Tết Nguyên đán là khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mang ý nghĩa khởi đầu cho một chu kỳ mới của thời gian gói trọn trong đó là khát vọng, niềm tin và những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trong vô vàn phong tục đẹp ngày tết, đi lễ chùa đầu năm nổi bật lên như một nét văn hóa giàu ý nghĩa tâm linh, nơi con người gửi gắm lòng thành kính và hòa mình vào dòng chảy thiêng liêng của trời đất. Trong dịp đầu năm tại những ngôi đền, chùa linh thiêng ở Yên Bái như: Đền Đông Cuông (huyện Văn Yên), đền Rối, đền Tuần Quán, đền Nam Cường (thành phố Yên Bái), đền Đại Cại (huyện Lục Yên), đền Mẫu Thác Bà (huyện Yên Bình)… đông đảo người dân đến dâng lễ, thắp hương cầu khấn mong năm mới nhiều sức khỏe, cuộc sống bình an và hạnh phúc.
Đi lễ chùa đầu năm không đơn thuần là nghi thức tín ngưỡng mà còn là hành trình tinh thần để mỗi người tìm lại sự cân bằng trong tâm thức. Đứng trước bàn thờ Phật, giữa không gian thanh tịnh, hương trầm lan tỏa, chúng ta như quên đi mọi lo âu, bộn bề cuộc sống, tâm hồn được thả trôi an nhiên, tĩnh lặng.
Năm nào cũng vậy cứ vào mùng 3, mùng 4 Tết Nguyên đán, bà Trần Thị Hòa ở xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái lại tới Di tích đền và chùa Rối dâng lễ thắp hương, chắp tay thành kính cầu năm mới gia đình luôn mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc… Bà Hòa chia sẻ: "Tôi đi lễ chùa đầu năm cầu phúc cho gia đình, cũng như để lòng mình được nhẹ nhàng, thanh thản, hướng tâm về Phật”. Phong tục đi lễ chùa đầu năm không chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc sống mưu sinh cũng là dịp để du xuân, vãn cảnh…
Qua đó mới thấy nét đẹp của lễ chùa đầu năm đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Từ người già, người trẻ đều chắp tay niệm Phật, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, người lại cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Ngoài ra có những người đến chùa chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên nhằm xua tan đi những lo toan, vất vả trong cuộc sống...
Ông Nguyễn Viết Dũng ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên cho hay: "Đi chùa đầu năm là truyền thống của gia đình tôi suốt nhiều thế hệ. Chúng tôi không cầu kỳ lễ vật, quan trọng nhất là mang theo lòng thành kính bởi giá trị cốt lõi của lễ chùa không nằm ở hình thức mà ở tinh thần hướng thiện và gắn kết gia đình, cộng đồng”.
Dẫu xã hội có thay đổi, nét đẹp đi lễ chùa đầu năm vẫn là giá trị bất biến, là sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại như ngọn lửa thiêng giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Từ những cụ già với ký ức Tết xưa đến các bạn trẻ đang chập chững bước vào đời với khát khao cống hiến cho đời thì lễ chùa đầu năm luôn là dịp để mỗi người tìm lại bản thân, hướng về nguồn cội cũng như lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp.
Đi lễ chùa cũng gắn kết gia đình qua nhiều thế hệ, hình ảnh bà dẫn con cháu đi chùa dịp đầu năm dạy con trẻ cách thắp hương, chắp tay khấn nguyện như một lời nhắc nhở rằng giá trị truyền thống luôn cần được gìn giữ và trao truyền. Thế hệ trẻ ngày nay dù sống trong thời đại hội nhập và tân tiến nhưng vẫn luôn hiểu, trân trọng ý nghĩa đặc biệt trong lễ chùa đầu năm.
Chị Đỗ Thị Như Quỳnh ở xã An Thịnh, huyện Văn Yên chia sẻ: "Đi lễ chùa dịp đầu năm, tôi cảm thấy bản thân như quên đi mọi chuyện căng thẳng lo toan giữa bộn bề cuộc sống. Tôi tin tưởng rằng nếu mình chân thành, tích cực, làm nhiều việc thiện giúp đỡ mọi người và biết trân trọng những gì đang có thì chắc chắn điều tốt đẹp may mắn, an lành và hạnh phúc sẽ đến”.
Theo dòng chảy của thời gian, nét đẹp đi lễ chùa đầu năm vẫn giữ vị trí quan trọng như một phần không thể thiếu trong văn hóa người Việt. Những ngôi đền, chùa cổ kính, rêu phong, từ bao đời nay vẫn đứng đó, như nhân chứng của lịch sử, chứng kiến biết bao mùa xuân đi qua và đón chào những thế hệ mới đến với lòng thành kính.
Không gian chùa những ngày đầu năm là sự hòa quyện giữa vẻ đẹp thiên nhiên, kiến trúc và tâm linh. Ánh sáng đèn lồng, sắc hoa đào thắm, tiếng chuông ngân và làn hương trầm quyện tỏa, tất cả như đưa chúng ta vào thế giới tĩnh lặng, tạm dừng mọi việc bận rộn, xô bồ và nhường chỗ cho tâm hồn an nhiên, tĩnh lặng...
Có thể nói với mỗi người con đất Việt đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu tạo nên bức tranh đa sắc màu trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, không chỉ thể hiện khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn, hướng con người đến chân - thiện - mỹ.
Bùi Minh