Đọc “Tiếng vỡ của ngày” của Nguyễn Ngọc Trìu
- Cập nhật: Thứ ba, 29/3/2011 | 2:39:15 PM
YBĐT - Là thầy giáo dạy Văn tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, anh đến với văn chương bằng tất cả niềm trân trọng, đam mê.
Thơ anh có nỗi nhớ quê, có sự cảm thông với vất vả của bao thầy cô giáo nơi vùng cao Yên Bái cùng những thân phận thiếu may mắn, nhất là triết lý đời. Viết về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn có khá nhiều bài và như có sự nối tiếp từ các tập thơ trước.
Nhớ con sông, nhớ cánh đồng làng hun hút gió, nhớ ngõ nhỏ lầy trơn sau trận mưa, vườn bưởi sau nhà, nhớ mẹ cha công nuôi dưỡng sinh thành… Có lúc anh tự vấn “Trong hành trang kiếp lang thang, Bấy lâu tôi giấu hồn làng tận tim”, để rồi muốn:
Về quê chuộc lại ngôi nhà
Sau bao năm tháng biệt xa một trời
Chợt nghe tiếng dế bồi hồi
Trăng lên sáng chỗ cha ngồi… đêm nao
(Chuộc lại ngày xưa)
Nguyện với sứ mạng thi nhân “Lượm xót xa trong tiếng vỡ của ngày” mà thơ anh hướng về đời sống thường nhật và đôi khi chạnh buồn trước nghịch lý “Hạt gieo là hạt tin yêu, Sao cành khao khát trổ nhiều đắng cay”.
Vốn vân vi, Nguyễn Ngọc Trìu muốn đo đời bằng sự may mắn nơi trận mạc, đo tình yêu bằng bàn tay người vợ trong cơn sốt rét mang về từ chiến trường; lý giải chặng đường mình đi bằng giải phân cách và chiêm nghiệm sâu sắc sự phân hoá xã hội thời mở cửa:
Lạ lùng thay
những gặp gỡ hàng ngày
trong ánh mắt nhìn như đắm đuối
trong cái bắt tay như siết chặt
một khoảng cách vô hình
mỗi ngày cứ rộng thêm ra
(Cuộc sống số)
Trong 57 bài thơ có chùm thơ 5 bài viết về Hà Nội với một góc Hoàng thành Thăng Long, phố nghề, hàng cây, mùa thu và đặc sắc vẫn là “Hà Nội tìm mình trong thăm thẳm chiều sâu của hồ và sử”.
Đây cũng là sự nhiệt thành và khác biệt của tác giả trong cách nhìn và viết về Thủ đô ngàn năm tuổi nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Trăn trở là vậy mà ở Nguyễn Ngọc Trìu đôi lúc vẫn loé lên khoảng lặng của tình yêu lứa đôi. Bài thơ “Huế chiều mưa”, “Mưa đêm ấy” quả là những thi phẩm có chỗ đứng trong lòng bạn đọc:
Mang chiều thả xuống dòng Hương
Tôi về xứ Bắc khói sương… theo về.
(Huế chiều mưa)
Giờ xin lá hãy lặng im
Cho tôi tìm lại lời chìm trong cây
Mưa đêm ấy, ướt chiều nay
Con đường, tôi với hàng cây … đầm đìa.
(Mưa đêm ấy)
Có thể nói, gần đây Nguyễn Ngọc Trìu đã có bước đột phá trong tìm tòi đổi mới thơ mình. Anh từng viết “Bỏ khuôn hình thơ cũ, thơ may còn sống lâu”.
Tâm niệm như vậy mà nhà thơ luôn trăn trở trong cách cảm, cách nghĩ, làm mới ngay từ những vần thơ tưởng như cổ điển. Đặc biệt có nhiều bài thơ lục bát hay, nhuần nhuyễn, có bản sắc riêng.
Không chỉ dựa vào phương pháp tượng trưng mà còn biết kế thừa có chọn lọc những giá trị của lục bát truyền thống nên hầu không bị rơi vào câu thúc của vần điệu khiến cấu tứ lỏng lẻo, mòn xáo.
Anh biết chắt lọc chi tiết, đi sâu vào bản chất của sự việc và khái quát thành hình tượng bằng một trường liên tưởng độc đáo và mới lạ Vừa sen đã nhớ ao làng, chưa lất phất đã nhớ xoan ngõ nhà/ Mỗi ngày mọc một lá buồn/ Tôi tìm tôi giữa đồng chiều/ Người đây mà bóng phiêu diêu chốn nào...
Nhưng như nhà thơ Nguyễn Đình Chiến nhận định: “Có lúc say mê đi tìm cái lạ, đánh vật với chữ nghĩa, hì hục với cấu tứ, muốn mình khác người, Nguyễn Ngọc Trìu đã rơi vào sự cầu kỳ thái quá làm mất đi cái giản dị tự nhiên vốn cũng là đặc sắc chính của thơ”.
Với ba tập thơ, bước đầu Nguyễn Ngọc Trìu đã khẳng định được mình trong làng thơ Yên Bái, không còn phải băn khoăn “…Quá nửa rồi, chưa sáng lấy một giây”.
Thế Quynh
Các tin khác
Thảm họa động đất cùng sóng thần tại Nhật Bản ngày 11/3 vừa qua thực sự gây chấn động thế giới và toàn cầu đang chung tay, góp sức hướng về Nhật Bản, động viên hỗ trợ đất nước mặt trời mọc khắc phục hậu quả nặng nề của thảm họa lịch sử này. Chương trình ca nhạc mang tên "Be strong, Japan!" được tổ chức cũng vì mục đích đó.
Các thành viên của nhóm hip- hop Big Toe gồm: Nguyễn Viết Thành, Lại Thị Sao Mai, Hoàng Kỳ Anh, Nguyễn Chính Dũng, Bùi Minh Trí, Vũ Tùng Phương, Phạm Khánh Linh vừa kết thúc chuyến lưu diễn show “Nhiều mặt” tại Đức và Pháp.
Ngày 23/3, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã công bố lựa chọn ca sĩ trẻ Uyên Linh là Đại sứ thiện chí của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam về các vấn đề thanh niên.
Tối 24/3, đêm diễn This is us tại TP. HCM của ban nhạc lừng danh Backstreet Boys đã diễn ra khá thành công. Tuy nhiên vẫn còn một vài điều đáng tiếc.