Người giữ hồn làng
- Cập nhật: Thứ tư, 6/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cả cuộc đời mình, ông Hà Văn Tích ở đội 14, thôn Thanh Bồng, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã cống hiến cho sự giàu đẹp của quê hương. Giờ đây, khi tuổi đã cao, ông lại bỏ nhiều công sức để sưu tập, lưu giữ những giá trị lịch sử, truyền thống của quê hương, lập nên một bảo tàng hiện vật vô cùng giá trị cũng như gắng công khôi phục những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
|
Bảo tàng hiện vật
Bước vào căn nhà xây nhỏ nằm ngay sát trung tâm xã Đại Lịch, hình ảnh ấn tượng chính là khẩu hiệu lớn được ông Hà Văn Tích treo trang trọng giữa gian chính: "9 năm đánh Pháp thành công - 20 năm thắng Mỹ non sông hòa bình". Dưới khẩu hiệu có treo một quả trống lịch sử. Quả trống được làm từ năm 1945, do ông Nguyễn Côn - người thôn Khe Liền tặng lại cho bảo tàng. Trên thân trống, ông Tích đề từ một bài thơ mà có lẽ đã bao quát phần lớn lịch sử của vùng đất này:
"Bao năm kháng chiến đánh Tây
Trống trên chòi gác cả ngày cùng ta
Giặc đến trống bảo chạy xa
Giặc đi trống bảo về nhà làm ăn
Bao năm vất vả khó khăn
Hòa bình lập lại muôn phần sướng vui
Cùng nhau xây dựng cuộc đời
Đổi công hợp tác chúng thời giúp ta
Thời kỳ đổi mới mở ra
Trống vui ngày hội vang xa núi rừng".
Dưới tiêu đề "9 năm đánh Pháp thành công" là phần lịch sử kháng Pháp của nhân dân Đại Lịch. Trong những ngày kháng chiến chống Pháp, quân và dân nơi đây đã anh dũng chiến đấu, tiếp tế cho bộ đội và lao động quên mình. Những vật dụng phục vụ cuộc chiến đó được ông dày công sưu tập, giữ gìn.
Là những chiếc trống đặt tại 7 chòi gác của 7 thôn; là những chiếc tù và dùng để báo hiệu đồng thời là hiệu lệnh chiến đấu; là những chiếc coóng khẩu đưa cơm cho lực lượng chiến đấu của bà con; là than, ấm, ủ, siêu nước sắc thuốc điều trị cho thương binh; là những hũ gạo nuôi quân mà mỗi hộ gia đình trong mỗi bữa ăn đều dành dụm bỏ vào đó một nắm gạo: 180 nóc nhà là 180 hũ gạo, mang tấm lòng và biết bao tình cảm của 900 người dân Đại Lịch.
Đó còn là những khẩu súng đầu tiên Đội du kích Đại Lịch cướp được của Pháp, là súng khai hậu, súng kíp tự chế, những ngọn giáo và cả những con dao thường ngày vừa để lao động, sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu khi giặc tới.
Dưới tiêu đề "20 năm thắng Mỹ non sông hòa bình" là phần trưng bày hiện vật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cũng như các địa phương khác, sau kháng chiến chống Pháp, Đại Lịch bước vào công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho miền Nam. Thanh niên Đại Lịch lên đường cứu nước theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Xã có 120 liệt sỹ đã hy sinh cho độc lập, tự do của đất nước nhưng đông đảo con em cũng đã trở về. Họ mang trên mình những thương tích nhưng cũng mang về nhiều hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng của ông. Đây, những khẩu súng, những quả đạn, những chiếc võng gắn bó với đời lính. Đây, những hiện vật của Chính phủ Lào tặng các chiến sỹ trong công cuộc giúp đỡ nước bạn...
Tất cả được ông Tích giữ gìn cẩn thận, ghi chú hoàn cảnh lịch sử cụ thể, rồi trưng bày bên cạnh bao hiện vật khác trong thời kỳ này như: các công cụ lao động của nhân dân địa phương trong quá trình sống, chiến đấu, xây dựng quê hương và tiếp tế cho miền Nam.
Bên cạnh đó, ông Tích cũng sưu tầm, gìn giữ những tài liệu, hình ảnh gắn liền với lịch sử của quê hương Đại Lịch trong những hoàn cảnh khác như: những bức ảnh các đồng chí lãnh đạo của tỉnh, của huyện về thăm xã, hay hình ảnh của những kỳ đại hội và những tư liệu lịch sử Đảng bộ xã. Ông còn dành một phần lớn diện tích sắp xếp tư liệu riêng cho từng ban, ngành, đoàn thể xã như của Hội Phụ nữ qua các thời kỳ, những phong trào của Đoàn thanh niên... Đặc biệt, khu vực trung tâm căn nhà, ông dày công trang trí bằng hình ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đầy đủ từ ngày đầu hành trình cứu nước của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đến hình ảnh của Chủ tịch trong từng thời kỳ cách mạng.
Những người tìm đến gia đình ông tham quan, học hỏi, có người dân địa phương, có cả khách đường xa nghe tin tìm tới. Đặc biệt, có nhiều người trẻ tuổi ham hiểu biết. Với ai, ông cũng chỉ bảo, hướng dẫn tận tình. Vốn hiểu biết lịch sử và cách truyền đạt dễ hiểu của ông đã giúp người nghe nắm bắt chính xác, hào hứng. Khó có thể tin, dù đã 75 tuổi nhưng ông vẫn nhớ rất chi tiết, chính xác từng giai đoạn, từng thời kỳ, từng sự kiện lịch sử của đất nước cũng như quê hương mình. Sự minh mẫn ấy có lẽ xuất phát từ cuộc đời ham rèn luyện và học hỏi của ông.
Gìn giữ nét xưa
Năm 1947, khi vừa tròn 14 tuổi, chàng trai Hà Văn Tích làm liên lạc cho Huyện bộ Việt Minh. Qua những năm kháng chiến, anh dần trưởng thành. Năm 1955, anh làm Chủ nhiệm Hợp tác xã. Thời gian này, anh cùng bà con tích cực lao động, phát triển sản xuất, chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Anh cũng trực tiếp chiến đấu tại Xã đội. Năm 1963, Huyện ủy Văn Chấn điều động anh về công tác tại Ban Tổ chức Huyện ủy.
Năm 1968, do yêu cầu công tác, anh trở lại Đại Lịch tiếp tục làm Chủ nhiệm Hợp tác xã kiêm Xã đội phó. Năm 1977, người cán bộ nhiều kinh nghiệm được tín nhiệm giữ chức Bí thư Đảng ủy xã. Qua 10 năm, ông đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, dần đưa Đại Lịch vượt qua khó khăn, đời sống nhân dân nâng cao, cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện.
Về nghỉ hưu, ông Tích vẫn tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền xã thực hiện các mặt công tác. Trong thời gian này, ông bắt đầu sưu tầm tư liệu lịch sử, văn hóa của địa phương. Năm 2000, ông xây dựng bảo tàng hiện vật, quyết lưu giữ cho thế hệ sau. Ông đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử để kiếm tìm hiện vật. Ai hiểu thì biếu thì cho, thậm chí có người nghe tin mang tới tận nhà tặng nhưng cũng có hiện vật, ông phải dành nhiều thời gian để thuyết phục, trao đổi mới có được. Biết ở đâu có hiện vật, ông lại tìm tới, dù thế nào cũng gắng mang được về nhà. Số hiện vật cứ nhiều dần lên, hiện tại đã lên tới hàng trăm và vẫn đang được bổ sung từng ngày.
Gần đây, sau một thời gian chuẩn bị, ông Tích tiếp tục công việc giữ gìn hồn làng với việc khôi phục lễ hội giã cốm truyền thống của người Tày Đại Lịch. Ông tâm sự, việc giữ gìn truyền thống của quê hương không chỉ là hiện vật mà còn là cả những sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc trưng. Lễ hội giã cốm là một trong những nét văn hóa đó.
Chuyện kể rằng, năm đó, khi vụ lúa mùa đang bắt đầu chắc hạt, nhân dân vui mừng đón vụ mùa bội thu thì xảy ra một sự cố. Đàn vịt nhà đã phá tan những ruộng lúa, ăn hết những bông lúa nếp sắp vào thời kỳ thu hoạch. Quá tức giận, người dân đã thu gom những bông lúa còn lại chế thành gạo, bắt con vịt đực đầu đàn cổ xanh đem mổ nấu cháo. Khi đó, họ mới nhận ra rằng, đàn vịt đã rất khôn, những bông lúa lúc này mới thật ngon lạ. Đem loại gạo đó - sau này người dân gọi là cốm - nấu với thịt con vịt đầu đàn cổ xanh đã tạo thành một món ăn tuyệt vời.
Từ đó, cứ mỗi độ thu về, bà con lại gặt lúa nếp non giã cốm, bắt con vịt đầu đàn cổ xanh (lúc này cũng đang vào độ ngon thịt nhất) nấu cháo. Tục lệ giã cốm có từ đó. Trong lễ hội, họ tổ chức cúng tế cùng nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ đậm chất cộng đồng. Tuy nhiên, lễ hội cũng mai một dần. Sau một thời gian bỏ công nghiên cứu, sưu tầm, vụ mùa vừa rồi, ông cùng các nghệ nhân trong xã đứng ra tổ chức lại lễ hội này. Tuy còn một số hạn chế nhưng lễ hội đã tái tạo thành công một trong những nét văn hóa độc đáo của người Tày Đại Lịch, là cơ sở để ông cùng các nghệ nhân tiếp tục nghiên cứu, thực hiện lại thật hoàn hảo cũng như tiếp tục nghiên cứu, tổ chức hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian của địa phương trong thời gian tới.
Những ngày này, ông Hà Văn Tích vẫn nỗ lực tìm hiểu, sưu tầm các giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương. Vẫn biết vất vả, khó khăn còn nhiều nhưng trong lòng ông luôn cháy bỏng mong muốn lưu giữ cho thế hệ sau những nét truyền thống quí báu. Nhiều người đã đến học hỏi, tìm hiểu và cùng chia sẻ. Điều đó giúp ông thêm vững tin trên con đường của mình.
Tuấn Nghĩa
Các tin khác
Ngày 5/8, nhóm nhảy hàng đầu Việt Nam - Bigtoe Crew, đại diện cho Hiphop Việt Nam đã lên đường sang Bangkok - Thái Lan để tham gia giải đấu Vô địch Hiphop châu Á.
YBĐT - Người Dao thật thà, hiền lành, chất phác và hiếu khách. Bản chất quý báu đó vẫn là nét chủ đạo, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Trong cuộc sống thường nhật, họ ít nói nhưng không thù ghét ai. Do sống phân tán, tiếp giáp với nhiều dân tộc nên họ cũng dễ hòa đồng, tạo điều kiện cho sự phát triển, tiếp thu cái mới.
Giải thưởng Teen Choice Awards lần thứ 10 do các độc giả tuổi teen của tạp chí People bình chọn vừa diễn ra tại Gibson Amphitheater, Los Angeles với người dẫn chương trình là ngôi sao tuổi teen Miley Cyrus.
Với sự chia tay của sáu thí sinh sau đêm Gala 1, sáu thí sinh còn lại của Sao Mai - điểm hẹn sẽ phải cố gắng gấp đôi trong ba đêm biểu diễn giai đoạn hai. Có vẻ như điều này hơi quá sức với họ, khi phải thể hiện hai ca khúc trong đêm 3/8 tại Hà Nội.