Tìm giải pháp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/1/2010 | 9:26:49 AM
YBĐT - Từ nhiều năm nay, vấn đề bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, nhiều tiền của, công sức, tài liệu, đầu tư cho sự nghiệp này đã đem lại hiệu quả đáng kể.
Múa đàn tính trong ngày hội xuân của đồng bào Tày (Văn Chấn).
(Ảnh: Thanh Ba)
|
Tuy nhiên, sự đầu tư trên đang chủ yếu hướng vào di sản vật thể: chống xuống cấp, tu sửa, phục chế hoặc dựng lại từ trí nhớ của người dân, thậm chí có nơi còn làm mới dựa trên những câu chuyện dân gian nửa hư nửa thực.
Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hiện nay khó khăn hơn di sản vật thể rất nhiều. Công bằng mà nói, sự đầu tư đã quá chênh lệch, phi vật thể lại không có sự hấp dẫn của xã hội hóa, điều kiện lưu giữ không thể "trơ gan cùng tuế nguyệt" như tháp cổ, đền chùa, cho nên, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể là việc cần bàn và bàn cho thật rõ.
Mười mấy năm qua, Chính phủ và Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã đầu tư chương trình mục tiêu này và giao cho các địa phương phối hợp với các vụ, viện thuộc Bộ thực hiện, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng đã triển khai chương trình "Tầm nhìn 2010" một cách tích cực. Các vụ, viện lo việc hội thảo, phối hợp sưu tầm, lưu giữ dữ liệu và nghiên cứu. Thế nhưng, thực tế cho thấy, mọi nỗ lực của mười mấy năm qua vẫn chưa thấm gì so với nguồn văn hóa dân gian khổng lồ cổ nhân để lại mà sức lực thời gian dành cho nó được xã hội thừa nhận là công việc "đãi cát tìm vàng". Những gì thuộc về di sản văn hóa phi vật thể trên đây do Trung ương làm, đã rõ; còn ở cấp địa phương (tỉnh, huyện, xã) là cả một sự nan giải, nan giải từ quan điểm của một số người lãnh đạo chủ chốt đến nguồn đầu tư, đến năng lực người làm công việc bảo tồn di sản, rồi cả đến những nghệ nhân - kho tư liệu sống - đang phải chạy đua với sức lực của tuổi già. Tóm lại, tài nguyên văn hóa phi vật thể nằm ở địa phương mà nhiều địa phương thì đang "lực bất tòng tâm". Có lẽ chưa tỉnh nào, huyện nào, xã nào lúc này nghĩ rằng địa phương mình đã sưu tầm hết và lưu giữ tốt vốn văn hóa dân gian.
Đã có nhiều giải pháp tích cực, nhưng giải pháp nào hữu hiệu cho việc sưu tầm lưu giữ các di sản văn hóa dân gian ở các địa phương?
Trong phạm vi bài viết này, thiển nghĩ, nếu cấp ủy chính quyền các địa phương thấy rõ vấn đề bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) là vô giá, là cấp bách (vì nguy cơ mai một, vì công nghệ lấn át, vì nghệ nhân ra đi...) thì hãy phát động một cuộc vận động thống kê sưu tầm, lưu giữ và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian trong nhân dân các dân tộc, có sự khen thưởng khích lệ thỏa đáng, tạo một điều kiện tốt nhất cho việc bảo quản và nghiên cứu phát huy các giá trị văn hóa ấy.
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ. (Ảnh: Hoàng Nhâm)
Từ khi có Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII (1998) đến nay, đã nhiều văn bản cấp ủy, nhưng tại sao vấn đề quan trọng trên đây vẫn cứ trì trệ, vẫn cứ trôi theo thời gian, thậm chí còn bị nghi hoặc nữa, là vì chính quyền nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, cơ quan tham mưu yếu kém, những người tâm huyết với công việc không được coi trọng. Giờ đây đứng trước yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới, bản sắc văn hóa các dân tộc phải được xem như một sự sống còn của đất nước, của mỗi địa phương. Các giá trị văn hóa sống còn ấy không phải chỉ thấm sâu vào người có tuổi mà phải ở trong thanh thiếu niên.
Cần tìm phương thức tích cực nhất, truyền dạy tích cực nhất văn hóa dân gian dân tộc thiểu số cho thanh thiếu niên dân tộc. Cấp ủy, mặt trận Tổ quốc, chính quyền các địa phương, ngành giáo dục, tổ chức Đoàn thanh niên cần phải có trách nhiệm cao trong vấn đề này. Nếu mỗi trường học (dân tộc nội trú, xã vùng cao), mỗi tổ chức thanh niên ở địa phương vùng dân tộc và mỗi gia đình có sự giúp đỡ của các nghệ nhân, các cán bộ văn hóa và nhất là có sự chỉ đạo chặt chẽ của chính quyền địa phương thì việc truyền dạy vốn di sản văn hóa sẽ có hiệu quả đáng kể. Nghĩa là, chúng ta đã phần nào sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy được vốn văn hóa cổ truyền các dân tộc nói trên cho thế hệ kế tiếp, góp phần giữ vững nền văn hóa dân tộc trước thềm hội nhập quốc tế.
Đã đến lúc cấp ủy, chính quyền địa phương phải thật sự vào cuộc và có giải pháp cụ thể, nghiêm túc, không nên để các nghệ nhân và những người tâm huyết "đơn độc" trên con đường bảo tồn di sản. Hiệu quả của việc gìn giữ di sản để được công nhận ở tầm quốc tế (như ca trù, quan họ Bắc Ninh vừa qua được công nhận Di sản văn hóa thế giới chẳng hạn), đó cũng là một kinh nghiệm rất quý, rất bổ ích để các địa phương có thể học để áp dụng.
Hà Lâm Kỳ
Các tin khác
Từ 15 phim, Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ đã rút gọn còn bảy phim sẽ cạnh tranh hạng mục kỹ xảo xuất sắc nhất của giải Oscar năm 2010, trong đó có các tác phẩm bom tấn và ăn khách như Avatar, Harry Potter and the half-blood Prince, 2012.
Ban tổ chức Festival Huế 2010 đã nhận được kết hoạch đăng ký của 40 đoàn nghệ thuật đến từ 29 quốc gia của 5 châu lục tham gia biểu diễn tại Festival Huế 2010 với chủ đề: “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, hướng đến kỷ niệm quốc gia 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nằm trong khuôn khổ cuộc bình chọn The Sexiest Woman Alive (Mỹ nhân đương đại gợi cảm nhất), sáng 6/1, trang web Globalbeauties đã công bố danh sách 7 người đẹp biển đại diện cho 7 khu vực trên thế giới.
YBĐT - Ngày 6/1, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình bảo tồn bản văn hoá truyền thống dân tộc Mông bản Pang Cáng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.