Phục dựng lễ thiêng của văn hóa cung đình

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/6/2008 | 12:00:00 AM

Ngày 4-6, lễ tế Nam Giao được tỉnh Thừa Thiên - Huế phục dựng bài bản và trang nghiêm dựa trên một phần nguyên bản lễ tế Giao đầu triều nhà Nguyễn ngày xưa.

Đoàn ngự đạo xuất cung trong lễ tế Nam Giao
Đoàn ngự đạo xuất cung trong lễ tế Nam Giao

Lễ tế được chia thành hai phần: lễ xuất cung tại kinh thành và lễ tế tại đàn Nam Giao. Bắt đầu từ 6g sáng, một lễ thiết đại triều sẽ diễn ra (một cách tượng trưng) tại điện Thái Hòa. Từ đây đoàn ngự đạo sẽ xuất cung ra phía cửa Quảng Đức đến bến Nghinh Lương đình trên sông Hương, trước mặt kinh thành Huế. Đó là một đám rước hơn 600 người trong trang phục cờ lọng nhiều màu sắc như hoàng triều ngày xưa.  

Lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang tiến hành xây dựng bộ hồ sơ khoa học gồm rất nhiều phần việc về lễ tế Nam Giao, dự kiến trong bốn năm tới sẽ đệ trình UNESCO đề nghị công nhận "Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại". Những hình ảnh sống động của lễ tế hôm nay sẽ là một phần vô cùng quan trọng của bộ hồ sơ.

19g cùng ngày tại Trai cung, khu vực đàn Nam Giao, 900 diễn viên vào cuộc với phần lễ tế, bắt đầu bằng đoàn ngự đạo rước vua từ Trai cung tiến vào đàn tế. Nhà vua (diễn viên sắm vai) thực hiện các nghi thức trước khi tế như lễ quán tẩy (rửa tay) tại tầng đàn thứ ba, cáo tế tại án thờ ở tầng hai và thực hiện nghi thức tế chính tại viên đàn - đàn chính Nam Giao.

Nhà vua sẽ làm chủ lễ tế tại viên đàn, nơi đặt sáu hương án, gồm: án thờ trời, án thờ đất, án thờ các chúa Nguyễn, án thờ các vua Nguyễn, án thờ lịch đại đế vương (tất cả vua chúa các triều đại của VN) và án thờ các vị anh hùng có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời với lễ tế ở viên đàn, ở tầng đàn thứ hai còn có tám hương án và các bô lão tám làng thực hiện nghi thức lễ tế. Đây là tám làng có truyền thống văn vật quanh Huế, được mời đại diện cho nhân dân cả nước tế trời…

Về phẩm vật và nghi lễ, ban tổ chức cho biết cố gắng thực hiện đầy đủ theo các điển chế được ghi trong hội điển và các sử liệu của ngày xưa, như hương án, tam sự, ngũ sự, tam sanh (trâu, heo, dê), hoa quả, bánh trái, trầm trà… Các nghi thức tế tự được tuân thủ và đặc biệt là phần lễ nhạc, gồm cả đại nhạc, tiểu nhạc, múa bát dật…

Tuy vậy, ban tổ chức lễ hội cho hay có nhiều phần được giản lược và một số cách điệu; cụ thể như ngày xưa không có án thờ lịch đại đế vương trên viên đàn, hoặc ở tầng hai ngày nay là án của nhân dân tám làng thay vì án thờ các vị thần linh… Điều này với lý do phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tính chất của xã hội hiện tại là một lễ hội cộng đồng và là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, vừa đi gần với lễ tế đảm bảo tính chân xác của lịch sử...

Ông Phan Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cô đô Huế, cho biết lễ tế lần này sẽ giản lược tối đa những phần có tính sân khấu hóa như trước đây, mà chú trọng sâu hơn vào các nghi thức, nghi lễ. Ông nói: "Tính độc đáo, duy nhất của lễ tế Nam Giao cùng những ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nó (cầu mong quốc thái dân an, cầu mong mưa thuận gió hòa...) tự thân nó đã là một sản phẩm du lịch hết sức hấp dẫn nếu biết khai thác đúng cách. Nhưng chúng tôi còn mong muốn nhiều hơn khi nghiên cứu, phục dựng lễ hội này - là để thế hệ đương đại có thể trực tiếp chứng kiến, cảm nhận, từ đó hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa cung đình Việt Nam".

(Theo TTO)

Các tin khác

YBĐT - Thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Ban tổ chức phòng, chống ma túy tội phạm tỉnh Yên Bái năm 2008, cùng với hoạt động của Đội Thông tin lưu động biểu diễn phục vụ tại các huyện thị trong tỉnh, từ ngày 26/5/2008 đến 31/5/2008, Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh tổ chức Triển lãm tranh cổ động với chủ đề “Phòng, chống ma túy, tội phạm năm 2008”.

Bên tượng đài Chiến thắng Nghĩa Lộ.
(Ảnh: Bùi Xuân Đông)

YBĐT - Hàng năm, Chi nhánh Bảo tàng thị xã Nghĩa Lộ thuộc Bảo tàng tỉnh Yên Bái đều đăng ký sưu tầm được từ 50 hiện vật trở lên và từ đầu năm 2007 đến nay đã sưu tầm được 140 hiện vật. Đó là kỷ vật của các đồng chí cán bộ hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm: cặp đựng tài liệu, ba lô, đồ dùng cá nhân khác...

Bộ tem

Nhân dịp Festival Huế 2008, ngày 3 - 6, Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam đã phát hành bộ tem Nhã nhạc cung đình Huế - kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, gồm ba mẫu tem về tiểu nhạc, đại nhạc, lục cúng hoa đăng và một tem khối về đại nhạc trong lễ tế.

Tối nay 3-6, tại quảng trường Ngọ Môn, Festival Huế lần thứ 5 sẽ chính thức khai mạc mở đầu cho mùa lễ hội kéo dài chín ngày (từ 3 đến 11-6). Đây là festival có qui mô lớn nhất từ trước đến nay với 23 quốc gia tham dự, 60 đoàn nghệ thuật, 77 chương trình (ca múa nhạc, sân khấu, xiếc, triển lãm, sắp đặt, nghệ thuật đường phố...).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục