Những kiểu đánh dấu trong đời sống người Mông
- Cập nhật: Thứ hai, 9/7/2012 | 9:25:47 AM
YBĐT - Trong lao động cũng như đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc ít người từ xa xưa thường có tục đánh dấu hay nói cách khác là có nhiều loại ký hiệu khác nhau theo quy ước tự nhiên nhằm tạo ra sự ứng xử hài hoà trong mối quan hệ phức tạp của cuộc sống mà đồng bào Mông là dân tộc điển hình trong việc sử dụng các ký hiệu trực tiếp liên quan đến lao động sản xuất và cả về yếu tố tâm linh.
Một kiểu đánh dấu mang tính chất bùa chú để ngăn chặn sự phá hoại của súc vật đối với cây trồng của người Mông.
|
Khi xưa, việc phát rừng làm nương rẫy còn chưa quản lý chặt như ngày nay, đến mùa phát nương những người đàn ông thường vào rừng tìm khu đất tốt để phát nương mới.
Để quy định phạm vi nương của mình, bà con khắc lên thân cây những hình chữ X dọc theo đường biên của mảnh nương sau này sẽ phát và canh tác. Kiểu đánh dấu thứ hai là họ chặt ngọn những cây nhỏ, chẻ ngọn và gài vào đó những mũi tên cũng bằng cây gỗ, tre nứa dọc theo hướng tạo thành đường biên khu vực sẽ phát nương. Kiểu đánh dấu thứ ba là họ thắt nút những cành lá theo đường biên định làm nương. Cả ba kiểu đánh dấu trên cứ cách khoảng 10 mét lại đánh một dấu thì người đến sau không bao giờ phát chồng lấn lên chỗ người trước đã chọn.
Việc đi tìm gỗ làm nhà cũng phải đánh dấu khi chọn được cây gỗ ưng ý và đánh lên thân cây nhiều dấu X, dấu + hoặc bập nhiều nhát vòng quanh thân cây là tuỳ ở cách lựa chọn của người đi tìm gỗ. Người khác khi đi tìm gỗ mà gặp những kiểu đánh dấu này thì cũng sẽ đi tìm cây gỗ khác. Khi những đám nương được canh tác, để bảo vệ sản xuất, chống trộm cắp hoặc gia súc phá hoại, người Mông thường chọn những điểm mọi người thường qua lại để cắm lên đó một tấm đan bằng tre nứa mà người dân tộc Thái gọi đó là Ta Leo. Ai đi qua thấy tấm ta leo này thì hiểu ngay người chủ của mảnh nương này đã có ý yêu cầu mọi người phải chú trọng không xâm hại đến hoa màu.
Bên cạnh kiểu thông báo trên, người Mông còn có kiểu đánh dấu theo kiểu có yếu tố tâm linh. Chẳng hạn, người ta dùng một cây nứa cắt ngắn rồi có những thanh nứa xuyên chéo nhau trên cây nứa. Đầu những thanh nứa nhỏ này người ta lấy giấy cắt thành đầu, đuôi mũi tên rồi dán vào hai đầu thanh nứa rồi lấy màu vẽ hình bùa lên những mảnh giấy đó. Làm xong, bà con đem cắm ở đầu nương, thắp hương trên đầu cây nứa rồi khấn vái niệm thần chú để cầu cho cây cối tốt tươi và không bị gia súc hay thiên tai phá hại.
Kiểu đánh dấu nữa cũng mang yếu tố tâm linh, đó là đánh dấu trong nhà có phụ nữ vừa sinh nở con trai chưa qua 7 ngày ở cữ và con gái chưa quá 9 ngày. Cách đánh dấu là dùng một túm lá buộc ngoài cổng nhà khi thai phụ còn đang ở cữ. Thấy kiểu đánh dấu này thì người lạ không nên vào vì bà con quan niệm là nếu người vào nhà mà cũng đang nuôi con bú thì vía của người đó sẽ lấy hết sữa của con chủ nhà (sản phụ tắc sữa).
Hiện nay nhiều kiểu đánh dấu ký hiệu của người Mông không còn nữa do không còn việc phát rừng làm nương, khai thác gỗ bừa bãi… nhưng nhắc lại việc sử dụng cách đánh dấu, ký hiệu của bà con để mọi người cùng hiểu thêm về một nét văn hoá của người Mông.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Ngày 8-7, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) phối hợp cùng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điện Biên tổ chức khai mạc Trại sáng tác ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc, năm 2012.
Ở tất cả các hạng mục giải thưởng, Việt Nam đều có giải. Trong đó, những bộ phim như Lễ hội Ariêuping của người Pa Kô, Bốn quốc gia một điểm đến và Vượt lên số phận đã dành giải nhất tại LHP Điện ảnh Truyền hình Thể thao và Du lịch quốc tế 2012.
Chiều 7-7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có cuộc gặp gỡ các đại biểu thiếu nhi về dự Liên hoan Thiếu nhi nghèo vượt khó toàn quốc lần thứ 2.
Nhân dịp Hè 2012, Trung tâm Văn hóa Kim Đồng, Hà Nội tổ chức lớp học phim, chụp ảnh miễn phí nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho các thanh thiếu niên.