Bảo tồn làng cổ - người dân phải hiểu được ý nghĩa thật lớn lao
- Cập nhật: Thứ năm, 28/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong chuyến lên công tác ở xã Suối Giàng (Văn Chấn), gặp đoàn cán bộ của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái vừa hoàn thành đợt khảo sát tổng thể để triển khai Dự án bảo tồn làng cổ của người Mông ở thôn Pang Cáng, xã Suối Giàng. Đây là địa phương thứ hai trong huyện, cùng với bản Hốc, xã Sơn Thịnh được Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch phê duyệt đầu tư bảo tồn làng cổ.
Dân cư trong thôn Pang Cáng cư trú san sát và nếu được bảo tồn những nét truyền thống sẽ trở thành một bản người Mông rất đẹp.
|
Thôn Pang Cáng là địa bàn có rất nhiều yếu tố thuận lợi trong việc bảo tồn, bởi thôn có 100% đồng bào Mông cư trú quần tụ san sát; quan hệ xã hội thuần phác; những nét văn hóa dân gian như: phong tục tập quán, trang phục, nghi lễ và các loại hình văn hóa phi vật thể khác vẫn còn được lưu giữ đầy đủ. Pang Cáng nằm ở trung tâm xã nên sẽ còn tranh thủ được sự quan tâm của chương trình phát triển du lịch ở Suối Giàng...
Chủ trương của cấp trên về bảo tồn làng cổ ở đây đã được triển khai; nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác bảo tồn là hơn 5 tỷ đồng; điều kiện tự nhiên, xã hội ở địa phương cũng rất thuận lợi. Tuy nhiên, để phục dựng và bảo tồn làng Pang Cáng giữ được nét cơ bản sắc thái văn hóa truyền thống của người Mông theo tiêu chí khoa học đặt ra của đề án chắc chắn sẽ không hề đơn giản.
Điều đó có thể thấy qua thực tế đó là, cả thôn có 99 hộ nhưng nay chỉ còn 3 nhà giữ được cơ bản nét kiến trúc truyền thống của người Mông, trong đó nhà ông Sùng Tùng Say giữ được 100% nét cũ (có lợp ván thông); nhà ông Giàng A Tếnh giữ được khoảng 90%; nhà ông Giàng A Chang giữ được khoảng 80%. Số nhà còn lại, kiến trúc đã thay đổi rất nhiều và chủ yếu lợp mái bằng tấm lợp xi măng.
Không chỉ thay đổi về kiến trúc nhà ở mà vật liệu xây dựng và hàng loạt vị trí cấu trúc khác trong nhà như: tường vách, bếp lò, buồng ngủ, chuồng gia súc, kho chứa củi, lương thực... cũng đã thay đổi nhiều. Vì vậy, riêng ở lĩnh vực bảo tồn kiến trúc nhà ở theo lối truyền thống và các cấu trúc khác trong tổng thể ngôi nhà của người Mông cả bản thì không biết phải cần bao nhiêu tiền thì mới phục dựng được, trong khi nguồn gỗ làm khung nhà thực sự khó khăn, nhất là nguồn gỗ thông để làm ván lợp đã cạn kiệt.
Trang phục truyền thống - một đặc trưng quan trọng trong ba đặc trưng cơ bản để nhận biết một dân tộc (kiến trúc nhà ở, trang phục, ngôn ngữ) cũng đang bị mai một nghiêm trọng. Hiện nay ở Pang Cáng, người Mông hầu như không còn trồng bông, se lanh dệt vải. Một số công việc khác như: thêu hoa văn, in hoa văn bằng sáp ong, nhuộm chàm vì thế cũng không được duy trì. Vào thôn bây giờ, ta thấy đàn ông nhóm lớn tuổi cơ bản vẫn còn mặc quần đen may theo kiểu truyền thống, nhưng áo hầu hết đã được thay bằng áo sơ mi, áo phông...
Còn lớp trẻ hiện nay ngày càng có nhiều người mặc âu phục. Đối với phụ nữ, hầu hết mặc váy Mông (hàng Trung Quốc) và mặc áo sơ mi, khăn len thì mua hàng do đồng bào Thái dệt. Nếu khôi phục trang phục truyền thống cũng đồng nghĩa với việc phải khôi phục cả nghề dệt may truyền thống theo lối tự túc tự cấp. Và điều này, chắc chắn cũng không phải là vấn đề đơn giản.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn sẽ phải đối mặt với những khó khăn khác như: thảm sinh cảnh trong khu dân cư ở đây hầu như không có gì. Quan sát xung quanh nhà của bà con, ta thấy mỗi nhà chỉ lác đác vài cây ăn quả như: mận, ổi, chuối, trồng không theo trật tự quy hoạch nào. Điều lạ là, cây đào - một loại cây nở hoa vào mùa xuân và cùng với cây chè Tuyết Shan làm nên cái sắc xuân rất riêng ở đây nhưng lại có rất ít nhà trồng. Đường sá đi lại trong bản hiện vẫn là đường đất; con người cùng trâu, bò, ngựa, lợn đi lại thường xuyên nên đường gập ghềnh, nhiều chỗ lầy thụt. Môi trường sống rất mất vệ sinh bởi chất thải của tập quán thả rông gia súc và hầu hết các hộ dân đều không có nhà vệ sinh.
Từ những khó khăn trên, để có thêm điều kiện thuận lợi trong công tác bảo tồn làng cổ của người Mông ở Pang Cáng thì việc trước tiên là phải nâng cao nhận thức, tư tưởng của người dân. Phải giúp bà con hiểu thật rõ việc bảo tồn làng cổ sẽ mang lại lợi ích gì đối với cuộc sống của họ. Khi họ đã hiểu thì sẽ cùng chung sức với Nhà nước để bảo tồn có hệ thống, đầy đủ các sắc thái văn hóa tộc người và mang tính bền vững.
Đặc biệt, khi tư tưởng đã thông suốt, người dân sẽ tự giác làm những phần việc thuộc về trách nhiệm của mình để giảm tải những đầu tư của Nhà nước mà hiệu quả công việc vẫn cao. Chẳng hạn, họ sẽ tích cực ủng hộ chủ trương của Nhà nước và tự thiết kế lại tổng thể không gian kiến trúc nhà ở theo kiến trúc truyền thống; sẽ tự làm đường đi lại sạch đẹp; tự xây dựng thảm sinh cảnh nơi cư trú; tự khôi phục các sinh hoạt văn hóa dân gian...
Sở dĩ phải đề cập vấn đề tư tưởng người dân cần đi trước một bước vì trong thực tế đã có nhiều chương trình, dự án Nhà nước đầu tư cho đồng bào Mông nhưng vẫn gặp những rào cản trong tâm lý, nhận thức của bà con là "Làm cho chính cuộc sống của mình đi lên mà cứ như thể làm cho Nhà nước". Đồng thời, trong dịp vào thăm Pang Cáng, khi nói những chuyện xung quanh đề tài bảo tồn làng cổ mới thấy bà con còn rất ngạc nhiên và xa lạ với vấn đề này. Thậm chí, nói chuyện vệ sinh môi trường nơi cư trú thì có những đồng chí lãnh đạo xã đã nói rằng: "Thích ăn lợn cắp nách thì phải thả rông, mà đã thả rông thì phải chấp nhận mất vệ sinh".
Đồng chí Giàng A Đằng - Chủ tịch xã Suối Giàng cho biết thêm, năm 2003 - 2004 đã có dự án đầu tư xây dựng nhà vệ sinh cho bà con ở Pang Cáng nhưng vì "không phù hợp tâm lý sinh hoạt" nên họ đã bỏ hết.. Hoặc trước đây đầu tư xây các bể nước sạch công cộng cho một số vùng đồng bào Mông, khi đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì nhiều bể đã không dùng hoặc không được bảo quản. Đây có thể coi là một ví dụ cho sự bất thành trong đầu tư của Nhà nước bởi chưa có sự "gặp gỡ" về tư tưởng và tâm lý sinh hoạt cộng đồng dân cư.
Qua đó cho thấy, các nhà quản lý trong khi đầu tư luôn cần chú ý đến yếu tố đồng thuận về tư tưởng và nhận thức của đồng bào, đặc biệt là những đầu tư cho lĩnh vực xã hội và nhân văn. Nếu không, mọi sự đầu tư chỉ thể hiện ở phía quản lý Nhà nước thì rất khó có được thành công như mong muốn.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Theo thông báo từ Chủ tịch Tổ chức Miss World, bà Julia Morley, cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm nay sẽ diễn ra tại thành phố Johannesburg, Nam Phi.
Ngày 26-8, Đại sứ quán I-xra-en tại Hà Nội cho biết, “cậu bé vàng” của làng piano I-xra-en, Tôm Da-ma-nốp, sẽ có đêm diễn duy nhất cùng với Dàn nhạc Thính phòng - Giao hưởng Nhạc viện TP Hồ Chí Minh vào ngày 6-9 tới tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh.
Không có giải cho ca sĩ do hội đồng nghệ thuật bình chọn với lý do không có ca sĩ nổi bật, cuộc thi Sao mai điểm hẹn 2008 khép lại với hai giải thưởng.
Người đẹp với biển luôn là phần "nóng" trong mọi cuộc thi Hoa hậu, vì thế, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Đài truyền hình Việt Nam dành đến 4 ngày cho việc ghi hình các thí sinh trong những bộ bikini rực rỡ.