Gặp nhau trên dải Hoàng Liên
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/5/2013 | 8:47:09 AM
YBĐT - Phấn khích trước vẻ đẹp của quê hương Yên Bái nên cứ ngày đi lấy tư liệu là đêm về các họa sỹ vẽ đến tận khuya và say sưa trao đổi về mặt chuyên môn. Hầu hết, các tác giả đã sáng tác những tác phẩm bằng sự tâm huyết, niềm đam mê, lòng tự hào về quê hương đất nước.
Các họa sỹ Hà Nội - Yên Bái trao đổi chuyên môn nghiệp vụ.
|
Họa sỹ Nguyễn Đình Thi - Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật tỉnh Yên Bái cho biết: “Phối hợp với hội mỹ thuật các tỉnh bạn để sáng tác trên quê hương Yên Bái là việc từ trước tới nay chưa có. Bởi vậy, phối hợp với Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội mở đợt sáng tác dài ngày ở Yên Bái là một bước đi mới”.
Để có được đợt sáng tác này, hai bên đã phải chờ đợi khá lâu nhằm chọn được lúc thời tiết đẹp nhất. Khoảng thời gian này lại cũng đúng vào dịp kỷ niệm 59 năm giải phóng Điện Biên Phủ và 123 năm ngày sinh nhật Bác nên sự kiện văn hóa này lại càng thêm ý nghĩa. Hoạ sỹ Phạm Kim Bình - Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội tâm sự: “Số họa sỹ đăng ký lên Yên Bái sáng tác lần này khá đông nhưng Hội chỉ bố trí được gần hai chục người và trước hết phải ưu tiên những họa sỹ cao tuổi, người có nhiều thành tích trong hoạt động mỹ thuật và chưa có dịp lên Yên Bái”.
Hai đoàn hẹn gặp nhau tại thị xã Nghĩa Lộ rồi tiếp tục đi theo lịch trình lên Trạm Tấu, Mù Cang Chải về Văn Chấn rồi ra thành phố Yên Bái. May mắn được đi cùng với các anh chị em họa sỹ trong đợt này, tôi đã thấy mỗi ngày ở Yên Bái là một ngày dâng trào và vỡ òa cảm xúc trong mỗi người họa sỹ đến từ đất Hà thành.
Ở thị xã Nghĩa Lộ, ai cũng tấm tắc khen và cố sức ghi lại thật nhiều những hình ảnh về con người, thiên nhiên, làng bản mà họ bảo rằng đẹp và mang đặc thù nhất của vùng Tây Bắc. Nhưng khi lên với Trạm Tấu, các họa sỹ lại vô cùng ngạc nhiên thốt lên rằng: “Tưởng những hình ảnh này chỉ có ở trên cao nguyên đá Hà Giang”.
Thế mà, ở ngay Yên Bái, Trạm Tấu núi cao dựng đứng, điệp trùng và cũng có những bản làng người Mông cheo leo bên sườn núi. Người Mông ở đây cũng đẹp sặc sỡ trong sắc màu trang phục và tràn đầy sinh lực vun đắp sự sống nơi ngang trời. Lên Mù Cang Chải, vẫn những hình ảnh như ở Trạm Tấu nhưng khác lạ hơn là ở đây tầm nhìn thoáng đãng bởi bình nguyên sóng núi ruộng bậc thang. Ai cũng tấm tắc rằng: “Thật xứng đáng là Di tích danh thắng cấp quốc gia và còn có thể đạt cả ở tầm quốc tế”.
Trở về Văn Chấn, lên Suối Giàng lại thêm những ngạc nhiên nữa. Ai cũng không ngờ rằng cây chè cổ thụ đã được nghe, được xem ti vi, xem ảnh nhưng khi đến tận nơi thì nó lại to đến vậy; rừng già ở đây bạt ngàn tít tắp cây xanh; thiên nhiên thật hùng vĩ…
Anh lái xe của đoàn Hội Mỹ thuật Hà Nội tâm sự: “Em đi xe hợp đồng nhiều rồi nhưng lần này đi “mệt” quá. Suốt từ Nghĩa Lộ - Trạm Tấu - Mù Cang Chải về Văn Chấn cứ đi một đoạn lại hô: “Dừng lại! Dừng lại! Chỗ này đẹp quá! Nhưng mà cánh đồng Mường Lò, Tú Lệ, đèo Cao Phạ… công nhận là đẹp thật”. Tôi hỏi mấy bác họa sỹ tuổi đã ngoài bảy, tám mươi rằng: “Các bác leo núi có thấy mệt không?”. Tất cả đều trả lời: “Ở cái tuổi này nói không mệt mới là chuyện lạ! Nhưng mà đi nó vui, cảnh đẹp nên bọn tớ thấy quên hết mệt”.
Họa sỹ Ngô Thành Nhân bảo: “Làm họa sỹ ở Yên Bái sướng thật đấy! Mở mắt ra là được hít thở không khí trong lành và sống với cỏ cây hoa lá. Thiên nhiên trên dải Hoàng Liên này thật là kỳ thú”. Họa sỹ Nghiêm Hùng năm nay 72 tuổi còn nhận xét thêm: “Ngoài cái thú vị về cảnh quan, Yên Bái còn có một đặc thù hấp dẫn là bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc”. Phấn khích trước vẻ đẹp của quê hương Yên Bái nên cứ ngày đi lấy tư liệu là đêm về các họa sỹ vẽ đến tận khuya và say sưa trao đổi về mặt chuyên môn giữa họa sỹ hai đoàn.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đang được thể hiện trong tác phẩm của họa sỹ Hà Nội Ngô Thành Nhân.
Kết thúc chuyến đi, hơn bốn chục tác phẩm đã đủ để mở một triển lãm tranh của họa sỹ Yên Bái - Hà Nội. Họa sỹ Phạm Phi Châu tuổi đã gần 80 cùng đi đợt này, khi được chiêm ngưỡng các tác phẩm của đồng nghiệp Yên Bái đã nói: “Tôi không ngờ ở Yên Bái có một đội ngũ họa sỹ đại học đông đảo như vậy. Chuyên môn của các họa sỹ rất vững vàng và góc nhìn, bút pháp, chất liệu thể hiện tác phẩm rất đáng trân trọng. Các cuộc triển lãm tranh ở Yên Bái cần được mở thường xuyên và nên tổ chức cho học sinh các trường học đến dự để truyền vào các em ngọn lửa đam mê. Tỉnh cũng cần tạo điều kiện để các họa sỹ có nơi treo tranh, bán tranh để các họa sỹ thêm yêu nghề và sống được bằng nghề”.
Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội thì nhận xét: “Cuộc triển lãm chung này là một biểu hiện sinh động của tình cảm nồng ấm và sự hợp tác giữa các họa sỹ và văn nghệ sỹ Hà Nội và Yên Bái. Các tác giả đã sáng tác những tác phẩm bằng sự tâm huyết, niềm đam mê, lòng tự hào về quê hương đất nước. Cho nên, mỗi tác phẩm đều mang hơi thở sống động của cuộc sống thường nhật cũng như vẻ đẹp sống động của thiên nhiên. Sự hợp tác bước đầu này sẽ mở ra một cơ hội để tiếp tục được phát triển về sau này. Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội sẽ cố gắng để tranh của các họa sỹ Yên Bái có điều kiện triển lãm chung tại thủ đô”.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Dương Văn Thống đã đến thăm triển lãm tranh Hà Nội - Yên Bái. Phó bí thư đã biểu dương những nỗ lực trong sự hợp tác giữa họa sỹ, văn nghệ sỹ Yên Bái và Hà Nội, đồng thời khẳng định những tác phẩm tại triển lãm này không chỉ phản ánh chân thực tiềm năng, vẻ đẹp thiên nhiên, con người và quê hương Yên Bái mà còn giúp quảng bá hình ảnh của Yên Bái ra bên ngoài. Đồng chí mong rằng sự hợp tác này sẽ luôn bền chặt và phát triển.
Những mong muốn này chắc hắn sẽ trở thành hiện thực vì rất nhiều họa sỹ nói rằng tuy ở Yên Bái cả tuần nhưng chỉ mới “lướt” qua được một số địa phương ở phía Tây của tỉnh nên chưa thể thỏa mãn được nỗi khát khao khám phá đối với một miền đất lạ. Nhiều người còn chia sẻ ý định lần sau sẽ rủ thêm nhiều họa sỹ khác đi bằng phương tiện cá nhân lên Yên Bái ở dài ngày để sáng tác. Các họa sỹ Yên Bái nắm chặt tay đồng nghiệp Hà Nội – trong buổi chia tay - cái nắm tay hứa hẹn đợi chờ một cuộc tái ngộ trên dải Hoàng Liên trong một ngày gần nhất.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa, con người, cuộc sống của các nước Đông Dương, Công ty Riverorchid Digital tổ chức cuộc thi "Indochina Project" (tạm dịch: Hành trình khám phá Đông Dương) - dự án nghệ thuật trình diễn qua kỹ thuật số đầu tiên với quy mô toàn vùng Đông Dương.
Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5 sẽ chính thức được tổ chức từ ngày 22 – 26/6. Đây không chỉ là Fesitival để quảng bá văn hóa, phát triển du lịch mà còn là nơi hội tụ kết nối các di sản thế giới.
Thế giới ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều những bức ảnh chụp con người, đất nước Việt Nam xuất hiện trong những cuộc thi của giới nhiếp ảnh toàn cầu. Những tay máy đến từ nhiều quốc gia khác nhau đã cùng có niềm cảm hứng bất tận về Việt Nam.
YBĐT - Đề tài “Yên Bái rừng xanh yêu thương” rất hấp dẫn và đang chứa đựng đầy tiềm năng khơi nguồn cảm hứng không chỉ riêng với lĩnh vực ảnh báo chí, nghệ thuật mà ở cả nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật khác.