Ông Bàn Văn Lý - Trưởng thôn Khe Đóm, xã Xuân Tầm cho biết: "Xác định rõ mục tiêu của phong trào phải bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như cảnh quan môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa, đoàn kết giúp nhau lúc hoạn nạn, khó khăn, nhất là cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế gia đình, thôn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và nắm rõ các nội dung cùng nhau thực hiện”.
Là thôn đặc biệt khó khăn với 135 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao song thôn Khe Đóm đã trở thành điểm sáng nhờ thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và phát triển kinh tế. Kết quả bình xét hàng năm, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa chiếm 93%, thôn gắn biển được 15 mô hình nhà sạch vườn đẹp, nhân dân trong thôn đã phát triển được gần 300 ha đồi rừng, trong đó diện tích cây quế chiếm tới 130 ha, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn năm 2024 dự ước giảm xuống còn 3,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 56 triệu đồng/năm. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm nhân dân trong thôn đóng góp hơn 100 triệu đồng để xây dựng NTM.
Xã Xuân Tầm có 715 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm 95%. Để phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, Ban Chỉ đạo Phong trào xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước các thôn, bản trên địa bàn. Đồng thời, đề ra nhiều giải pháp thiết thực phù hợp với điều kiện kinh tế, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của địa phương. Gắn các nội dung của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” với các phong trào của huyện phát động để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thay đổi tư duy, nhận thức cho đồng bào.
Bằng việc giao nhiệm vụ cụ thể cho các chi hội, đoàn thể, các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy theo dõi, phụ trách các thôn đôn đốc, vận động bà con nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tập trung phát triển kinh tế, chung sức xây dựng NTM.
Ông Trần Đức Thịnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Tầm cho biết: "Để phong trào ngày càng phát triển, lan toả rộng rãi, chính quyền, các chi hội, đoàn thể đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các phong trào hành động hiệu quả theo từng năm, từng tháng. Các hội, đoàn thể đã chủ động phối hợp hiệu quả trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các cuộc vận động, các nội dung của phong trào gắn với xây dựng NTM, các phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”.
Từ các phong trào đó, đa số các hộ gia đình, các thôn, bản trong xã luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các phong trào thi đua lao động sản xuất của các hội, đoàn thể không ngừng được quan tâm, đẩy mạnh, tiêu biểu như: phong trào xung kích, tình nguyện của đoàn thanh niên trong tham gia xây dựng NTM; thanh niên tham gia xây dựng, phát triển kinh tế; mô hình "5 không, 3 sạch”, mô hình "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”… của Hội Phụ nữ xã đã tạo nên động lực cho bà con nhân dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đồng thời góp phần tạo nên diện mạo mới của khu vực nông thôn.
Đến nay, xã phát triển được 3 mô hình chăn nuôi trâu, bò 10 con trở lên tại thôn Trung Tâm, thôn Khe Lép, 10 mô hình chăn nuôi gia cầm 300 con trở lên tại thôn Trung Tâm, Khe Đóm, góp phần nâng tổng đàn gia súc chính của xã lên trên 2.000 con, thu nhập từ chăn nuôi ước đạt gần 17 tỷ đồng mỗi năm. Xã quy hoạch vùng trồng cây lâm nghiệp với rừng trồng trên 3.700 ha, giá trị kinh tế từ đồi rừng mỗi năm đạt gần 20 tỷ đồng; diện tích trồng cây ăn quả trên 34 ha, thu nhập cây ăn quả 670 triệu đồng/năm.
Xuân Tầm hôm nay đã và đang khoác lên mình diện mạo mới, cùng với sự ấm no về kinh tế, đời sống văn hoá tinh thần của người dân ngày được nâng cao. Các phong trào văn hóa, thể dục thể thao đã trở thành nét đẹp sinh hoạt tinh thần của nhân dân. Nhiều câu lạc bộ văn nghệ, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc được thành lập trong các khu dân cư, các cơ quan, trường học và duy trì việc sinh hoạt đều đặn. Đời sống người dân ngày một được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo hết năm 2024 dự ước giảm còn 3,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/người/năm; 95% đường giao thông nông thôn của xã được bê tông hoá; tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm chiếm tới trên 91%. Thông qua phong trào đời sống văn hoá tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày một phát triển.
Thanh Tân