Say điệu "Dậm thuông"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mỗi độ xuân về, khi những bông hoa ngũ sắc nở tím khắp núi Tày, núi Thắm, núi Cướm, núi Moon, ấy là lúc khắp các bản, làng của người Tày ở Thượng Bằng La (Văn Chấn - Yên Bái) lại nhộn nhịp chuẩn bị vào hội cầu mùa. Cùng với chuẩn bị những công việc đón năm mới, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao làm không khí trở nên rộn ràng hơn. Những điệu múa, những bài hát then được các cụ cao tuổi truyền dạy cho con cháu một cách say sưa với niềm tự hào về truyền thống văn hóa.

Điệu “Dậm thuông” trong Lễ hội “Cầu mùa” ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn.
Điệu “Dậm thuông” trong Lễ hội “Cầu mùa” ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn.

Theo chuyện xưa kể lại, xa xưa, vùng đất Thượng Bằng La vẫn còn khá hoang sơ, mỗi độ xuân về đất trời giao hòa, khí trời hư ảo. Để tưởng nhớ  các vị thần linh đã đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, lúc nông nhàn cũng là lúc xuân đến, nhân dân lại tổ chức đón xuân, vui tết và mời các vị thần linh về múa, hát với nhau. Lối hát đó gọi là dậm thuông. Dậm thuông có rất nhiều điệu, trong đó có một số điệu chính và có ý nghĩa quan trọng là: dậm khăn, lăn tính, múa hoa và múa chèo thuyền. Dậm thuông với người Tày vừa có ý nghĩa tâm linh vừa mang ý nghĩa nghệ thuật với hai bước chính là bước 3 và bước 7. Bước 3 diễn tả trạng thái nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng thanh thoát. Bước 7 sôi nổi, nồng nàn và say đắm.

Nếu như trang phục truyền thống của những thiếu nữ Tày là áo váy và khăn màu đen thì trong lễ hội, đồng bào lại ưa thích áo váy sặc sỡ sắc màu. Dậm thuông có thể múa theo nhóm hoặc di chuyển linh hoạt thành những vòng tròn nhỏ, kết thành vòng tròn lớn. Những động tác xoay người linh hoạt, lúc khoan thai, chậm rãi, lúc uyển chuyển, trữ tình. Những chuyển động đều của cánh tay, cơ thể cùng với áo váy sặc sỡ tựa như bông hoa khổng lồ đang khoe sắc xuân trước gió. Với âm thanh chủ đạo của cây đàn tính cùng các dụng cụ thường ngày như chén, đĩa đã tạo nên những âm hưởng thanh tao, mang đậm sắc thái dân tộc. Dậm thuông trong ngày hội thể hiện rõ nét tính cộng đồng, tình cảm gắn bó, bền chặt của các thế hệ người Tày ở Thượng Bằng La, vừa góp phần cổ vũ, động viên tinh thần của nhân dân tiếp tục hăng say lao động, sản xuất.

Tuy nhiên, cùng với những đổi thay của đời sống kinh tế – xã hội, điệu dậm thuông ít nhiều cũng phần nào bị phai nhạt theo năm tháng. Với ý thức lưu truyền và phát huy bản sắc dân tộc, những năm qua, chính quyền và nhân dân xã Thượng Bằng La đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Trong đó, điệu dậm thuông đã được quan tâm đặc biệt. Ngoài việc tìm kiếm, động viên các cụ cao tuổi, các nghệ nhân sưu tầm, nghiên cứu, phát triển những điệu múa cổ truyền, xã còn thường xuyên tổ chức các điệu múa trong những dịp lễ hội và đưa dậm thuông vào giảng dạy tại nhà trường. Nhờ đó, đến nay, các điệu múa dậm thuông được khôi phục và được thể hiện khá thành công tại Lễ hội “Cầu mùa” năm 2008, làm nức lòng nhân dân trong xã và du khách thập phương.

Ngày xuân hòa mình vào những vòng xòe, trong giai điệu thanh tao của cây đàn tính cùng âm hưởng du dương của đất trời, đồng bào Tày ở Thượng Bằng La không chỉ thấy lòng mình rộn rã mà còn thêm tự hào về truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc được ông cha sáng tạo, phát triển và gìn giữ qua nhiều thế hệ. Say cùng vòng xòe, mọi người đều thấy được tình cảm gắn bó keo sơn của cộng đồng, làng bản và thắp sáng lên tình yêu quê hương, con người, xứ sở cùng những mong ước về cuộc sống tốt đẹp ngày mai.

Trần Van

Các tin khác
Việc lựa chọn công nghệ thực tế ảo tương tác 3D trong một không gian di sản đã được thực hiện tại một khu phòng trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân dân

Nhiều bảo tàng ở Việt Nam hiện không chỉ đơn thuần là nơi diễn ra trưng bày, triển lãm theo kỳ/cuộc mà hướng tới cung cấp trải nghiệm toàn diện cho du khách từ không gian thực cho đến không gian “ảo”.

Cựu thanh niên xung phong tham dự triển lãm cùng thắp hương cho đồng đội từng tham gia mở đường Trường Sơn

80 bức ảnh tư liệu khơi gợi niềm tự hào, kiêu hãnh trong những năm tháng mở đường Trường Sơn vừa được Trung ương Đoàn tổ chức triển lãm tại Quảng Bình.

Ba cuốn tiểu thuyết trong bộ tiểu thuyết

Tiểu thuyết “Từ Việt Bắc về Hà Nội” – tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023). Sách do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành.

Cụm thi đua số 5 tích cực tham gia luyện tập  để tham gia Liên hoan

Công đoàn Viên chức tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Liên hoan “Tiếng hát công chức, viên chức, lao động” năm 2024, dự kiến khai mạc vào ngày 18/5 tại Rạp Hồng Hà, thành phố Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục