ như làng Vinh Kiều là làng khoa bảng nổi tiếng; làng Hồi Quan là nơi có ngôi đình rất tiêu biểu của thời Lê Nguyễn và cũng là làng dệt nổi tiếng; Tam Sơn là làng duy nhất có học vị Tam Khôi, hệ thống một loạt nhà khoa bảng của thời phong kiến. Ngay dưới chân chùa Tiêu người ta đã tìm ra những di tích của nền văn hóa Phùng Nguyên của nhiều thế kỷ Trước Công Nguyên. Đây cũng là nơi mà dòng sông Tiêu Dương huyền thoại với truyền tích Trương Tri và là nơi rất nhiều câu chuyện về lịch sử chống xâm lược của ta trong thời Bắc Thuộc.
Lầu Quan âm Bồ tát tại chùa Tiêu Sơn - Bắc Ninh.
Cũng theo sử sách cũ ghi lại, Chùa Tiêu vừa là nơi tu hành giảng đạo của Thiền sư Vạn Hạnh, người đã chấp cánh cho đức Lý Công Uẩn lúc tuổi thơ để khi trưởng thành kiến lập ra vương Triều Lý và khai sáng kinh đô Thăng Long. Đây cũng là quê hương của đức Lý Công Uẩn.
Tượng Thiền sư Vạn Hạnh trên núi Tiêu được đặt hướng về kinh thành Thăng Long.
Qua các tranh thư tịch cổ còn lại cho thấy, quy mô chùa Tiêu xưa rất lớn, gồm có Viện Cảm Tuyền, Lầu Tiên Lĩnh, Tòa Thượng Điện. Trải qua trường kỳ lịch sử, đến nay chùa đã không ít lần phải xây dựng, tu bổ, tôn tạo. Thời Lê Trung Hưng, chùa Tiêu được trùng tu mở rộng với quy mô lớn theo kiểu chùa trăm gian, nên còn có tên là chùa "Trăm gian”. Đến thời Nguyễn, triều vua Bảo Đại, chùa tiếp tục được trùng tu.
Đến nay, chùa gồm các tòa: Tam Bảo, nhà Tổ, nhà khách, gác chuông và các công trình phụ trợ. Tiêu Sơn tự hay Thiên Tâm tự vừa mang nét cổ kính, vừa có những điểm cách tân qua những lần tu sửa. Chùa Tiêu không chỉ có vị thế cảnh quan rất đặc sắc mà còn là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa tâm linh cũng như truyền thống văn hóa và lịch sử.
Một góc khu vườn tháp cổ tại khuôn viên chùa Tiêu.
Đặc biệt, chùa Tiêu còn bảo lưu được 14 tháp rêu phong, cổ kính của các vị sư nổi tiếng từng trụ trì ở đây. Hệ thống tháp cho chúng ta biết đây là một trung tâm Phật giáo lớn mà rất nhiều vị cao tăng đã đến tu hành.
Tháp Viên Tuệ thờ nhục thân của Thiền sư Như Trí.
Ngoài ra, Chùa Tiêu hiện còn lưu giữ những giá trị vô cùng quý giá về văn hóa và sử liệu như sách "Thiên Nam Ngữ Lục” ghi chép về bà Phạm Thị - Thân mẫu của vua Lý Công Uẩn; pho tượng đồng thiền sư Vạn Hạnh và bài vị ghi rõ "Lý triều nhập nội, tể tướng Lý Vạn Hạnh thiền sư thần vị”. Trên đỉnh núi Tiêu còn có pho tượng Thiền sư Lý Vạn Hạnh cao khoảng 5m, được đặt theo hướng nhìn về phía kinh thành Thăng Long.
Chùa Tiêu còn bảo lưu được một số cổ vật quý giá thời Lê cũng như phản ánh về thời Lý như: 15 pho tượng Phật bằng gỗ chạm khắc đẹp, 1 bia đá có tên "Cúng điền bi ký”, 1 chuông đồng của chùa Trường Liêu và nhiều câu đối, thơ ca, sấm ký… Đặc biệt là 1 bia đá có tên "Lý gia linh thạch” ghi chép về lai lịch và công trạng của Lý Công Uẩn.
Cổng chùa Tiêu Sơn.
Chùa Tiêu đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1991. Du khách về với khu di tích chùa Tiêu là tìm về những trang sử sống động tuổi ấu thơ của vua Lý Công Uẩn, bậc minh vương có công khai lập vương triều Lý và quốc gia Đại Việt. Về chùa Tiêu là về một vùng đất cổ với bao điều bí ẩn gắn với lịch sử, văn hóa đối với nhiều người của vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc và của dân tộc Việt Nam.
(Theo VOV)