Quê hương là nguồn sáng tạo...

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/7/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ngay từ khi còn học ở miền quê núi hẻo lánh, ngoài những giờ tới trường, ông thường say mê chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, tắm suối, bẫy chim rừng... Ông cho biết: "Ở quê tôi, nhiều bà con dân tộc Nùng không biết nói tiếng phổ thông, không biết giao dịch, ra chợ mua bán không biết tính tiền... Những nỗi khổ của bà con đã thấm vào tôi ngay từ nhỏ.

Quê hương thanh bình. (Ảnh Ngọc Đồng)
Quê hương thanh bình. (Ảnh Ngọc Đồng)

Chín tuổi, tôi mới được đi học và cũng mới bắt đầu học tiếng phổ thông. Bố mẹ tôi thường dậy từ 4 giờ sáng, nấu cơm cho tôi ăn xong, mẹ cầm đuốc, bố cõng tôi đi qua cánh rừng dài để tránh hổ vồ. Thời đó, rừng quê tôi còn nhiều thú dữ... Hình ảnh tháng ba ngày tám cả làng phải đi đào củ mài để kiếm sống... đã ăn sâu vào trong tâm trí tôi: Em như con gà lôi/ còn non màu đen nhánh/ thời gian nhuộm đôi cánh/ ngả sang màu trắng phau/ Mùa củ mài củ nâu/ đi kiếm tìm đào bới/ khi mặt trời xuống núi// chui rúc ngủ rừng cây...".

Trong các tập thơ, văn, nhà văn đã đề cập tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, của đồng bào các dân tộc thiểu số qua các thời kỳ cách mạng. Đặc biệt, tiểu thuyết Ngôi đình bản Chang là tiểu thuyết mà nhà văn đã dày công tìm kiếm tư liệu qua các thế hệ cha anh đã sống trong thời Pháp thuộc. Đó là những người dân hiền lành, chất phác, quả cảm, khi được giác ngộ cách mạng, họ sẵn sàng cầm súng, cầm gươm làm cách mạng giành chính quyền ở địa phương. Trong đó hình ảnh sâu sắc nhất: "Một cô gái đi bán cám ở chợ Phủ, tình cờ có một con ngựa của sĩ quan Nhật ở Phủ Bình bị chết. Họ nghi cô gái bán cám thả thuốc độc nên ngựa ăn phải đã chết. Giặc Nhật bắt cô gái về tra tấn dã man, sau đó mổ bụng con ngựa, lôi hết ruột ngựa ra, nhét cô gái vào bụng ngựa, đem chôn sống. Nhân dân vùng này đấu tranh quyết liệt, bọn giặc Nhật phải đào ngựa lên, lấy cô gái từ bụng ngựa ra mai táng thành mả riêng". Trong tiểu thuyết Hoa mí rừng, nhà văn đã phác họa thế hệ thanh niên sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nam thì ra trận, nữ ở lại hậu phương, vừa đảm đang tay cày vừa sẵn sàng chiến đấu.

Ở quê hương nhà văn, người dân vùng hồ Thác Bà sẵn sàng bỏ làng bản, rời mồ mả tổ tiên đi nơi khác để lấy chỗ làm nhà máy thủy điện. Tình quê sâu nặng đã trở thành nguồn cảm xúc lớn cho nhà văn. Khi được hỏi kinh nghiệm của ông về viết tiểu thuyết và làm thơ, nhà văn Địch Ngọc Lân cho là: thực chất, nguồn cảm xúc để viết văn xuôi và thơ hoàn toàn bổ sung cho nhau, chỉ khác về bút pháp nghệ thuật.

Nhà văn Địch Ngọc Lân, dân tộc Nùng, quê xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Trên 40 năm học tập, công tác, nhà văn Địch Ngọc Lân đã cho ra mắt bạn đọc 5 tập sách, trong đó có tiểu thuyết: Ngôi đình bản Chang, Hoa mí rừng, Mùa dứa, tập bản thảo Xứ tuyết và 2 tập thơ: Quê mình, Mùa sim, nhiều tác phẩm truyện ngắn, phóng sự, ký, thơ... in trên báo Trung ương và địa phương.

Xen lẫn ba tiểu thuyết đã xuất bản và một tiểu thuyết đang chờ tại nhà xuất bản, nhà văn đã cho ra đời 2 tập thơ viết về quê hương. Nhà văn Địch Ngọc Lân luôn trăn trở, lo lắng vì sự mai một của văn hóa vật thể và phi vật thể đang bị chìm ngập dưới lòng hồ Thác Bà. Làm gì để góp phần nhỏ của mình vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ấy luôn là điều thôi thúc ông cầm bút. Trong bài Trở lại bến xưa, ông đã viết: "Ôi mông lung nỗi nhớ/ da diết một miền quê/ về thời dĩ vãng/ sống hoài cùng năm tháng/ bao vui buồn ngưng đọng, ngưng đọng trong tâm ta/ Ngày xuân... nắng mượt/ Tung tăng dạo ven bờ/ những ngày đông giá lạnh/ áo mỏng buốt thịt da/ cơn mưa hè nước đổ/ lung linh bóng đôi ta/ nhanh như một giấc mơ/ như sau đêm thức dậy/ vô số điều thuở ấy/ đi vào xa xăm rồi... Giờ trên nghìn hòn đảo/ nước vờn quanh mênh mang/ thành ngàn kho đầy ắp/ lưu trữ những bảo tàng...".

Những kỷ niệm thời thơ ấu đến giờ vẫn còn in đậm trong trí nhớ ông: "Khi con thuyền cập bến/ va vào cụm sim chín ven bờ/ tạc vào ta vỡ thành giọt mực tím/ như tuổi thơ bôi vạt áo nô đùa/ Ôi tuổi trẻ trung thực đến ngây thơ/ yêu trái non vụ đầu mùa thuở ấy/ lòng khát khao đâu dám liều hái quả/ lúc tâm hồn hương huệ tuổi học trò/ thuyền trở về chốn cũ bến xưa/ sim đã chín qua bao mùa vẫn nhớ/ vẫn thương cái màu nhung nền nã/ dù đã chẳng nỡ hái để lỡ mùa...".

Ngay cả những khi đi học tập và công tác ở nước ngoài, nhà văn vẫn canh cánh nhớ về quê hương, nhớ về những người bạn lại càng da diết hơn, nồng nàn hơn, cháy bỏng hơn. Nhà văn cảm thấy tình yêu không bao giờ có tuổi... Đó chính là hồn thơ chắp cánh cho tâm hồn nhà văn bay xa. Ngay cả lúc nhà văn nằm trên giường bệnh. Khi chúng tôi đến thăm ông thì ông vẫn đau đáu nhớ về bạn văn chương, nhớ về bạn bè ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái - chính nơi đó là cái bến đậu để con thuyền thơ văn của ông chống chọi với bão giông mà tải đạo. Nhà văn tâm sự: "Lâm bệnh nặng bị một cơn đột quỵ/ liệt nửa thân đau khổ khôn lường/ càng nhớ hội đã khai luồng suối cả/ cho tình thơ lai láng tháng năm trường...".

Tôi hỏi nhà văn Địch Ngọc Lân: "Mai mốt khỏi bệnh, sức khỏe được hồi phục lại, ông sẽ làm gì?". Nhà văn Địch Ngọc Lân mỉm cười - nụ cười tươi trẻ, tự tin: "Tất nhiên, tôi sẽ lại cầm bút viết văn và làm thơ...".

Trần Thị Nương

Các tin khác

Chung chăn đệm - “sú phả” là một nét đẹp có tự ngàn xưa của người Thái Mường Lò *Yên Bái) được tổ chức ở nhà gái sau khi người con trai đã vượt qua được những thử thách của thời kỳ ở rể. Từ đây đôi trai gái yêu nhau được hai gia đình và cộng đồng công nhận là vợ chồng.

YBĐT - Dân tộc Thái sản sinh và nuôi dưỡng những bản tình ca quen biết, từng làm say đắm bao nhiêu thế hệ người đọc, người nghe. Đó là Xống chụ xon xao, là Khun Lú Nàng ủa. Đó là Tản chụ xiết xương, là Tản chụ xống xương (lời tâm tình tiếc thương), một trong những bản tình ca bất hủ ấy.

Đồng chí Dương Soái - Chủ tịch Hội VHNT trao giấy khen cho các tác giả đoạt giải.

YBĐT - Ngày 10/7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi viết về đề tài thương binh liệt sĩ.

Đồng chí Hoàng Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa Hội đồng giám khảo của Liên hoan.

YBĐT - Đài Phát thanh Truyền hình Yên Bái vừa khai mạc Liên hoan tiếng hát Phát thanh - Truyền hình lần thứ V năm 2007. Hơn 60 thí sinh đến từ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và các tỉnh bạn lân cận Lào Cai, Tuyên Quang đã đăng ký danh sách dự thi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục