Sách của nhà báo
- Cập nhật: Thứ tư, 20/6/2012 | 7:41:55 AM
Nhân dịp kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, NXB Trẻ đã cùng lúc giới thiệu 3 cuốn sách viết về nghề báo. Điều đặc biệt là tác giả của 3 cuốn sách trên cũng là 3 nhà báo và những vấn đề mà sách chuyển tải cũng là những vấn đề đặc trưng của báo chí hiện nay.
Bìa ba cuốn sách của nhà báo Lê Văn Nuôi, Hữu Quân, Nguyễn Đông Thức.
|
Tác phẩm Nhật ký một nhà báo của nhà báo Lê Văn Nuôi là một cuốn “nhật ký” khá đặc biệt vì nó ghi chép lại một phần khoảng đời làm báo đầy sóng gió của tác giả thông qua chính những bài báo của ông.
Sách chia làm bốn phần gồm “Những người cầm bút dấn thân” với những bài báo viết về nghiệp làm báo, từ thế giới đến trong nước với những hạnh phúc, gian khổ của nghề báo. Phần hai là những bài báo viết về sự kiện 30-4 ở góc độ phát triển của hiện tại. Phần 3 có tên gọi “Vì công bằng và phát triển” gồm những bài báo về các vấn đề thời sự của xã hội và phần 4 là “Ước vọng văn hóa”, phản ánh những vấn đề nóng của văn hóa qua những bài báo.
Nhiều bài báo của nhà báo Lê Văn Nuôi dù đã viết rất lâu nhưng vẫn đậm tính thời sự như “Cần ngăn chặn một dòng báo chí độc hại” viết năm 2000 nhân sự kiện đình bản tờ Văn nghệ và Đời sống vì chuyên đăng các tin về cướp giết hiếp, hay như bài về “Đặc trưng của tham nhũng: Mại quyền và lạm dụng công quỹ” viết năm 1995.
Không có gì và không có ai là cuốn tiểu thuyết mới của nhà báo - nhà văn Nguyễn Đông Thức. Như tự bạch của anh: “3 năm trong Thanh niên xung phong và 33 năm làm báo thế mà tôi chỉ viết nhiều về TNXP mà lại ít viết về báo chí”.
Cuốn tiểu thuyết mới này chính vì thế tập trung vào nghề báo mà nói chính xác hơn là việc làm báo ngay sau ngày đất nước giải phóng. Nhận xét về tác phẩm, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng “Không có gì và không một ai” là một đóng góp sáng giá khi nhìn lại tiến trình của nền báo chí Việt Nam sau 1975, không chỉ đầy ắp sự kiện mà còn thông qua số phận khốc liệt của các nhân vật...
Tác phẩm cuối cùng trong loạt sách của các nhà báo là một tuyển tập tiểu phẩm trào phúng Ngày xưa báo chí hoạt động như thế nào? của nhà báo Hữu Quân (tên thật là Trọng Thịnh), phóng viên báo Tiền Phong.
Các tác phẩm trào phúng trong tuyển tập phản ánh rất nhiều vấn đề trong xã hội hiện nay mà ở góc độ một nhà báo, tác giả có cái nhìn khá tường tận. Do hầu hết là tiểu phẩm dùng để đăng báo nên nhiều tiểu phẩm khá ngắn, chỉ dừng lại ở mức trên một truyện cười nhưng ý nghĩa của truyện thì lại vượt qua tầm cười cho vui mà đọng lại sau tiếng cười cả sự chua xót.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Lễ ra mắt tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên được dịch ra tiếng Bangladesh đã diễn ra tại trụ sở Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Bangladesh ở thủ đô Dhaka.
Triển lãm của Hội Nữ họa sĩ quốc tế INWAAC (International Women Artists Council) sắp diễn ra tại TPHCM (từ 21-6 đến 27-6) sẽ là sự kiện đáng chú ý trong giới mỹ thuật, với tên gọi “Sự hiện diện của nữ họa sĩ trong sắc màu” lần X – 2012 (HPIC - Her presence in colours).
Bông hồng nước Anh Kate Winslet đã được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệu danh giá Sĩ quan đế chế Anh (CBE - Commander of the British Empire) vì những cống hiến cho nghệ thuật.
Tác phẩm báo chí dự Giải là những tác phẩm có tính phát hiện, kịp thời việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động.