Noọng ơi! về hội Lồng Tồng
- Cập nhật: Thứ tư, 20/1/2010 | 9:15:56 AM
YBĐT - Ở không xa thành phố Yên Bái nhưng xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên) tuyệt đại đa số là dân tộc Tày. Già làng kể lại rằng, chẳng cứ Đông Bắc hay Tây Bắc, cứ ở đâu có đông người Tày sinh sống là lễ hội đầu tiên của một năm mới là “Lễ hội Lồng Tồng”.
Chơi đánh yến.
|
Sau ba ngày tết Nguyên đán, thầy Tạo, thầy Mo, già làng chọn ngày lành tháng tốt để rồi cái ngày cả làng, cả bản mong đợi cũng đã đến.
Rừng núi Kiên Thành trong ngày hội như rực rỡ hơn, nắng xuân hoà quyện cùng làn sương mỏng trải rộng khắp bản. Từng đoàn ô tô, xe máy nối nhau trên con đường hướng về sân vận động. Người đi bộ địu con, địu cháu trên lưng líu ríu cùng lũ trẻ từ các ngõ xóm, áo quần đủ màu sặc sỡ hối hả về dự hội xuân. Người trong làng trong xã, người từ các xã bạn, huyện bạn, người từ thành phố đổ về.
Chưa bao giờ Kiên Thành đông bạn, nhiều bè đến thế! Mấy ông ủy ban cũng thật tài trong việc bố trí, sắp đặt cho lễ hội. Chính giữa nơi cao nhất của mấy ô ruộng bậc thang là khán đài rực rỡ. Phía trên là biểu trưng của bốn miếu thờ được dựng thật uy nghi, mang đúng tín ngưỡng của người Tày, thờ thành hoàng, thờ bản thổ, thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và bà Chúa Nàng. Phía trước bốn miếu thờ là dàn kèn của người Dao, trống to, trống nhỏ, đàn tính, chiêng đồng của người Tày. Ngồi giữa là thầy Mo, thầy Tạo, già làng, trưởng bản cùng các nghệ nhân văn hóa của làng bản.
Sau nghi lễ mở hội, trống khai hội trang nghiêm của già làng Trần Văn Nhị được gióng lên, rồi bảy đoàn đại diện cho bảy thôn bản lần lượt rước cỗ, dâng hương, đi một vòng trước khu khán đài trong nền nhạc hoà âm của các nhạc cụ ba dân tộc: Tày, Dao, Kinh và lời bình của người giới thiệu. Những mâm cỗ, hương hoa được tôn kính đặt trước miếu, các thầy Mo, thầy Tạo châm hương và đọc lời cầu khấn, xin cho năm nay mưa thuận, gió hoà, cho lúa tốt mạ lên, cho bông vàng trĩu hạt, cho dân bản ấm no, đoàn kết... và mời tất cả ma rừng, ma suối cùng về chơi hội, cùng ăn bát cơm chay, chén rượu nhạt. Cuối lời, thầy Tạo xin âm dương rồi vái lạy. Các già làng, nghệ nhân đứng lên “Dậm hầu” trước miếu, mời trầu, mời rượu. Trên tay các cụ có trầu, có rượu, có hương, có hoa với những động tác múa dân gian của dân tộc Tày trong nền nhạc của dàn đàn tính, kèn đồng, trống to, trống nhỏ toát lên khát vọng của dân bản xin cho mùa màng được tốt tươi, cuộc sống bình yên, xóm làng đoàn kết. Múa “Dậm hầu” kết thúc phần lễ là lúc chuyển sang phần hội vui chung cho cả làng bản.
Ba hồi trống của già làng lại vang lên gọi trai tài, gái sắc trong bản về dự hội. Ba trăm thiếu nữ với đồng phục Tày rực rỡ trong nền nhạc dân gian nhanh nhẹn, uyển chuyển cùng năm chục trai làng khỏe mạnh dàn nhanh đội hình trên toàn sân vận động, tham gia “dậm” tập thể. Mở đầu là điệu múa “Chèo thuyền”. Trong nền nhạc âm vang, những tay chèo như đưa con thuyền nhẹ lướt qua sông Ngân Hà mời du khách từ thiên đình đến năm châu bốn biển, mời tất cả ma rừng, ma suối về dự hội với dân bản trong tình cảm yêu thương nhau trong một gia đình. Điệu múa “Đàn tính” được các chàng trai, cô gái dàn dựng công phu, mang đậm chất Tày của rừng núi Kiên Thành. Thuyền anh qua sông, thuyền anh qua suối/Qua thác qua ghềnh, đón em về hội/Noọng ơi! Noọng ơi! Đàn anh réo rắt... Về hội cùng anh/Rừng núi Kiên Thành mời em về hội...”. Rồi du khách xem múa quạt và múa kiếm của các thiếu nữ, chàng trai Kiên Thành trong câu hát:
“Kiếm vung về đằng sau thúc ngựa tiến lên.
Kiếm vung về đằng trước vẫy quân băng tới”.
Du khách như được trở về với thời dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc với tinh thần thượng võ, bất khuất của những lớp người thiết tha yêu cuộc sống, yêu hoà bình. Đất nước bình yên, cả dân tộc lại ca khu khải hoàn trong điệu múa “Teo kéo” múa “Quét sân rồng”, gần bốn trăm diễn viên làng bản tản ra khắp sân chơi mời mọi người, mọi quan khách cùng múa, cùng hát với người Kiên Thành trong tiếng nhạc then, đàn tính, kèn đồng và vang vọng xa xa trong nền nhạc: “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Rồi diễn viên tung yến lên cao, tất cả bước vào cuộc chơi tập thể.
Đánh yến là trò chơi dân gian được người Tày rất ưa thích. Đánh yến tập thể là sự bày tỏ tình đoàn kết cộng đồng. Đánh yến cá nhân để thi tài, thi sức. Đánh yến lứa đôi để tỏ tình, giao duyên và người già, trẻ em cũng đánh. Bên chân cột còn cao gần 15 mét, thầy Tạo làm lễ xin còn xong, thầy ném quả còn đầu tiên mở đầu cho hàng trăm quả còn của trai làng, gái bản được vút lên, nhằm tâm vòng còn bay tới. “Còn bay như hoa, còn lượn như chim/Đuôi còn lúng liếng, như lúa tốt trên đồng...”. Mâm cỗ dưới chân cột còn là phần thưởng cho ai ném thủng hồng tâm.
Cuộc chơi cứ tiếp diễn, ngày vui cứ kéo dài trong tiếng nhạc du dương như đưa dân bản, như đón du khách cuốn theo nhịp sống sôi động của lễ hội: “Trầu têm em mời, rượu say anh uống/Về đây cùng anh,về đây cùng em/Về hội Lồng Tồng, đầu xuân anh đón/Noọng ơi! Noọng ơi!...”.
Vũ Quang Trung
Các tin khác
Sáng 18/1 tại Hải Dương, công ty Thần Châu Ngọc Việt đã chính thức khởi công Đại lễ chế tác pho tượng Đức Phật tổ Thích-ca-mâu-ni bằng ngọc bích từ khối ngọc bích thô nặng 35 tấn.
Cuộc bình chọn Giải thưởng Nghệ sỹ ăn mặc của năm 2009 đã kết thúc với chiến thắng thuộc về ca sỹ Hồ Ngọc Hà, diễn viên Ngô Thanh Vân và siêu mẫu Bình Minh. Đã không có nghệ sỹ nào “được” nhận giải Nghệ sỹ mặc phản cảm nhất năm 2009.
YBĐT - Cũng trong thời gian đất nước tang thương bởi sự đàn áp những người yêu nước tàn bạo của thực dân, vượt ra ngoài sự kiểm soát hà khắc, những vần thơ ca ngợi các nghĩa sĩ vẫn bí mật lưu truyền.