Xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa: Chú trọng chiều sâu, chất lượng và bền vững
- Cập nhật: Thứ hai, 30/5/2011 | 3:25:15 PM
YBĐT - Tỉnh Yên Bái có 2.327 làng, bản, tổ dân phố. Năm 1996, tỉnh bắt đầu chỉ đạo triển khai thí điểm xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa ở một số huyện, thị xã.
Bảo tồn lễ hội Lôông Tồng ở xã Sơn A (Văn Chấn).
|
Quá trình triển khai, công tác tuyên truyền luôn được chú trọng nên nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của phong trào này. Làng chứa đựng cả một không gian văn hóa đặc thù, độc đáo không chỉ của một thời xưa mà ngay cả bây giờ vẫn vậy. Nhiều giá trị mới trong xây dựng, bảo vệ đất nước hôm nay được kết tinh từ làng, bản, tổ dân phố. Vì vậy, trong tương lai, yếu tố làng, bản, tổ dân phố cũng sẽ luôn giữ một vị trí, vai trò quan trọng trong cơ cấu tổ chức xã hội...
Từ nhận thức đó, đông đảo nhân dân đã nhiệt tình hưởng ứng phong trào xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa (LBTDPVH) cùng với xây dựng gia đình văn hóa. Môi trường văn hóa gia đình là yếu tố quyết định sự hình thành tư tưởng, đạo đức và lối sống của mỗi thành viên. Mỗi gia đình đều có mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa thì thôn, làng, tổ dân phố sẽ nhanh chóng hoàn thành mục tiêu xây dựng LBTDPVH. Ý thức như vậy nên phong trào xây dựng LBTDPVH đã khởi sắc.
Năm 2000, phong trào này đã được triển khai trên diện rộng và đến hết năm 2010, đã có 55% số làng, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa (năm 2000 mới có 106 làng, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa). Số gia đình đạt chuẩn văn hóa cũng tăng nhanh, từ 60,2% số hộ trong năm 2000 lên 85% vào năm 2010.
Việc xây dựng LBTDPVH còn được các cơ sở bám sát những tiêu chí: tập trung nâng cao đời sống vật chất của nhân dân; bảo tồn di sản văn hóa, mở rộng giao lưu văn hóa, lưu giữ những truyền thống tốt đẹp mang tính chọn lọc; xây dựng nếp sống mới, trong đó chú trọng đẩy lùi tệ nạn xã hội; phát triển cơ sở vật chất để tổ chức các sinh hoạt cộng đồng... Trên cơ sở thực hiện những tiêu chí này, phong trào xây dựng LBTDPVH đã thực sự trở thành nhân tố quan trọng và thúc đẩy nâng cao đời sống nhân dân.
Bởi lẽ, ai cũng cho rằng, đã ra mắt xây dựng LBTDPVH thì điều đầu tiên là đời sống của nhân dân phải từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Cũng chính từ mục tiêu thiết thực ấy, việc ra mắt xây dựng LBTDPVH được ví như đã "mở toang cổng làng" để mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và tiến bộ khoa học kĩ thuật đi vào thực tế đời sống ở nông thôn; kích thích lòng tự trọng, ý thức vươn lên của người dân và khơi dậy tình đoàn kết cộng đồng, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Những địa phương có phong trào xây dựng LBTDPVH mạnh cũng chính là nơi đi đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Điển hình như huyện Yên Bình, năm 2000, có 30,83% số hộ nghèo nhưng đến năm 2010 chỉ còn 5%. Huyện Lục Yên, năm 2006, hộ nghèo chiếm tới 47,6% thì năm 2010 là 25,75%. Thị xã Nghĩa Lộ trong 5 năm qua cũng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 31,7% xuống còn dưới 10%... Nỗ lực của các địa phương trong xây dựng LBTDPVH đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh năm 2010 xuống chỉ còn 15%.
Người dân Làng văn hóa Ao Luông, xã Sơn A rước lễ vật đến hội Lôông Tồng.
Cuộc sống đi lên, nhân dân ngày càng tích cực đóng góp sức mình để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Do đó, qua hơn 10 năm chỉ đạo triển khai phong trào, Yên Bái đã huy động được trên 50 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 87% để xây dựng gần 1.200 nhà văn hóa, đạt tỷ lệ trên 60% LBTDPVH có nhà văn hóa. Điển hình như huyện Văn Yên, cả 312 làng, bản, tổ dân phố đều có nhà văn hóa, trong đó gần 200 nhà văn hóa có đầy đủ các thiết bị nội thất, âm thanh.
Nguồn vốn đầu tư cho thiết chế văn hóa, thể thao chiếm tới 80% của nhân dân đóng góp. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở các địa phương đều phát huy tốt vai trò là nơi sinh hoạt, tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí cũng như tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả.
Xây dựng LBTDPVH cũng là điều kiện thuận lợi để đưa ánh sáng văn hóa về với nông thôn, đẩy lùi hủ tục và tệ nạn xã hội. Đồng thời, việc bảo vệ các di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của cộng đồng và văn hóa tộc người cũng được nhân dân các LBTDPVH ra sức phát huy với tinh thần tự hào và trách nhiệm công dân. Xây dựng LBTDPVH cũng đã nêu cao ngọn cờ đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động của mỗi công dân trong mục tiêu chung.
Nói như ông Lường Láng - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) là: "Từ khi cả 8 thôn trong xã được công nhận danh hiệu văn hóa thì bàn bạc một vấn đề gì với dân cũng nhanh đi đến thống nhất và trở thành hành động thiết thực, mang lại hiệu quả cao. Chính phong trào này đã đưa Nghĩa An trở thành địa phương đi đầu ở vùng Mường Lò trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế mùa vụ, cây trồng, vật nuôi để xóa đói giảm nghèo, bê tông hóa mương máng, đường liên thôn, đường nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn bản, khuyến học...
Điều đáng mừng hơn cả là tình đoàn kết cộng đồng không ngừng được củng cố, nhân dân khát khao vươn lên trong cuộc sống, nhà nhà đã hiểu rõ lợi ích chung của cộng đồng chính là lợi ích mọi mặt trong mỗi gia đình".
Tuy nhiên, để phong trào xây dựng LBTDPVH ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng, mang tính bền vững, cần tiếp tục khắc phục những tồn tại. Cụ thể như: cần thống nhất về nhận thức trong mục tiêu xây dựng LBTDPVH; chất lượng làng văn hóa có nơi chưa bảo đảm, thể hiện ở chỗ mới chỉ cắm biển ghi tên; nhiều làng khi mới ra mắt, các phong trào thi đua thực hiện rất mạnh mẽ, sôi nổi nhưng đến khi đã được công nhận thì chững lại; có địa phương chạy theo thành tích, dẫn đến dễ dãi trong bình xét, công nhận; lãnh đạo cơ sở thiếu nhạy bén, năng động trong chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân tham gia phong trào; thiếu giải pháp hữu hiệu để nâng cao đời sống vật chất của nhân dân...
Giải quyết tốt những vấn đề này, chắc chắn phong trào xây dựng LBTDPVH trên địa bàn toàn tỉnh sẽ phát triển thực sự bền vững.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Càng đi sâu vào vòng trong, Thu Minh càng chứng tỏ được rằng cô là một trong những ứng cử viên sáng giá cho ngôi vị cao nhất của cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ năm nay.
Tối nay, 29-5, tại sân Quần Ngựa (Hà Nội) vào lúc 20h sẽ chỉ còn 6 thí sinh bước tiếp vào vòng trong.
Dù đô thị hóa đã diễn ra một thời gian dài, nhưng hầu hết người dân Việt Nam vẫn lớn lên và ra đi từ làng quê.
Ngày 26-5, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) bà Irina Bokova, đã chính thức vinh danh hệ thống Bia Tiến sĩ của các triều đại thời hậu Lê và nhà Mạc (1442-1779) được dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám của Việt Nam vào trong Danh sách Ký ức thế giới.