Văn hóa ẩm thực của người Thái đen ở Thạch Lương

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/2/2011 | 9:45:58 AM

YBĐT - Ngoài các món ăn được chế biến từ thịt lợn, đồng bào dân tộc Thái đen ở xã Thạch Lương (Văn Chấn) còn làm các món ăn như: bánh ống, bánh cái và món ăn chế biến từ cá, như: cá nướng (Pa Pỉnh Tộp), mọc cá.

Lễ cúng cơm mới của đồng bào Thái (Nghĩa Lộ).
(Ảnh: Nguyễn Đức Phương)
Lễ cúng cơm mới của đồng bào Thái (Nghĩa Lộ). (Ảnh: Nguyễn Đức Phương)

Bánh ống của người Thái cũng được gói bằng lá dong rừng, nhân đỗ và gạo nếp, chỉ khác biệt là gói thành hình tròn. Gói bánh tròn đòi hỏi người gói phải có sự khéo léo, sao cho nhân đỗ nằm chính giữa, bánh tròn và đều tay. Bánh ống vừa nhỏ, gọn, dễ bảo quản và luộc nhanh chín nên có thể bảo quản lâu vừa làm đồ cúng tế, vừa làm thực phẩm dự trữ. Khác với món bánh chưng, món mọc là món ăn đặc biệt của người Thái.

Để làm được món ăn này, người Thái thường lên rừng chọn những bi chuối nếp, mang về thái nhỏ, ngâm nước muối, chọn cá nhỏ để cả con, hoặc lọc thịt làm nhân mọc.

Sau đó người ta gói bi chuối thái nhỏ kèm theo nhân mọc, trộn gia vị, bột gạo vào lá dong rồi xếp vào chõ rồi đồ từ 30 đến 40 phút. Món mọc vừa có vị béo, bùi của thịt cá, vừa có vị chua chát của lá rừng, vị mặn mòi của những giọt mồ hôi. Trong mâm cỗ cúng tổ tiên vào các dịp lễ, tết của người Thái thường có các loại rau măng, xôi nếp và thủ lợn cũng như các loại thức ăn chế biến từ thịt lợn. Đây là những nét đặc trưng riêng có trong việc thờ cúng tổ tiên của cộng đồng người Thái đen ở Thạch Lương.

Một trong những nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào người Thái ở Thạch Lương là lễ hội "Cầu mùa". Đây là lễ hội để nhân dân bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên, thần linh đã ban phát mùa màng và cầu chúc cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đây cũng là dịp để nhân dân giao lưu xây đắp tình đoàn kết, là dịp để những cô gái, chàng trai trao nhau những lời ước hẹn.

Trong lễ hội Cầu mùa, ngoài các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thưởng thức ẩm thực, thì vui nhất, đặc sắc nhất phải kể đến trò ném còn. Cột còn được làm bằng cây tre bương cao trên 10 mét, trên đỉnh có dán một hình tròn đồng tâm bằng giấy.

Theo quan niệm, cây còn càng cao, vòng còn càng nhanh bị ném thủng thì năm ấy mùa màng sẽ bội thu, ai ném thủng đầu tiên sẽ gặp nhiều may mắn. Ném còn không chỉ thể hiện khả năng tung cao, ném trúng mà thể hiện sự thông minh, khéo léo, chính xác. Theo bóng còn bay, người già như sống lại thời tuổi trẻ, nam nữ thanh niên nhìn nhau với ánh mắt biết nói. Ném còn là lễ hội dân gian đặc sắc thể hiện phong phú sắc thái văn hóa dân tộc ở Thạch Lương. Cầu mùa là lễ hội thể hiện rõ nét tâm linh tín ngưỡng và văn hóa lúa nước của người Thái ở Văn Chấn - Mường Lò.

Cuộc sống dẫu có lắm đổi thay, người Thái ở Thạch Lương vẫn giữ được những nét xưa thuần phát. Vẫn những ngôi nhà sàn yên ả, với 9 bậc cầu thang chờ đón mẹ về, vẫn bếp lửa ấp ưu, nồng đượm, vẫn những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc từ ngàn xưa để lại. Ngày xuân, đến thăm các bản làng người Thái ở Thạch Lương, ngắm "Nậm tộc tát" đường lên trời của người Thái ở núi hồn Trâu thôn Lương Hà, bạn sẽ được đắm mình trong những điệu khèn bè, khèn lá, được hòa mình vào những vòng xòe bất tận, nhấp ly rượu thơm, nồng ấm sức xuân.

Trần Van

Các tin khác

YBĐT - Ngày 14/2, Hội VHNT tỉnh Yên Bái đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX với sự tham gia của các hội viên Hội VHNT cùng đông đảo những người yêu thơ tại Yên Bái.

YBĐT - Năm 1991, Bảo tàng Yên Bái chính thức được thành lập với nhiệm vụ là bảo tàng khảo cứu của địa phương.

Võ Vân Ánh trình diễn cùng các nghệ sĩ Nhật Bản tại Hà Nội hồi tháng 1.

'She's not she', có thể hiểu là "đàn tranh mà cũng không phải đàn tranh", là tên album gồm 9 sáng tác của Đỗ Bảo dành cho đàn tranh với sự thể hiện của Võ Vân Ánh (Mỹ).

Nhóm nhạc Lady Antenellum đã giành 2 trong số 3 giải thưởng quan trọng nhất tại lễ trao giải Grammy lần thứ 53 - vừa kết thúc sáng nay, 14-2 (giờ VN), tại trung tâm Staples, Los Angeles, Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục