Trại Sáng tác văn học nghệ thuật Yên Bái tại Vũng Tàu: Thành công tốt đẹp
- Cập nhật: Thứ tư, 25/3/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Được sự giúp đỡ của Trung tâm Hỗ trợ Sáng tác - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học Nghệ thuật Yên Bái đã tổ chức Trại Sáng tác văn học nghệ thuật Yên Bái tại Nhà Sáng tác Vũng Tàu từ ngày 1 - 15/3/2009. Tham dự có 15 tác giả là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Yên Bái, trong đó có 10 tác giả văn học, 5 tác giả mĩ thuật và ảnh nghệ thuật.
Sau 15 ngày dự trại, tất cả các tác giả đều hoàn thành những đề cương sáng tác đã đăng ký, nhiều tác giả có thêm sáng tác mới, phản ánh những cảm xúc, suy nghĩ về miền quê biển Vũng Tàu. Số lượng tác phẩm đã hoàn thành gồm 8 tập thơ, 1 tập truyện ngắn, 1 tập bút ký và ghi chép, 1 tập nghiên cứu - phê bình, 1 tập sưu tầm - nghiên cứu - biên dịch văn hóa - văn học dân gian và 4 bộ ảnh nghệ thuật, một bộ tranh và ký họa.
Khúc ru mình - tập thơ của nhà thơ Ngọc Bái gồm 32 bài. Cảm xúc của Ngọc Bái trong tập thơ này nghiêng về sự chiêm nghiệm sau những năm tháng đã qua: “Đường đời mơ bắc, mộng nam/Yêu cho nát đá chưa cam lòng mình/Thương mình có lúc vô tình/ Trách tung tăng gió đã hình như quên” (Khúc ru mình); “Trở về đếm kiếp hoa rơi/Đa đoan có giống kiếp người ngày xưa/Ơ kìa nắng, ơ kìa mưa/Ơ kìa sợi tóc rụng vừa trắng đêm” (Kiếp nắng mưa). Trong bài thơ “Đường tu”, sự chiêm nghiệm của Ngọc Bái thật là hóm hỉnh: “Tu chùa lại sợ nhớ nhà/Đành về tu giữa hai tà áo em”.
Dự trại lần này, tác giả thơ Dương Soái chỉnh sửa để chuẩn bị cho ra mắt tập thơ Đất lạ. Tập thơ 27 bài đa số được khởi thảo từ những ngày tác giả còn là một cán bộ địa chất, có cái cảm xúc của những năm 70 thế kỉ trước mà bây giờ khó tìm lại được. Ở đó, cuộc sống lao động và sinh hoạt của người địa chất qua cái nhìn của tác giả hiện lên thật đẹp, ở đó ta còn thấy tâm hồn Dương Soái thật khỏe khoắn nhưng cũng thật lãng mạn: “Nơi cho ta đi sâu vào lòng đất/Ôm những mỏ đồng, cung than, ổ sắt…” (Đất lạ); “Tiếng máy êm, ru giấc ngủ sao trời/Vầng trăng ngỡ ngàng len vào đỉnh tháp/Tời quay vòng cuộn cáp/Trăng lúng liếng cười nhìn đôi mắt long lanh” (Bình minh sau ca ba).
Gửi mùa thu của tác giả Ngọc Chấn có 34 bài. Ngọc Chấn trải hồn mình với nhiều miền quê: Vũng Tàu, Đà Lạt, Cần Thơ, Lạng Sơn, Tây Nguyên… nhưng có lẽ vẫn nặng lòng với Hà Nội hơn cả: “Ta tìm về Hà Nội để nghe mưa/Để thao thức một mình trong phố cổ/Nghe rất rõ bàn chân trong ngõ nhỏ/Neo lòng mình ở lại một ngày mai” (Hà Nội); “Anh đã quên hoa sấu rụng cuối ngày/Quên cả ngõ xưa ngóng đêm về diệu vợi/Nhưng có thể nào quên/Đêm mùa thu Hà Nội/Một mùa thu như thể của riêng mình” (Gửi mùa thu Hà Nội).
Đầy vơi cung đàn - tập thơ của Hoàng Bảo gồm 99 bài thơ viết theo thể thơ 4 câu. Tập thơ thể hiện những cảm xúc đa chiều của tác giả: “Bốn cung tích tịch… đàn chơi/Cung thương, cung nhớ, cung vơi, cung đầy/Còn như u oán nào hay/Tình tang là gảy những ngày gió mưa” (Cung đàn đầy vơi). Với nỗi niềm ấy, nhiều khi chỉ là nghe một tiếng chuông chùa, ngắm cái ao làng, nhìn một bông hoa dại… cũng gợi lên những “cung đàn” trong tâm hồn Hoàng Bảo.
Tác giả Thế Quynh tham dự trại lần này với tập thơ Đêm Mường Lò với 35 bài thơ. Tập thơ có nhiều câu thơ đẹp về cảnh sắc vùng cao: “Bất chợt gặp Thiên thai/Giữa chập chùng núi đá” (Lên Khai Trung), “Lơ thơ mái nhà sàn/Mây trắng vờn lưng núi” (Đường lên Trạm Tấu); “Vòng ô xòe trên tay/Điệu khèn nghiêng nghiêng núi” (Đi chợ Bắc Hà); “Tay cầm tay, bước chân xòe bổi hổi/Trăng chênh chao trên Khau cút nhà sàn” (Đêm Mường Lò).
Tìm ngọn gió trưa 30 bài và Vẽ nôi ru mặt trời Văn Lộc vẫn là sự thể hiện một cảm xúc thơ đã khá định hình của tác giả. Ở thơ Lê Văn Lộc, cái thực và cái ảo luôn đồng hành trong hành trình kiếm tìm của anh: “Tìm chim, chim đậu cành cao/Chỉ nghe gió đập lao xao cuối ngày/Tìm mây, mây tít trời xanh/Chỉ cơn gió thoảng đã thành mây xa”. Trong tập thơ viết cho thiếu nhi, anh có nhiều bài, nhiều câu thơ thật trẻ thơ: “Chiếc cầu ao/Chị vo gạo/Con bống dạo/Bèo trông theo”.
Tác giả Hiền Lương với tập thơ Mùa em 32 bài với cảm xúc: “Chỉ có em là một mùa vĩnh cửu/Anh vĩnh hằng trong ấm áp mùa em”.
Nhà văn Hoàng Thế Sinh với tập truyện ngắn Mưa bóng mây 25 truyện. Một điều dễ nhận thấy là truyện của Hoàng Thế Sinh ngắn về câu chữ nhưng lại dư ba những cảm hứng nhân văn. Truyện của anh cũng được viết theo một phong cách mới, nhiều truyện như những bài thơ có tứ. Các truyện “Mưa bóng mây”, “Tiếng rừng”, “Cô gái bán cỏ mần trầu”, “Chim gâu đôi” là những truyện để lại nhiều cảm xúc và suy ngẫm.
Vuông trời kỉ niệm - tập bút ký và ghi chép của tác giả Hoàng Việt Quân có 24 bài. Trong đó có chùm bài viết về quá trình xây dựng công trình Thủy điện Thác Bà: “Hai ông bà hóa thân”, “Trên công trường bất tử”, “Những người thợ dũng cảm” có nhiều giá trị tư liệu.
Trong tập Hương đất quê mình, tác giả Lê Văn Lộc tập hợp một số bài nghiên cứu, phê bình, giới thiệu về một số tác phẩm của tác giả Yên Bái. Với cái nhìn của một người sáng tác và dạy văn, Lê Văn Lộc có những phát hiện mới về tác phẩm của bè bạn.
Thác Bà - Những nét hoa văn là tập sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch văn hóa - văn học dân gian dân tộc Tày, Yên Bình của tác giả Hoàng Tương Lai gồm 25 bài. Tập sách có hai phần: một phần sưu tầm, biên dịch các diễn xướng nghệ thuật dân gian sử dụng trong một số sinh hoạt nghi lễ: hát dặn dâu, hát giao dâu, hát quan làng, khắp coọi, lượn coọi…; một phần giới thiệu về phong tục: lễ đeo nhẫn, tục hái rau thơm, lễ hóa giải lời nguyền…
Tham dự trại lần này còn có 5 tác giả mĩ thuật đều có những sáng tác mới về Vũng Tàu. Tác giả Lê Bác Đạt với các ảnh: Ngư nhân, Bãi sau, Chiến tranh - Hòa bình, Cất cánh, Nghinh phong. Tác giả Vũ Chiến với các ảnh: Hạnh phúc, Vòng cung biển, Bến bờ, Bình minh Vũng Tàu, Hướng biển, Xưa và nay. Tác giả Tuấn Nghĩa với các ảnh: Chăm sóc vườn xuân, Hạnh phúc, Việc thường nhật, Bình minh Vũng Tàu 1, Bình minh Vũng Tàu 2. Tác giả Ngọc Hân với các ảnh: Đường lên Nghinh thiên đài, Ốc biển, Bình minh Nghinh phong, Đứng trước biển. Tác giả Nguyễn Đình Thi với bộ tranh vẽ bằng chất liệu tổng hợp: Vô đề 1, Vô đề 2 và một số kí họa bằng bút sắt. Tất cả đều thể hiện một cái nhìn mới mẻ và tình yêu với Vũng Tàu.
Cùng với việc chỉnh sửa, hoàn thành bản thảo, trại đã tổ chức một số cuộc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với cơ quan thường trực Hội và một số văn nghệ sỹ các hội văn học nghệ thuật; tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, tìm hiểu thực tế cuộc sống xã hội, kinh tế, chính trị của thành phố Vũng Tàu và các địa phương dọc hành trình xuyên Việt để có thêm vốn sống, cảm hứng và kinh nghiệm sáng tác. Có thể nói, Trại Sáng tác văn học nghệ thuật Yên Bái tại Vũng Tàu đã thành công và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn.
Nguyễn Hiền Lương
Các tin khác
Nhật Bản đã thắng lớn tại giải thưởng điện ảnh châu Á lần thứ 3 vừa công bố ngày hôm qua tại Hong Kong, trong đó có 3 giải quan trọng: phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất và nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Trái với dự đoán của nhiều người cho rằng, năm nay Việt Nam sẽ không có người đẹp đi dự thi các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, sáng nay, 24-3, bà Lê Diễm Ly - Phó Giám đốc phụ trách marketing Công ty Hoàn Vũ cho biết, công ty đang xúc tiến việc chọn lựa người đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (HHHV), Miss Universe 2009 được tổ chức vào tháng 8 tới tại Bahamas, quốc đảo xinh đẹp nằm ở phía Bắc Caribbean.
Sáng 23-3, tại tỉnh Yên Bái, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam tổ chức khai mạc trại sáng tác văn học - nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc năm 2009 với sự tham gia của 24 tác giả thuộc các chuyên ngành văn học, văn xuôi, thơ, mỹ thuật và nhiếp ảnh đến từ 12 hội văn học - nghệ thuật các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Giang.
Sáng 25/3, công trình cáp treo Bà Nà (Đà Nẵng) sẽ bắt đầu hoạt động. Đây là tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5km) với tổng kinh phí đầu tư gần 300 tỷ đồng.