Sức sống của “Tản chụ xiết xương”

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - “Tản chụ xiết xương” - Tâm tình tiếc thương, có bản dịch ý là Tâm tình người yêu, là một thiên tình sử bất hủ của người Thái Tây Bắc. Truyện thơ là lời than thở tiếc thương cho mối tình tuyệt vọng của đôi trai tài gái sắc, bị những hủ tục phong kiến ngăn trở.

Xuyên suốt tập thơ là lời tâm tình tiếc thương của Anh và Em. Họ biết nhau từ lúc: “Thuở ấy thương nhau chơi chọi gà tại bãi ruộng hoang/Chơi chọi gà đôi ta cùng nhau dãi nắng... Đôi ta yêu nhau trao gửi lời thân thương/Em sẽ về với anh chung nhà sàn bếp lửa” (Lời người con gái).

Người con trai: “Thấy em ở hiền lành”, ưng cái bụng nhưng vẫn không tránh khỏi nỗi lo lắng: “Chỉ lo cây chuối nhỏ người đã đậy gốc/Bụi nứa non người đã dấp gai”, rồi còn lo: “Anh nhìn thấy vũng nước sâu lo không dò nổi/ Nhòm thấy nước trong khó bơi/Nhòm thấy nước tràn ngập núi đồi khó vượt/ Ngẩng mặt lên thấy rồng bay qua/Ước gì được rồng về phủ bên gối”. Điều chàng trai lo lắng không chỉ là ý tứ của cô gái, bởi họ đã: “Đôi ta yêu nhau như vách đá lành lặn/Như bát đựng nước không sóng sánh... Lời út nhắn út yêu sẽ gói khăn đào/Lời trao thương sẽ gói khăn lụa/Gói khăn lụa cho tươi thành vàng/Gói khăn đào cho tươi thành ngọc/Đường vòng tới thăm em chớ vắng dấu chân anh” mà chính là những trở lực trong một xã hội không có tự do hôn nhân.

Họ khao khát một tình yêu, để rồi: “Kiệt sức với lá trầu không đã rụng lìa lá/Chùm quả sai mà rụng lìa cành/Trong lòng mẹ thương còn vướng mắc ngăn cản/Bố út khắt khe nói những lời gọt dũa/Mẹ em ngăn lời nói như dao chặt”. Dù có lúc họ muốn vượt lên tất cả để đến với nhau: “Bố mẹ ngăn đường yêu chớ sợ/Bố mẹ mắng đường tình em út đừng nghe/Bố mẹ không cho, chúng ta sẽ cùng lo/Bố mẹ không cho chúng ta sẽ cùng nhau trốn” (Lời người con trai).

Họ cùng nhau ăn thề: “Khắc đá trắng làm dấu/Băm đá đen thành vết/Cầm bát nước hòa máu ăn thề…/Hai ta quấn quýt bên nhau chín đời không mất” (Ăn thề). Nhưng rồi họ không thể chiến thắng hoàn cảnh nghiệt ngã để rồi suốt đời không thể nào quên được mối tình thiết tha, họ than thở: “Đôi ta trồng khoai sọ ở giàn thiên/Thiên không giúp đôi ta đào/Trồng dâu ở giàn thiên, thiên không giúp cắt…/Chỉ thiệt đôi ta trồng khoai sọ cho người ăn bon/Hồn gái khác trồng dâu cho người ta dẵm cây thái lá”.

Và họ chỉ còn biết nuôi một hy vọng đau đớn được gặp nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt khác: “Chồng em chết em thành gái góa/Em bỏ chồng hay góa bụa sẽ đến với anh”

Có lẽ chính những khát khao cháy bỏng và thánh thiện ấy đã thổi hồn vào lời thơ, làm cho mỗi câu, mỗi ý như được chắt ra từ máu của con tim. Cũng chính vì vậy, từ bao đời, trong những đêm Hạn khuống, Ỉn chan..., những câu thơ của “Tản chụ xiết xương” luôn được những đôi trai gái hát thay cho lời trao gửi tâm tình khó nói.

Đây là lời của chàng trai ý tứ ướm hỏi: “Ở xa ngó thấy lửa/Ở xa ngó thấy nước/Thấy nước vực sâu muốn dò/Thấy nước vực xanh muốn uống/Thấy áo chàm biếc muốn thay/Thấy má hồng tươi muốn trò chuyện/Thấy đôi mắt sắc muốn tỏ tình/Rau của ai xin hái mượn/Nhân tình của ai xin ngỏ lời”.

Trong nghệ thuật thơ của người Thái Tây Bắc nói chung, những biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, cường điệu... được sử dụng rất tài tình, giúp chuyển tải được những điều sâu xa, tinh tế. Với “Tản chụ xiết xương” cũng vậy, những người con trai, con gái mượn ý thơ để gửi lòng mình: “Không phải mới đồ thì đã thành rau/Không phải trộm yêu đã thành chồng vợ/Muốn vui hãy vui khi mùa ban nở rộ”. Chàng trai muốn ngỏ lời mà không tránh khỏi lo lắng, nỗi lo lắng ấy được diễn đạt sao mà tinh tế và sâu sắc đến thế: “Hút hồn anh vào đây/ Thấy áo chàm đen muốn thay/Thấy má hây hây muốn trao lời bày tỏ/Chỉ lo cây chuối nhỏ người đã đậy gốc/Bụi nứa non người đã dấp gai…”.

Người con trai dẫu có ý tứ vẫn mang sự bạo dạn của giới, song với người con gái thì cách chào, mời, thăm hỏi thật ý tứ: “Anh từ phương trời nào đến/ Đến sáng hay chiều tà/Đến từ sáng em chưa kịp chào/Tới buổi chiều em chưa kịp hỏi/Anh đi đường nước hay về đường ruộng/Đi đường nước em hỏi thăm đàn cá lượn/Về đường ruộng em hỏi thăm bông lúa vàng.../Thăm hỏi cả dòng họ xa gần/Người yêu nằm bên có mạnh khỏe”.

Cái cách “hỏi thăm” sao mà khéo đến thế khiến chàng trai nào có ý định ong bướm chắc khó có cơ hội tỏ tình. Song chàng trai vẫn bền bỉ, khéo léo: “Tiếng đồn em khéo, em xinh/Xuống nước cá tôm vây quay/Lên núi rừng cây chào đón/Hang sâu rồng bay uốn lượn…”. Rồi: “Em hát vào suối cạn dâng thành sông Đà/Hát vào chài sẽ cuốn thành tấm lụa/Hát vào rau nhỏ hóa thành sen tơ/Hát cùng chồng người sẽ bỏ vợ quên tình/Hát vào người già hóa thành son trẻ/Hát với sao trời sẽ rơi bên cửa sổ.../Hát vào núi cao sẽ hóa thành ruộng lúa.../Em khâu áo hóa thành hình con công/Em vá chài hóa thành hình rồng.../ Úp bàn tay trái nở thành hoa đào/Ngửa bàn tay phải thành hoa tươi đất Mường Hỏ/Ngồi xổm thêu thành hình chim phượng hoàng/Ngồi nghiêng quay sợi thành chùm hoa xo xe...”.

Trai gái tâm tình yêu thương nhưng họ vẫn luôn nhắc nhau tin vào đôi bàn tay lao động: “Chẳng phải cha yêu cha sẽ cho trâu/Không phải mẹ yêu mẹ sẽ chia vải/Đôi ta yêu nhau dựng nên nhà nên cửa/Mồ hôi tay ta sẽ làm thay muối/Lấy lòng bàn tay thay bát cũng mặc em ơi ...”. Họ động viên nhau vượt mọi khó khăn, chèo lái con thuyền tình đến bến bờ hạnh phúc: “Người thương ăn cá chua sông Mã/Chớ quên vị măng giang Lố Piêng/Được ăn thịt nai đực Mường Thanh/Chớ quên bát canh rêu Mường Muổi/Được ăn mâm cao cỗ đầy/ Chớ quên người tình ăn cơm rải lá xuống đất”.

Tản chụ xiết xương” còn rất nhiều câu, nhiều trường đoạn tả cảnh, tả tình mượt mà, đằm thắm, tình trong cảnh, cảnh trong tình, làm cho truyện thơ lời ít mà ý nhiều, tạo nên một không gian thơ đa chiều, diễn đạt sâu sắc và tinh tế mọi cung bậc của tình yêu. “Tản chụ xiết xương” có một vị trí xứng đáng trong nền văn học nghệ thuật của người Thái Tây Bắc và sống mãi với thời gian.

Vân Đình

Các tin khác

Viện hàn lâm Hoàng gia Anh vừa thông báo sẽ tổ chức một cuộc triển lãm qui mô lớn về nghệ thuật Byzantine(*) với nhiều vật phẩm chưa từng được trưng bày rộng rãi.

Phần thi được trông đợi nhất từ trước đến nay bởi kết quả của nó ảnh hưởng trực tiếp đến chiếc vương miện HHHV 2008. Đó là cơ sở để BGK, gồm những chuyên gia về truyền thông, thời trang, nghệ thuật hàng đầu Việt Nam và nước ngoài tính điểm và chọn người lọt vào top hoa hậu được công bố trong Lễ đăng quang diễn ra vào 8h ngày 14-7 theo khung giờ Việt Nam.

First News (Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt) vừa cho ra mắt ba tập đầu của bộ truyện tranh nổi tiếng thế giới Hãy đợi đấy (biên dịch từ bản gốc tiếng Nga).

Lần lượt thay phiên nhau dẫn đầu trên bảng bình chọn của website: http://www.missosology.org trong 3 tuần gần đây, miss Venezuela, miss Ấn Độ và miss Puerto Rico là 3 ứng viên xuất sắc của ngôi hậu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục