Bảo tồn xoè cổ: Cần giữ được hồn dân vũ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/9/2010 | 9:54:52 AM

YBĐT - Đến nay, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã có hàng chục đội xoè ở các thôn bản có thể xoè được 6 điệu xoè cổ. Các lớp học xoè cũng thu hút đông đảo nhiều người trẻ tham gia.

Thiếu nữ Thái biểu diễn các điệu xòe tại Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò - 2008.
Thiếu nữ Thái biểu diễn các điệu xòe tại Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò - 2008.

Giờ thì những điệu xoè có mặt trong hầu hết các hội hè của người Thái Nghĩa Lộ. Đó là kết quả của việc khôi phục thành công 6 điệu xoè cổ của các nghệ nhân dân gian ở thị xã Nghĩa Lộ 15 năm trước và bảo tồn, phát huy nó suốt 15 năm qua. Song, để những điệu xoè cổ thực sự trở lại cuộc sống, nhất là gìn giữ cho lớp lớp thế hệ sau thì việc truyền lưu không đơn giản chỉ là phần động tác, mà căn bản nhất là ở cái “hồn dân vũ”.

6 điệu xoè cổ được khôi phục là cái gốc, khởi nguồn của 36 điệu xoè dân tộc Thái miền Tây Bắc, bao gồm các điệu: Khắm khăn mơi lảu, tức Nâng khăn mời rượu; Phá xí, tức Bổ bốn; Đổn hôn, tức Múa tiến lùi; Nhôm khăn, tức Tung khăn; Ỏm lọm tốp mư, tức Vòng tròn vỗ tay; Khắm khen, tức Nắm tay.

Những điệu xoè này mô phỏng những nét sinh hoạt của cộng đồng người Thái, có thể trình diễn riêng nhưng cũng có thể tập hợp thành một hệ thống với các lớp lang trình tự.

Theo nghệ nhân Lò Văn Biến - một trong những nghệ nhân tham gia khôi phục 6 điệu xoè này thì những điệu xoè cổ có một số đặc điểm khác so với những điệu xoè hiện đại, trong đó phải kể đến tính hồn hậu, dân dã trong các điệu xoè.

Vì thế, nghệ nhân Lò Văn Biến khẳng định rằng, việc bảo tồn các điệu xoè cổ cần giữ được những nét nguyên sơ nhưng vẫn phù hợp với thực tế đời sống hôm nay: “Xoè cổ có khi chỉ cần nhìn một tí là có thể xoè cùng mọi người. Nó nguyên sơ, tự nhiên như cuộc sống dân dã vậy. Ví dụ, bắt chiếc động tác mời rượu thì đúng kiểu mời rượu. Xoè cổ có khó thì khó ở chỗ này thôi: phải tự nhiên, tức là đừng nghĩ mình múa sao cho đẹp mà hãy cứ thế nhảy, vui lên là nhảy thôi”.

Sau khi nghiên cứu và khôi phục thành công 6 điệu xoè cổ, năm 2005, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức cho gần 500 nghệ nhân tham gia tập và công diễn giới thiệu. Nhiều người dân đã thích thú với những điệu xoè này và một phong trào học xoè cổ đã nhanh chóng lan rộng ra các thôn, bản.

Đến nay, thị xã đã có hàng chục đội xoè ở các thôn bản có thể xoè được 6 điệu xoè cổ. Các lớp học xoè cũng thu hút đông đảo nhiều người trẻ tham gia.

Lò Thị Nhâm ở bản Tông Pọng, phường Tân An tham gia học xoè từ những ngày đầu. Nhâm cho biết, qua 15 năm sống cùng các điệu xoè cổ, Nhâm đã nắm được những động tác của các điệu xoè cổ, song còn cái “hồn xoè” thì đến bây giờ Nhâm mới lĩnh hội được. Nhâm tâm sự: “Thực ra để nắm bắt được cái hồn của 6 điệu xoè ấy thì ngay cả bây giờ mình cũng chưa hẳn là đã nhuần nhuyễn. Các điệu xoè xuất phát từ sinh hoạt thường ngày nên làm sao xoè phải thật tự nhiên như cuộc sống thường ngày của mình vậy. Nhiều khi lên sân khấu có thể xoè đúng nhưng chưa hẳn đã hay. Ở đội xoè mới của bản bây giờ, các em mới chỉ bắt đầu gọi là biết xoè thôi chứ thực sự chưa hiểu được nó”.

Sau nhiều năm, những người xoè được gọi là "có hồn" như Nhâm không nhiều. Đây cũng chính là điều khó khăn cho việc phổ biến xoè trong cộng đồng, đặc biệt là lớp trẻ. Nhiều bạn trẻ học xoè nhưng không đủ vốn sống, vốn hiểu biết về văn hoá cũng như nét sinh hoạt của dân tộc mình nên khó có thể nắm được cái hồn dân vũ trong các điệu xoè.

Cùng đó, là một bộ phận những người trẻ - chủ nhân tương lai của nền văn hoá Thái không dành tâm huyết cho các điệu xoè cũng là một hạn chế cho việc gìn giữ vốn văn hóa truyền thống.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy 6 điệu xoè cổ, thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng những kế hoạch cụ thể. Ông Triệu Quang Chiến - Phó trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quan tâm khôi phục và truyền dạy các điệu xoè cổ bằng cách tổ chức các hội thi, hội diễn, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy các điệu xoè cổ; khuyến khích các đội văn nghệ quần chúng tham gia luyện tập, trình diễn các điệu xoè này; đưa 6 điệu xoè cổ vào diễn tại các chương trình giao lưu văn hoá văn nghệ và các lễ hội truyền thống của nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ”. Song, để những điệu xoè cổ sống mãi trong nền văn hoá Thái cần nhất vẫn là những người dân Thái, đặc biệt là những người trẻ thực sự yêu mến những điệu xoè thì mới có thể xoè đúng và xoè hay”.

Thu Hạnh

Các tin khác

Chiều 16/9, lễ hội “Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội" đã chính thức mở cửa đón khách tại công viên Bách Thảo (Hà Nội). Với các hoạt động phong phú, đa dạng như: triển lãm, hội thi sản phẩm thủ công, lễ dâng hương vinh danh các vị tổ nghề vùng đất Thăng Long-Hà Nội, hội chợ, hội thảo, ẩm thực làng Việt…

Hình ảnh chợ Việt Nam sẽ được tái hiện tại Liên hoan Ẩm thực Hà thành.

Liên hoan Du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội và Liên hoan Ẩm thực Hà thành được coi là điểm nhấn quan trọng trong Năm Du lịch quốc gia 2010, góp phần vào không khí tưng bừng của người dân cả nước chào đón Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Nữ diễn viên, ca sỹ Jennifer Lopez.

Jennifer Lopez vừa ký bản hợp đồng trị giá 12 triệu đôla với ban tổ chức Americal Idol, theo đó cô sẽ chính thức có mặt trên hàng ghế ban giám khảo của cuộc thi tìm kiếm tài năng này.

Tối 14-9, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), đã diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) 2010. Với chủ đề "Vì sự phát triển bền vững của khu vực Đông Á", Diễn đàn EATOF 2010 có sự tham gia của 9/12 tỉnh thành viên, gồm: Sebu (Philippines), Gang won (Hàn Quốc) Luong Prabang (Lào), Sarawak (Malaysia), Siêm Riệp (Campuchia), Tottori (Nhật Bản), Tuv (Mông Cổ), Yoyakarta (Indonesia)

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục