Mùa xuân rực rỡ hoa rừng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mùa xuân, đất trời chuyển mình, muôn hoa đua sắc. Ở những nơi sâu thẳm của núi non hùng vĩ đang có sự chuyển mình của muôn ngàn hoa lá. Ngay giữa một vùng non xanh ấy bỗng rực lên một màu đỏ chói lòa như ánh lửa ấm áp giữa đại ngàn, đó chính là những cây tớ dày đang mùa hoa.

Hoa đào rừng.
Hoa đào rừng.

Tớ dày, một loài hoa có sức sống mãnh liệt giữa nơi non cao khắc nghiệt, giữa những nơi đất dốc và khô cằn sỏi đá ấy, cây vẫn mãnh liệt vươn cao để bừng lên một sắc đỏ chói lòa. Tớ dày sắc hoa đỏ thắm, cây vươn cao, tán rộng, hoa nở từng chùm đẹp đến ngỡ ngàng. Thoạt nhìn, ta cứ ngỡ đó là hoa đào rừng nhưng không phải bởi nó cũng có sắc đỏ như hoa đào, thân cây khẳng khiu và mạnh mẽ như biết bao loài cây rừng khác nhưng điều đặc biệt là cánh hoa mỏng, sắc thắm đỏ, nở chúm chím, rung rinh trong gió.

Xen giữa hoa là những nhành non vươn cao, những chiếc lá non màu hồng nõn nà cùng với chùm hoa đỏ thắm ấy tạo nên một cây tớ dày rực rỡ giữa mùa xuân. Với người Mông sơn cước Mù Cang Chải hay Trạm Tấu thì hoa gắn với mùa xuân nơi đây, hoa gọi mùa xuân đến để trai gái vui hội Gầu tào; hoa báo cho già làng hạ cây nêu để giục đồng bào chuẩn bị đi làm mùa; hoa thêu trên váy áo của những cô gái Mông đang vui buổi chợ; hoa hòa vào tiếng đàn môi, lẫn vào những câu hát giao duyên của những đôi trai gái đang tỏ tình bên sườn núi và hoa đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây.

Mỗi khi hoa tớ dày nở rộ là báo hiệu đến thời vụ làm mùa: “Làm mùa xem hoa tớ dày/Xây lứa đôi xem bàn tay” (tục ngữ Mông), làm mùa phải xem thời gian, xem hoa tớ dày nở để kịp làm vụ sớm. Khi những cây tớ dày đã nở rực đỏ cả rừng núi mà mùa vụ vẫn còn ngổn ngang chưa xong thì lòng người thấy lo lắng không yên, còn nhà nào đã làm xong mùa vụ thì cảm thấy đẹp cả tấm lòng, mát cả lá gan vì hy vọng mùa vụ năm nay cây cối sẽ tốt tươi, ngô thóc sẽ nặng hạt: “Xuân năm nay vừa mở/99 bông hoa tớ dày nở/Như thúc giục đồng bào ta/Làm vụ sớm hẳn... Khi một bông hoa tớ dày nở rộ/Ta kịp làm xong vụ mùa sớm/Thật đồng bào ta/Đẹp cả trái tim” (dân ca Mông).

Cũng giữa những bản làng người Mông, người Dao..., ngay ngang bên sườn núi, giữa những ngôi nhà mái lợp ván thông xám xịt ấy bỗng bừng lên một màu trắng xóa, trắng tựa như những áng mây đang sà xuống ôm lấy nương đồi, nhà cửa, bản làng, đó là màu trắng của hoa mơ, hoa mận. Hoa mận có sắc trắng tinh khiết của núi rừng, của sắc trời Tây Bắc. Đồng bào vùng cao thường trồng mận quanh nương đồi, mận cũng có nhiều loại nhưng đều chung sắc trắng. Điểm riêng biệt để nhận ra các loại mận khác nhau khi mùa hoa nở đó chính là nhìn vào dáng cây. Nở sớm nhất là giống mận tam hoa với dáng cây thấp, tán rộng, cành vươn dài như xõa xuống đất, khi đã nở thì như bung ra, hoa liền hoa, cành liền cành và cây liền cây, tạo ra một biển hoa trắng xóa như mây.

Với giống mận hậu, hoa nở muộn sau mận tam hoa vài ngày, những cây mận hậu to lớn như cây cổ thụ, cành lá xù xì và khẳng khiu như tạc vào núi. Có những cây mận tới vài chục năm tuổi, cành xòe tán rộng nên khi hoa nở cũng bừng lên một màu trắng như những gã khổng lồ bị tuyết phủ kín đứng im lìm giữa đại ngàn. Đối với giống mận máu thì có thân vươn cao, cành ít và hoa nở thưa thớt thành từng đợt như những bông hoa tuyết rắc lên thân cành khô cứng. Khi những rừng mận trắng xóa ấy đua nhau nở, tạo nên những áng mây trắng ôm lấy bản làng thì cũng đến lúc những cánh đào rừng đầu tiên bắt đầu nở. Những cành đào khẳng khiu và xám xịt ấy bỗng nhú lên những sắc hồng, một nụ, hai nụ hoa như gọi nhau bừng nở rực hồng, mỗi bông hoa chỉ có năm cánh phớt hồng vây quanh lấy nhụy vàng, hoa đào rừng đẹp một cách tự nhiên và thầm kín.

Đi giữa đại ngàn, ngắm nhìn những cây đào có dáng đứng xù xì, cành xòa xuống như những cánh tay nhoài ra ôm mây núi. Lúc đầu, hoa lác đác chỉ có vài bông với những chiếc mầm xanh non nhô ra như để hít khí trời trong lành. Rồi một ngày, hai ngày, những chiếc nụ xinh xắn ấy bỗng bừng lên, tạo một màu hồng rực rỡ. Những người vùng cao nhìn hoa đào có thể phân biệt sắc quả. Những cây đào có hoa màu đỏ thẫm, cánh to là loại đào có hạt và thịt quả màu đỏ; những cánh đào màu phớt hồng là đào hạt và thịt quả trắng...

Đi khắp các nẻo đường Tây Bắc, ngỡ ngàng trước những sắc đỏ của hoa tớ dày giữa vùng cao nguyên lộng gió, lòng lại lặng thầm và khát vọng giữa những rừng mơ, rừng mận bên những nương đồi, cùng với đó là sắc thắm của hoa đào trong tiếng khèn, tiếng sáo lại trào dâng một nỗi niềm. Cũng trên những nẻo đường ấy, bên những cánh rừng xanh ngút ngàn gió núi, nơi thấp thoáng những ngôi nhà sàn ấm áp khói lam tỏa, lòng lại xốn xang khi bất chợt nhận ra những mảng trắng xóa bừng lên lấp lóa, không rực rỡ nhưng càng nhìn càng thấy êm dịu, đó chính là hoa ban. Khi những chiếc lá cuối cùng trút xuống thì từ những thân cành gân guốc bỗng dần bừng lên bởi sắc trắng hoa ban.

Hoa ban nở là nở hết mình, một cây trắng sắc hoa, một vạt toàn hoa và một rừng rực rỡ hoa. Ban nở trắng ngần với một vẻ đẹp dịu dàng mà quyến rũ, không rực rỡ, không chói lòa mà êm đềm, ngọt ngào. Hoa ban không chỉ nở để đẹp mùa xuân mà với người Thái, hoa còn tượng trưng cho tình yêu chung thủy của lứa đôi:  “...Hoa ban nở, hoa ban tàn/Tình ta đẹp như hoa ban/Còn dài lâu thì như hoa nào/Hỡi người ta yêu...” (tình ca Thái). Đi giữa rừng hoa, cảm nhận vẻ đẹp và hương sắc đại ngàn, lòng lại rưng rưng nghe những câu chuyện tình sâu sắc, đẹp đẽ và bất diệt.“Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở/Không thấy ngày ban tàn/Mãi mãi như mùa ban bắt đầu/Ta yêu nhau” (tình ca Thái). Đi giữa bản Thái, cùng tham gia lễ hội hoa ban, cùng say đắm trong tiếng pí, tiếng khèn, câu khắp và rộn ràng trong những vòng xòe nồng say để rồi khi chia tay, lòng lại lưu luyến không muốn rời xa...

Cũng những ngày xuân, ngay bên những nương đồi hay bên dòng suối trong mát, ta lại bắt gặp sắc trắng của hoa dó, một thứ hoa đặc sắc gắn bó với đời sống tinh thần của dân tộc Tày Tây Bắc. Hoa dó mang một hương sắc riêng và nồng nàn. Giữa những cung bậc của núi non, dịu dàng trong câu si, câu lượn, những cây dó vút cao, tỏa hương thơm dịu dàng, hoa nở từng chùm như gọi mời, như thúc giục xuân về. Mỗi khi nhìn thấy hoa dó nở, đồng bào Tày lại rộn ràng: “Hoa dó giục đàn ông vào rừng lấy củi/ Giục đàn bà vào rừng lấy lá dong/Giục mọi nhà khẩn trương cày, bừa, cấy lúa/Khắp nơi nhộn nhịp tưng bừng”. Trong những bản làng người Tày, người ta thấy đâu đâu cũng sắc trắng hoa dó, hoa mọc ngay bên hiên nhà, hoa tràn lên bờ nương và hoa nở ngay bên bờ suối, đâu đâu ta cũng bắt gặp hoa dó: “Bên suối, ven nương hoa dó thả từng chùm/Như những bàn tay trắng xinh vẫy gọi/Hoa khoác vai nhau soi mình bên suối/Hương ngọt ngào dưới trăng/Có những chiều gió khẽ đu cành/Cả rừng dó lao xao ca hát”.

 Hoa dó với sắc trắng và hương thơm dịu ấy đã đi vào những câu si, câu lượn, vào những đêm hội then làng, trong những lời hẹn hò của những đôi trai gái. Chính vì vậy, tết đến xuân về, trên mâm cúng tổ tiên không thể thiếu đĩa hoa dó: “Đêm giao thừa/Hoa dó cắm linh thiêng trên bàn thờ tổ tiên/Đưa ông bà ông vải về ăn tết/Hoa cứ quyện trong tiếng đàn tiếng hát/Say ngả nghiêng trong đêm hội then làng...” (Hoa dó – mùa xuân).

Mùa xuân, những khu rừng rực rỡ sắc hoa đã dệt nên tấm thảm mùa xuân Tây Bắc. Mỗi sắc hoa, mỗi hương thơm đã ăn sâu vào tiềm thức và bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Những nhánh hoa rừng dịu dàng mà quyến rũ, những sắc hoa chói lòa hay ngọt ngào, êm dịu, ngào ngạt hương thơm đã khiến cho bức tranh thiên nhiên của núi rừng thêm rực rỡ, thêm đắm say. Đi giữa rừng hoa, cảm nhận hơi thở của mùa xuân, lòng thêm yêu mảnh đất, con người và quê hương Tây Bắc biết bao nhiêu...

Nguyễn Đức Phương

Các tin khác
Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà văn hoá thôn Cửa Ngòi, xã Âu Lâu.

Sáng nay - 4/5, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái đã tổ chức khánh thành Nhà văn hoá thôn Cửa Ngòi. Đây là công trình tiêu biểu của xã lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 79 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Yên Bái (7/5/1945 - 7/5/2024).

(Ảnh: tuyengiao)

Từ việc được đọc, được học, được nghe giảng bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu trong nhà trường, với thế hệ chúng tôi mỗi lần đọc lại bài thơ ấy vẫn như thước phim thời sự nóng bỏng, hôi hổi chuỗi thông tin chiến trường và sống động khúc ca trữ tình cách mạng reo vui muôn nốt.

Phim dự kiến ra rạp từ 17-5.

Phim "Vầng trăng thơ ấu" kể về thời thơ ấu của Bác Hồ được đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện, Công ty cổ phần phim Giải phóng sản xuất, dự kiến ra rạp từ ngày 17-5.

Thành phố Yên Bái sẽ tổ chức Festival múa sạp có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc” vào ngày 4 - 5/5/2024.

Dự kiến trong 2 ngày 4 – 5/5, thành phố Yên Bái sẽ tổ chức Festival múa sạp có chủ đề “Rực rỡ sắc màu Tây Bắc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục