Đại lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn
- Cập nhật: Thứ năm, 17/12/2009 | 12:00:00 AM
Đây là sự kiện hòa cùng với những hoạt động kỷ niệm 1.000 năm ngày định đô Thăng Long - Hà Nội.
Các chư tăng đức giáo phẩm cùng các vị lãnh đạo làm lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông.
|
Sáng 16/12, tức ngày 1/11 Kỷ Sửu tại chùa Hoa Yên (khu di tích Yên Tử, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh) Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh; Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 701 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi lẵng hoa đến buổi lễ.
Tại lễ kỷ niệm, Hoà thượng ThíchThanh Quyết, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh tuyên đọc diễn văn khai mạc, trong đó nhấn mạnh: Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông có một vị trí lịch sử đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc ta. Ngài vừa là bậc Hoàng đế anh minh lỗi lạc, vừa là người sáng lập một dòng thiền Việt và là một nhà sư đạt quả vị Phật. Cuộc đời và sự nghiệp của Ngài chứng minh Ngài không chỉ là một nhà chính trị lỗi lạc mà còn là nhà văn hoá vĩ đại của dân tộc.
Tại buổi lễ, Hoà thượng Thích Gia Quang, Chánh văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên đọc tiểu sử Phật Hoàng Trần Nhân Tông, qua đó khẳng định: “Đức vua Trần Nhân Tông, vị hoàng đế thứ 3 của nhà Trần, vị vua anh minh lỗi lạc, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà tu hành chân chính, là một vị vua xuất gia, tu hành đắc đạo, Ngài được Phật tử Việt nam tôn vinh là Điều Ngự Giác Hoàng”.
Nhân dịp này, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức khởi công xây dựng Dự án tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông nằm trong tuyến bộ hành từ khu vực tượng đá An Kỳ Sinh lên chùa Đồng. Dự án có tổng mức đầu tư là 70 tỷ đồng do Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh làm chủ đầu tư.
Bức tượng có chiều cao 12,6m, trọng lượng nặng trên 100 tấn, chất liệu đúc bằng đồng nguyên chất. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2011 sẽ góp phần tôn vinh kinh đô Phật giáo Yên Tử, Phật giáo Việt Nam và những giá trị văn hóa, lòng tự hào dân tộc đồng thời góp phần phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, phật tử mỗi khi trở về chiêm bái chốn Tổ, kinh đô Phật giáo VN. (T.H)
Phối cảnh khu vực đặt tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông. |
** Ngày 16/12, tại Thiền viện Quảng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, các bậc cao tăng trong Giáo hội cùng hàng trăm tăng ni, Phật tử thành phố đã thành kính dâng hương tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại của Việt Nam, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lời tưởng niệm đã bày tỏ: “700 năm đã qua đi song công đức, đạo nghiệp của Tổ Sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam, trong sự nghiệp hộ quốc an dân, đoàn kết hòa hợp toàn dân và phát huy đạo pháp trong thời đại ngày nay”.
Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh trân trọng nhắc đến bài học về đạo trị nước an dân, tạo ra sự đồng cảm trong xã hội mà cuộc đời và sự nghiệp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông để lại, mong muốn bài học quý giá này được nghiên cứu và phát huy giá trị để áp dụng trong thực tế.
Sự phát triển cao của đất nước hiện nay là điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, giúp rút ra từ di sản cha ông các tư tưởng về tự lập tự cường, bảo vệ bản sắc và chủ quyền quốc gia dân tộc dựa trên sự đồng lòng muôn người như một của nhân dân.
Không chỉ thống nhất các Thiền phái Phật giáo, lập nên dòng Thiền Trúc Lâm Việt Nam, Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong cuộc đời tại thế 51 năm đã để lại tư tưởng “Cư trần lạc đạo” và tinh thần phóng khoáng, bao dung, sống tốt hơn trong cộng đồng dân tộc.
Ngài được Phật tử Việt Nam tôn vinh là Điều Ngự Giác Hoàng, tức vị vua giác ngộ, có khả năng thu phục và cảm hóa mọi người về với chính pháp.
** Cùng ngày, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam tổ chức trọng thể Đại lễ tưởng niệm lần thứ 701 ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (ngày 1/11 năm Mậu Thân 1308 - 1/11 năm Kỷ Sửu 2009).
Tại lễ tưởng niệm, Hòa thượng Thích Chí Đạo, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam đọc lời tưởng niệm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông; ôn lại những công lao của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông với 2 lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên - Mông xâm lược cách đây hơn 700 năm, một vị vua đã làm tỏa sáng ánh hào quang đất Việt.
Lễ tưởng niệm này là tri ân công đức của một bậc Thánh vương dày công với dân tộc, với đạo pháp, đồng thời nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết đẻ xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu và Phật giáo Việt Nam ngày càng vững mạnh.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Lễ đón nhận bằng di sản tư liệu thế giới của UNESCO dành cho mộc bản triều Nguyễn được tổ chức ngày 16/12, tại Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ).
Với 6 đề cử, bộ phim Up in the air đã dẫn đầu danh sách đề cử Quả cầu vàng lần thứ 67, vừa được công bố rạng sáng 15.12 (giờ Việt Nam).
Miss Indonesia 2009 Kerenina Sunny Halim là thành viên của một giáo phái từng bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em.
> Hoa hậu Indonesia tới VN/ Miss Indonesia duyên dáng trong áo dài
Đó là một trong những nội dung chỉ thị số 215/CT-BVHTTDL của Bộ VH-TT&DL vừa ban hành về việc tổ chức thực hiện nghị định số 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.