Đi tìm tiếng chim chổm bóc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ám ảnh mãi trong tôi câu chuyện tình ngang trái, thủy chung của một đôi trai tài gái sắc ở một bản Thái. Nàng Hiến Hom và chàng Cầm Đôi. Họ yêu nhau, nhà Cầm Đôi nghèo nên không có "cá hua" (tiếng Thái là tiền thách cưới) mà phải tạm xa nhau với những câu hẹn thề sâu nặng.

Cánh ban căng ra, nở hết mình cho một thời xuân sắc.
Cánh ban căng ra, nở hết mình cho một thời xuân sắc.

Ngày Cầm Đôi trở về khi đủ tiền thách cưới thì nàng Hiến Hom đã bỏ vào rừng để khỏi phải bị mẹ cha ép gả cho người mà mình không thương, không nhớ. Cầm Đôi lần theo dấu chân của người thương mà khóc gọi. Nước mắt của chàng nhỏ xuống những dấu chân nàng. Trên những dấu chân thấm đầy nước mắt ấy đã mọc lên một loài cây nở hoa trắng muốt. Khi không còn nhìn thấy những dấu chân, cũng là lúc chàng Cầm Đôi kiệt sức. Cầm đôi chết hóa thành chim "chổm bóc" tiếng Thái - chổm bóc có nghĩa là gọi hoa) thảng thốt gọi người thương.

Xe đưa đoàn chúng tôi qua cầu Âu Lâu, ngược quốc lộ 37 lên Nghĩa Lộ. Sau hơn tám mươi cây số với những đèo dốc, những khúc cua tay áo và dừng lại trên đỉnh dốc Thái Lão, lòng chảo Mường Lò hiện ra đến ngỡ ngàng, kỳ thú. Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Yên Bái một vùng thật sự "đồng bằng" giữa những điệp trùng đồi núi, trời mây.

Mường Lò là vựa lúa thứ hai của Tây Bắc sau những điệp trùng đồi núi, trời mây. Mường Lò là vựa lúa thứ hai của Tây Bắc sau Mường Thanh của Điện Biên. Mường Lò cũng là ngọn nguồn của những điệu xòe. Đứng trên sân thượng của khách sạn bảy tầng - Khách sạn Nghĩa Lộ - nhìn ra bốn phía, thị xã Nghĩa Lộ như một đài hoa hiển lộ trên mầu xanh ngút ngát lúa đương thì con gái, như một điểm nhấn của họa tiết trong chiếc khăn piêu.

Tiếng guốc sắt của vó ngựa kéo xe gõ đều đều trên mặt đường bê tông nhựa như gợi lại nét xưa yên bình, tĩnh lặng. Trên cái nền xanh ngút ngát yên bình, tĩnh lặng ấy, những bản người Thái và những ngôi nhà sàn như những nét chấm phá tài ba của thiên nhiên thấp thoáng trong tán trẩu. Mùa này, những chùm hoa đơm đầy, trắng muốt như bát cơm nấu từ hạt gạo Mường Lò.

Sau bữa cơm trưa có món cá xỉnh nướng, một loại cá suối nổi tiếng thịt thơm, săn chắc của Nghĩa Lộ và xôi nếp Tú Lệ nhuộm tím, tôi vội vàng gọi một "cuốc" xe ôm đi Trạm Tấu. Từ thị xã Nghĩa Lộ qua đèo Ái Hiểm, nơi mà chục năm về trước, đoàn đèo này đã làm cho không ít những chàng trai người Mông từ Trạm Tấu ra Nghĩa Lộ, trên tay khư khư một con gà, một con lợn "cắp nách" không phải để bán mua, chỉ đi tìm niềm vui xuống chợ, tìm bạn khèn, tìm bạn tình và ăn thắng cố, uống rượu ngô. Say chợ, say người và chếnh choáng trở về đã "lăn xuống hố" như một câu thơ của nhà thơ Lò Ngân Sủn.

Qua địa phận Văn Chấn, đường vào Trạm Tấu càng lắm dốc nhiều cua. Xa xa, những ngôi nhà của người Mông trình tường đất, mái brô xi măng thấp xẹt nằm rải rác trên lưng núi. Những chân ruộng bậc thang xếp chất ngất, cao mãi, nhỏ dần, nhỏ dần. Muốn nhìn lên phải ngửa mặt và ngỡ như sắp chạm vào mây. Gần đến chợ trung tâm cụm xã Trạm Tấu trời bất chợt đổ mưa.

Tấp vội vào một quán hàng, cái quán hàng mà chỉ có ở những nơi vùng cao hẻo lánh về sự bán mua tổng hợp. Từ bách hóa đến thực phẩm, từ điện máy đến vật tư nông nghiệp, từ rau quả đến giải khát... Sự năng động của người bán hàng ở vùng rẻo cao này đã đạt đến tầm cỡ một "siêu thị" mini. Chỉ khác ở chỗ nó vẫn còn có sự  mặc cả và vẫn có những đồng chịu, đồng trả.

Nhìn trời mưa mỗi lúc một to mà thấy ái ngại vì đường trơn, lắm dốc. Trong quán, mấy chàng trai người Mông đang ngồi nghỉ, có vẻ như họ vừa từ trên rẫy xuống. Mưa cứ mỗi lúc một dày, một mau hơn. Biết làm gì bây giờ? May mà anh lái xe ôm người Thái đen rất thông thạo tiếng Mông, tiếng Khơ Mú mà mấy chàng trai người Mông đã đồng ý uống với tôi chén rượu làm quen.

-Uống thì uống thôi!

Chàng trai có tên Thào A Sán nói:

-Trước chửa biết nhau, giờ biết nhau cũng không muộn đâu.

Biết tôi muốn đi tìm rừng hoa ban, một thanh niên mà tôi chẳng nhớ tên, chỉ biết có họ Mùa sốt sắng:

-Theo tao vào Pá Hu. Ấy dà, xa lắm! Chiều rồi. Không thiếu chỗ có hoa ban. Kia kìa, lội qua suối Huổi Tè, trông thế thôi nhưng vào đến chỗ ấy thì hai cái đầu gối của mày sẽ mỏi lắm đấy!

Mưa tháng hai âm không ra đỏng đảnh cũng không hẳn ngờ nghệch như con gái mười bảy, mười ba. Cứ tưởng ầm ào, dai dẳng mà bỗng nhiên lặng phắt. Lại nắng. Hơn một giờ đồng hồ leo, lội, tôi đã đứng dưới rừng ban. Trước lúc vào đây, tôi cứ tưởng tượng về một rừng hoa ban khác kia, ít ra nó phải là một cơ man sắc trắng. Như đoán được những ý nghĩ trong tôi, anh chàng họ Mùa bảo:

-Nhiều lắm chứ! Trắng cả trên cây, trắng cả mặt đất vì hoa rụng đấy. Chỉ tại mày đến muộn đấy thôi!

Anh lái xe ôm cũng xác nhận, nếu một tháng trước lên đây thì từ xa, nhìn lên anh sẽ thấy trắng cả đỉnh đồi.

Chỉ còn sót lại mấy chùm hoa thưa thớt trên những cành ban đã bắt đầu kết trái. Cầm trên tay mấy cành ban do anh bạn người Mông vừa hái xuống, tôi mê mải ngắm nhìn. Vẫn còn những nụ ban sắp nở, thuôn thuôn như bắp chân con gái bên những cánh ban cuối vụ. Dường như sắp phải xa rời vòi nhụy mà những cánh ban căng ra, nở hết mình cho một thời xuân sắc. Mặt ngoài phiến hoa đã trắng đến độ không thể còn trắng hơn, vẻ tím bên trong hôm nào còn e ấp giờ như cũng vào độ viên mãn. Ngón tay tôi run run chạm nhẹ. Những cánh hoa vội vã thoát khỏi đài, lả tả buông những mảnh xiêm y như người tình xưa đợi chờ, cuống quýt khiến tôi rực rỡ. Rưng rưng.

Hoa ban.

Xin đừng trách về sự muộn màng, chậm trễ của tôi. Trong những ngày rừng ban rực rỡ, ở nơi xa, tôi vẫn khát khao, vẫn mơ về lung linh sắc trắng nơi em.
Rời rừng ban, qua anh lái xe ôm, anh bạn người Mông bảo:

-Anh đã mời tôi uống rượu làm quen rồi, bây giờ thì đến lượt tôi. Anh phải về nhà tôi uống rượu. Gần đây thôi. Không phải mua đâu. Rượu vợ tôi ủ đấy.
Cảm ơn anh bạn người Mông hào hiệp. Hãy nói giúp tôi với anh ấy là tôi xin hẹn đến mùa hoa ban năm tới. Bây giờ tôi phải về Nghĩa Lộ vì đêm nay ngoài ấy có hội xòe.

Không biết anh bạn người Mông nói những gì, chỉ thấy anh lái xe ôm bảo:

-Nếu mùa hoa ban tới mà anh giữ đúng hẹn, anh sẽ thành khách quý của anh ta đấy. Anh sẽ được uống rượu say. Uống rượu với người Mông không thể không say. Nếu uống say mà đêm phải ngủ lại, anh sẽ được đắp chiếc váy của vợ anh ta thay cho một tấm chăn.

Tôi mỉm cười. Những người đàn ông người Mông ở Trạm Tấu thật là mã thượng.

Rừng hoa ban và tiếng chim chổm bóc là thiên truyện tình bi thương, trong sáng và hết mực thủy chung. Là khát vọng của tình yêu. Phải chăng vì khát vọng tình yêu mà mỗi độ xuân về, hoa ban lại căng cánh, nở hết mình và tạo nên hương sắc miền Tây Yên Bái. Mỗi cánh hoa kiêu sa sắc trắng. Mỗi cánh hoa dân dã, thân thương như những búp tay con gái Mường Lò. Mỗi búp hoa như những bắp chân trần xăm xăm ra suối Thia khoả nước.  Để đêm nay trong vòng xòe, những bắp chân trần nhún nhảy, những thân hình uyển chuyển và duyên dáng, mời gọi và sáng cả đêm xòe.

Mường Lò là thủ phủ của người Thái ở Yên Bái, là ngọn nguồn của những vòng xòe. Múa (xòe) gồm có 6 điệu: Nhôm khăn, Khắm khen, Đổn hôn, Ỏm lọm, Tốp mư, Phá xí và Khắm khăn mơi lẩu. Mỗi điệu xòe là một nét văn hóa riêng độc đáo, là máu thịt của các dân tộc Mường Lò - Nghĩa An.

Đêm xòe ngả nghiêng. Đêm xòe ngất ngư sau mỗi lần vít cong cần trúc. Đêm chưa tàn, ché rượu chưa vơi. Mường Lò đêm nay se se, dìu dịu. Lẫn trong miên man xa ngái của rừng, hoa ban lặng lẽ toả hương. Mùi hương hoa ban dịu nhẹ, khẽ khàng như hơi thở từ khuôn ngực chum chúm, mới nhô lên qua lần áo cỏm của thiếu nữ Mường Lò .

T.V.Đ

Các tin khác

Bảo tháp có thiết kế hình lục giác, cao 40 mét, gồm 1 trệt và 9 tầng lầu. Tổng kinh phí xây dựng vào khoảng 12 tỷ đồng.

Điểm qua 10 bộ phim xuất sắc nhất đã giành giải Cành cọ vàng trong lịch sử Liên hoan phim Cannes. Hầu hết các phim đoạt giải đều theo chủ nghĩa hiện thực.

Sáng 21.5 tại cuộc họp báo về việc tổ chức Festival Biển 2009, diễn ra từ 6 - 12.6 tại TP Nha Trang, Khánh Hòa, BTC cho biết, tại festival lần này sẽ có nhiều kỷ lục được lập, như: chuông gió khổng lồ, nồi nước phở lớn nhất (đủ 600 người ăn), dàn nhạc đông nhất (150 nhạc công), rồng bằng kim loại lớn nhất (hơn 2 tấn), bình gốm lớn nhất, bức tranh kết nối cộng đồng lớn nhất, tập thể dục buổi sáng đông người nhất...

Một tác phẩm ảnh nghệ thuật.

Chiều ngày 20/5/2009, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ phát động cuộc thi và triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - Đất nước - Con người” lần thứ 5. Cuộc thi do Báo Ảnh Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm 55 năm ngày Báo ảnh Việt Nam ra số báo đầu tiên (15/10/1954 – 15/10/2009).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục