Thổ cẩm của người Thái Mường Lò: Thêu dệt tinh hoa
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, cần mẫn của người con gái Thái Mường Lò, mỗi bộ váy áo thổ cẩm ra đời như giấu cả trong đó sắc hương của núi rừng Tây Bắc.
Khăn thổ cẩm trong điệu xòe khiến các cô gái Thái càng thêm phần uyển chuyển, duyên dáng. (Ảnh: Văn Tuấn)
|
>>> Xem Videoclip Nét văn hoá trong trang phục phụ nữ Thái Mường Lò
Nét tinh hoa ẩn mình trong phong tục
“Mười ba tuổi đã biết mắc cái chỉ vào khung, tay chập chững đưa thoi, pha màu, cài hoa văn. Sinh ra là con gái Thái, ai cũng được bà hay mẹ mình dạy cho cái nghề thêu dệt, từ khi đôi tay vừa biết làm việc nhà” - Bà Đinh Thị Thỉnh ở bản Nà Làng, thị xã Nghĩa Lộ tâm sự - “Khi còn ở với bố mẹ phải học cách dệt váy áo cho mình, để đến khi lấy chồng biết dệt quần áo cho chồng, cho con”.
Theo phong tục người Thái, mỗi cô dâu khi về nhà chồng đều tự tay dệt cho bố chồng, mẹ chồng mỗi bộ váy, bộ áo để thể hiện tấm lòng của người con dâu mới. Cùng với đó là chăn, đệm, gối, màn cho phòng tân hôn cũng do người con gái tự tay dệt, hàm ý rằng bắt đầu từ đây đôi bàn tay kia sẽ chăm lo, vun vén chu đáo cho hạnh phúc gia đình này.
Xuất phát từ ý nghĩa đó mà thêu dệt thổ cẩm đã trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, qua các thế hệ phụ nữ Thái nối tiếp nhau. Cách trang phục của họ cũng được lưu giữ theo truyền thống, không thay đổi theo thời gian, không phân biệt sang, hèn.
Cứ là phụ nữ Thái đều cùng một kiểu trang phục giống nhau, với váy dài cạp đầu, hoa văn cài ở gấu và áo cỏm đồng màu, hoa văn ở cổ. Trên thân áo được đính cúc mắc pém (cúc hình con bướm), để tôn vinh sự mềm mại của từng đường cong trên cơ thể. |
Vất vả là thế nhưng ai ai cũng say sưa làm để chờ đến ngày lễ hội tưng bừng. Trong xúng xính váy áo mới, từ trẻ nhỏ đến người già kéo nhau đi vui hội. Cồng chiêng từng hồi vang vọng thúc dục lòng người, trai gái nắm tay nhau múa xoè quanh đống lửa. Những đôi chân nhịp nhàng, uyển chuyển, những tà váy chao nghiêng trong ánh lửa bập bùng. Những chiếc mắc pém sáng lấp lánh va vào dây xà tích đeo cổ phát ra âm thanh leng keng, trầm bổng, đánh thức sự thâm u của núi rừng.
Hương sắc thiên nhiên ẩn mình vào từng đường dệt, mũi thêu của trang phục, là cả tấm lòng, tâm huyết của người con gái Thái. Váy áo diện để vui hội Mường Lò còn thơm mùi vải mới được trau chuốt, chỉn chu là sự khoe khoang tế nhị của những gia đình có người phụ nữ chăm chỉ, tài hoa. Trên mỗi tấm vải mềm mại, các hoa văn được cài đan xen, đều đặn, tạo điểm nhấn cho từng bước đi uyển chuyển, nhịp nhàng. So với dệt thì nghề thêu thổ cẩm có phần dễ hơn nhưng cũng không hề đơn giản, đòi hỏi sự cầu kỳ, chính xác đến từng chi tiết.
Người Thái không dùng khung thêu nên để cho vải thêu được căng, khi thêu người ta phải hồ bột giấy. Từng chi tiết nhỏ trong công việc đều cần người thợ phải cẩn thận, chú tâm để khi thêu, hoa văn có được độ sắc nét cần thiết. Nhờ vậy mà từng họa tiết được thêu trên mặt gối, mặt đệm, trên áo, váy… luôn mềm mại, ẩn được cái tâm của người làm ra nó. Từ đôi bàn tay khéo léo, từ những tâm hồn hòa hợp với thiên nhiên, con người nơi đây như khoác cả lên mình những gì là tinh tuý nhất của trời đất, tạo mối giao hoà đặc biệt: Thiên nhiên - Con người.
Hướng ra thị trường
Ngày nay, khi tìm đến với những bản người Thái Văn Chấn như bản Bon, bản Nà Làng sẽ không còn thấy những khung dệt bằng gỗ thủ công như trước, mà thế vào đó là các máy dệt hiện đại. “Vải dệt bằng máy tuy kém dày sợi hơn dệt tay, nhưng máy dệt nhanh hơn và đỡ mệt hơn nhiều”. - Chị Lò Thị Thắm ở bản Bon tâm sự. Bởi thế trẻ nhỏ không cần chờ đến một năm mới có bộ quần áo mới, phụ nữ không chỉ dệt được cho gia đình mình mà còn có thể làm ra sản phẩm để bán, với nhiều kiểu trang phục cho các dân tộc khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Dinh, chủ gian hàng thổ cẩm chợ Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ cho hay: “Hàng thổ cẩm đang bán khá chạy trên thị trường, phần đông khách mua là người Mông, người Mường, bởi sản phẩm của người Thái vẫn là ưng mắt hơn cả. Sản phẩm này không chỉ cung cấp cho tỉnh Yên Bái mà còn mở rộng sang các tỉnh khác như Hà Giang, Sơn La”.
Không những thế, thổ cẩm cũng đang là mặt hàng được ưa chuộng trên những thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng... chị Nguyễn Hiền Dịu, hướng dẫn viên Công ty Du lịch Vạn Xuân, Hà Nội tâm sự: “Dùng chăn, nệm từ thổ cẩm không những rất bền màu mà còn giúp cho căn phòng thêm ấm cúng hơn. Nhất là với những hoa văn được thêu trên mặt gối, mặt khăn ở một số khách sạn hay nhà khách ở Hà Nội được du khách nước ngoài đặc biệt chú ý và trầm trồ khen ngợi”. Bởi nó đã mang đến một nét mộc mạc, tinh tuý đặt cạnh sự sang trọng, hiện đại của các thành phố phồn thịnh, tạo ra sự phá cách hữu tình, hài hoà mà lắng đọng giữa tấp nập phố thị đèn hoa.
Tuy nhiên, thu nhập từ nghề này còn thấp, khoảng bảy trăm nghìn/người/tháng. Với mức thu nhập ấy thì khó mà giữ nổi chân người lao động là điều dễ hiểu. Thêm nữa, có thể mua được váy áo ngoài chợ nên con gái Thái bây giờ không cần cặm cụi ngồi dệt vẫn có thể có quà ra mắt bố mẹ chồng khi xuất giá, theo phong tục cổ truyền. Vì vậy, những khung dệt cũng thưa vắng nhiều.
Khi con người có nhu cầu quay về tìm lại những nét đẹp văn hoá truyền thống, những tinh hoa mộc mạc, tìm lại mình trong cuộc sống hiện đại, thì chính những người làm ra nó lại đang loay hoay tìm đến những giá trị thực dụng hơn. Giữ gìn và phát triển nghề thêu dệt thổ cẩm như thế nào trong xu hướng phát triển hiện nay vẫn đang là điều trăn trở của những người tâm huyết với nghề.
Nguyễn Tươi
Các tin khác
The Lost Symbol (Biểu tượng đã mất) - phần kế tiếp của cuốn tiểu thuyết Mật mã Da Vinci (Da Vinci Code) của nhà văn Dan Brown - đã bán được 300.000 bản chỉ trong vòng 36 tiếng sau khi phát hành ở Anh.
Bộ phim “Chơi vơi” đã giành Giải thưởng FIPRESCI HOIZONS tại liên hoan phim Venice 2009. Đây là giải thưởng do giới phê bình điện ảnh trao tặng
YBĐT - Từ xa xưa, trong quan niệm của người Dao cũng như nhiều dân tộc khác ở Việt Nam thì vạn vật từ con người, cỏ cây, muông thú, đến đồ vật đều có hồn vía. Tuy nhiên, sự coi trọng hồn vía của vạn vật có lẽ được thể hiện rõ nhất trong cộng đồng người Dao qua tín ngưỡng và nghi lễ thờ cúng.
YBĐT - Đến nay toàn tỉnh Yên Bái đã xây dựng được trên 900 đội văn nghệ quần chúng ở các làng, bản, xã, phường, cơ quan, đơn vị. Qua các hoạt động ở cơ sở đã phát hiện và bồi dưỡng hàng nghìn hạt nhân văn nghệ, tạo điều kiện cho phát triển tài năng.