Thông tin do nhà thơ, nhà báo Phạm Thùy Vinh - phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An, tổng biên tập Tạp chí Sông Lam - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Phạm Thùy Vinh nói, với nhạc sĩ Lê Hàm, "Tôi dành hết tấm lòng quý mến, trân trọng nên khi nghe tin ông mất, tiếc thương lắm!".
Nhạc sĩ của những tận cùng dành cho quê hương, đất nước
Nhà thơ Phạm Thùy Vinh vẫn nhớ kỷ niệm nhiều năm trước khi đến thăm nhà ông. Ở đó, nắng bừng lên trên những khóm cây sau những ngày mưa lụt lội. Và giọng hát của Lê Hàm cất lên, bay thoát từ lồng ngực đã chớm già nua, vẫn tha thiết cất lên niềm yêu thương quá đỗi với cuộc sống này.
Chị nói: "Có phải trong lồng ngực kia vẫn là trái tim ngày nào của cậu bé mới 7 tuổi, nơi xóm nhỏ xã Diễn Hồng (Diễn Châu) đã biết thổn thức khi nghe mẹ lẩy Kiều, háo hức đứng lặng hàng giờ nghe những âm thanh, giai điệu cất lên trên sân khấu quây tạm của đội văn nghệ xóm, đã biết chế tạo cho mình một chiếc sáo nhỏ từ... cuống lá đu đủ và suốt ngày không chịu rời cây sáo của mình?".
Từ Trường Thiếu sinh quân rồi thành văn công của Sư đoàn 320, nhạc sĩ Lê Hàm theo học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (trong những năm từ 1955 - 1961).
Sau đó ông tham gia phục vụ chiến sĩ ở bờ Bắc sông Bến Hải, con đường âm nhạc của Lê Hàm cứ thế mà "trẩy hội" theo từng bước đi của cách mạng.
Ông từng đi diễn ở các trận địa pháo hay những chiến trường vừa ngưng tiếng súng. Cũng có những bài hát vừa ngân lên đã bị cắt bởi tiếng bom rơi.
Theo Phạm Thùy Vinh, "chính những ngày tháng ấy đã nuôi dưỡng trong ông nhiều cảm xúc tận cùng, đất nước; tận cùng yêu thương, tận cùng căm giận, tận cùng kiêu hãnh, tự hào".
Các nhạc phẩm Chiến công Hà Tĩnh vẻ vang, Những người chiến sĩ bến phà, Gái sông La... đã ra đời trong hoàn cảnh đó.
Nồng đượm xứ Nghệ
Sau quãng thời gian hoạt động ở Vĩnh Linh, năm 1964 nhạc sĩ Lê Hàm được điều ra công tác tại Trường Nhạc họa Trung ương nhưng ông lại quyết định về xứ Nghệ.
Mở đầu tập Tuyển chọn ca khúc Lê Hàm, Nhà xuất bản Âm Nhạc từng viết rằng: "Có những nhạc sĩ mà tên tuổi của họ gắn liền với một vùng quê, một miền đất mà họ sinh ra và lớn lên. Họ viết nên những giai điệu dễ thương, gần gũi với xứ sở, đậm đà phong vị dân ca của chính địa phương mình. Lê Hàm là một người như vậy".
Ông sáng tác hơn 200 ca khúc nhưng phần lớn viết về mảnh đất xứ Nghệ. Trong đó có những ca khúc vượt khỏi phạm vi địa phương để đến với khán thính giả cả nước.
Năm 1968, bài hát Gái sông La đẫm chất dân ca ví dặm và vẻ đẹp của Nghệ Tĩnh vang lên trên Đài Tiếng nói Việt Nam nhận được tình yêu mến của nhiều người nghe đài.
"Dòng nước sông La vẫn xanh trong hiền hòa/ Như gái Lam Hồng hiền hậu thủy chung/ Đẹp lắm ai ơi gái sông La, Hồng Lĩnh/ Xô Viết quê mình gái nỏ kém chi trai".
Tới giờ, nhiều người vẫn nhớ những câu hát đó.
Ông còn có ca khúc Người mẹ làng Sen, Vinh - thành phố bình minh… được nhiều người yêu mến. Thậm chí, ca khúc Vinh - thành phố bình minh còn được xem là "Vinh ca".
Nhạc sĩ Lê Hàm (1934 - 2024) sinh tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, tác giả của các ca khúc Gái sông La, Người mẹ làng Sen, Vinh - thành phố bình minh, Tiếng hát đêm trăng,...
Ngoài viết nhạc, ông còn làm nghiên cứu. Ông từng nhận giải thưởng về công trình nghiên cứu dân ca Nghệ Tĩnh của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 1965...
Nhạc sĩ Lê Hàm được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huy chương "Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật", Huy chương Chiến sĩ văn hóa.
Năm 2022, nhạc sĩ Lê Hàm được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho chùm tác phẩm âm nhạc: Người mẹ Làng Sen, Gái sông La, Việt Nam trong trái tim ta.
Lễ viếng và lễ an táng nhạc sĩ Lê Hàm sẽ được cử hành từ ngày 19-9 tại nhà riêng: số nhà 34, đường A1, khối 7, phường Trường Thi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
(Theo TTO)