Ra Côn Đảo
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/6/2013 | 8:55:49 AM
YBĐT - Côn Đảo (còn có tên gọi Côn Lôn) là quần đảo thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu với tổng diện tích 76km², bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ. Nơi đây, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa đã cho xây dựng một hệ thống nhà tù kiên cố để giam cầm và đầy đọa những nhà yêu nước cùng các chiến sĩ cộng sản. Hiện nay, Côn Đảo đang được xây dựng thành “đô thị di sản - du lịch” trên biển đảo.
Bình minh Côn Đảo.
|
Mười bẩy giờ, con tàu Côn Đảo 09 kéo một hồi còi dài rồi rời cảng Cát Lở tiến dần ra khơi. Sáu giờ sáng ngày hôm sau, trải qua mười ba giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, tầu cập cảng Bến Đầm. Trước mắt chúng tôi là hòn Côn Lôn trông giống như hình một con gấu lớn quay lưng về phía đất liền, chân hướng ra biển Đông. Đây là hòn đảo lớn nhất với diện tích 51,520km2, chiều dài khoảng 15km, chỗ rộng nhất tới 9km. Ngọn núi Chúa cao sừng sững vươn cao lên trời xanh như cánh tay khổng lồ vẫy gọi mọi con tàu hướng về với đảo. Xế bên tay phải là hòn Côn Lôn nhỏ hay còn gọi Hòn Bà. Rồi hòn Bảy Canh, hòn Tài Lớn, Tài Nhỏ, hòn Cau…, mỗi hòn đều gắn với truyền tích làm nên sự hấp dẫn của Côn Đảo.
Lịch sử huyện đảo ghi rằng: Ngay sau khi chiếm đóng Côn Đảo, ngày 1 tháng 2 năm 1862, thủy sư đô đốc Pháp Bonard ký quyết định thành lập nhà tù và từ đó biến Côn Lôn núi non hùng vĩ, biển trời trong lành thành “Địa ngục trần gian”.
Trải qua 113 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp cùng sự thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, hệ thống nhà tù ngày càng được mở rộng, nâng cấp. Với 9 trại đã đưa tổng số lên 127 phòng giam, 44 xà lim và 504 phòng “biệt lập chuồng cọp”. Bên cạnh đó còn có các sở tù như: Sở làm đá, Sở chuồng bò, Hầm xay lúa… để đày ải người tù và làm lao dịch, khổ sai nhằm giết dần giết mòn sinh mạng họ. Bao lớp người yêu nước vì độc lập của dân tộc đã bị đày đọa nơi đây.
Theo bước chân cô hướng dẫn viên, chúng tôi lần lượt viếng thăm các trại giam Phú Hải, Phú Tường, Chuồng cọp và khu biệt lập Chuồng bò.
Từng đến các nhà tù Sơn La, Nghĩa Lộ, Phú Quốc, bây giờ mới có dịp chứng kiến kiểu cách hành hạ người tù theo kiểu “văn minh phương Tây” tại Côn Đảo. Vẫn những bức tường được xây bằng đá, vẫn bệ nằm xi măng nhưng những cây cùm được chế tạo đặc biệt với hai lần khóa và cùng lúc giữ chân được mấy chục con người. Đến thời Mỹ ngụy, chúng còn cải tiến họng cùm nhỏ lại có những răng cưa thít chặt vào cổ chân khiến mỗi lần xoay người hay cử động da thịt bị khứa chảy máu đau buốt lên tận óc. Còn xà lim thì chật chội, nằm không được mà đứng cũng không xong, đành chỉ có tư thế nửa nằm nửa ngồi.
Địa điểm nổi tiếng nhất trong khu nhà tù này là "chuồng cọp". Xây dựng bí mật từ năm 1940, chuồng cọp được thực dân Pháp đặt ở vị trí kín đáo sâu trong Trại giam Phú Tường với hai lối ra vào. Giữa chuồng cọp và một nhà giam chỉ ngăn cách bằng cánh cửa nhỏ bị khóa và ngụy trang như cánh cửa đã không dùng lâu ngày. Ngoài những tên cai ngục, không ai được biết về bí mật của nơi biệt giam này.
Chuồng cọp tổng diện tích 5.475m2, gồm có 120 phòng giam. Phòng biệt giam này theo đúng nghĩa đen là chuồng nhốt cọp. Mỗi chuồng có bệ xi măng rộng 0,6m để nằm, trên có chấn song sắt kiên cố và đường boong ở giữa dành cho cai ngục, trật tự đi lại kiểm soát, hành hạ người tù. Bình thường phòng giam 1 người nhưng khi phạt tù nhân chúng giam đến 4 -5 người, nằm chồng lên nhau, tất cả ăn ngủ và đi vệ sinh đều tại không gian đó.
Một trong những hình thức tra tấn của cai tù là dùng gậy chọc, ném vôi bột sau đó dội nước bẩn xuống người tù. Bao nhiêu người đã chết, nhiều người mù mắt, bán thân bất toại vì cực hình hơn cả thời trung cổ. Ngoài ra còn 60 phòng tắm nắng (không có mái che) là nơi dùng để hành hạ, phơi nắng phơi mưa hoặc lôi người tù ra đó tra tấn, đánh đập dã man.
Tuy nhiên, cũng tại hòn đảo này, khí phách của những người yêu nước, tinh thần đấu tranh bền bỉ, quật cường của các chiến sĩ cộng sản trước quân thù đã được thể hiện ở tầm cao về trí tuệ và phong phú về phương pháp đấu tranh. Những Phan Châu Trinh, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Võ Thị Sáu, Nguyễn Đức Thuận, Lê Chí Hiếu… là biểu hiện sáng ngời của tinh thần “bất khuất”. Hiện nay, khu di tích Nhà tù Côn Đảo đã được thủ tướng chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.
Chuồng cọp ở nhà tù Côn Đảo.
Một di tích quan trọng khác ở Côn Đảo là Nghĩa trang Hàng Dương. Đây là nơi chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, kéo dài 113 năm (từ năm 1862 đến năm 1975) trong nhà tù Côn Đảo của chính quyền thuộc địa Pháp, sau này là chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Năm 1992, nghĩa trang Hàng Dương được tôn tạo lại với quy mô như hiện nay. Nghĩa trang có diện tích khoảng 20ha, được chia làm 4 khu. Đây là nơi an nghỉ của hàng vạn người yêu nước cùng các chiến sĩ cách mạng. Những người con anh hùng của đất nước như Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Võ Thị Sáu, Lê Chí Hiếu,Trần Văn Thời… cũng nằm lại nơi này.
Năm 2005, cụm tượng đài nghĩa trang được khánh thành, trong đó có bức tượng Trao áo cao 9m, nặng 25 tấn. Dưới chân bức tượng có ghi hàng chữ “Vĩnh biệt các đồng chí”. Tượng đài được tái tạo từ câu chuyện “Chết còn cởi áo cho nhau”. Người trao áo là ông Vũ Văn Hiếu - nguyên bí thư đầu tiên của đặc khu mỏ Hòn Gai (tháng 10/1930) và người nhận áo là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Rồi Đền thờ Côn Đảo ngay cổng Nghĩa trang, nơi dành để tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.
Quả chuông nơi đền thờ nặng 9.400kg, được đúc tại Huế. Trên thân chuông chạm hoa văn hình sóng nước, lá đề và trang trí hình tứ linh Long – Ly – Quy – Phượng cùng bài minh được đúc nổi do Giáo sư – Anh hùng Lao động Vũ Khiêu viết. Nội dung ngợi ca tinh thần dũng cảm hy sinh của các bậc tiền nhân: “Chuông vang xa: từ hòn đảo anh linh/ Chuông vang vọng: giữa bầu trời đại nghĩa/ Hơn trăm năm chí lớn anh hùng/ Hơn hai vạn hồn thiêng liệt sĩ/ Trên không trung rực sáng những vì sao/ Dưới địa ngục dìm sâu bầy quỷ ác…”.
Có thể nói ở nghĩa trang Hàng Dương, cứ mỗi tấc đất đào lên đều lẫn xương người. Đã quá nhiều người yêu nước thuộc bao nhiêu thế hệ đã nằm xuống ở nghĩa trang này và họ chỉ được chôn lấp sơ sài. Trải qua thời gian, nhiều biến động nên không ít ngôi mộ bị thất lạc. Những ngôi mộ còn lại hầu hết được xây bằng đá Côn Đảo, có mộ chí với hình ngôi sao vàng trên nền đỏ của đá granito. Mấy ngàn ngôi mộ như vậy nằm dưới tán rừng dương đã trở thành nơi hội tụ của những tấm lòng yêu nước. Bất kỳ đoàn khách nào khi đến Côn Đảo đều ghé qua viếng Nghĩa trang Hàng Dương.
Đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Yên Bái trong chuyến đi thực tế sáng tác tại Côn Đảo càng không bỏ lỡ dịp may hiếm có này. Chúng tôi chọn thời gian vào buổi đêm, vì theo hướng dẫn viên giờ này mới linh thiêng. Phải chăng tin như thế mà khi chúng tôi đặt chân đến cổng nghĩa trang đã thấy khá nhiều đoàn có mặt, họ là khách du lịch tới từ các tỉnh, thành phố trong cả nước; một số đoàn công tác và không ít gia đình người dân Côn Đảo. Mà đẹp sao lại đúng vào đêm mười sáu, vầng trăng tròn vành vạnh trên đầu, ánh trăng xanh ngời chiếu xuống ngọn dương mướt mát. Nhấp nháy bóng đèn điện nhỏ nơi đầu các hàng bia mộ, cả một rừng đèn trông tựa linh hồn liệt sĩ đang hiện về chứng giám tấm lòng thành.
Dọc các lối đi, loa phóng thanh với âm lượng nhỏ phát lời giới thiệu về Côn Đảo cùng gương chiến đấu dũng cảm của bao con người bất tử. Tiếng phát thanh viên trầm ấm, đôi lúc nghẹn ngào, hòa trong điệu nhạc trầm buồn của bài Hồn tử sĩ càng khiến cho không khí nghĩa trang trở nên trang nghiêm hơn.
Anh Nguyễn Công Lộc, người làm quản trang lâu năm ở đây hướng dẫn chúng tôi vào thắp hương tại Đài tưởng niệm, sau đó qua khu A thắp hương tại mộ liệt sĩ Lê Hồng Phong cùng nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Không có điều kiện để đi hết các khu mộ, ai nấy đành chắp tay bái vọng mong anh linh liệt sĩ thông cảm cho hoàn cảnh của lớp hậu thế.
Trở ra khu B, đoàn vào viếng mộ chị Võ Thị Sáu - người con gái Đất Đỏ anh dũng, kiên cường. Chị là nữ tử tù đầu tiên ở Côn Đảo, bị giặc Pháp xử bắn khi vừa tròn 17 tuổi và đem chôn tại nghĩa trang Hàng Dương. Mộ chị được xây bề thế, ốp đá granit màu đen, mộ chí ghi dòng chữ “Liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu”. Xung quanh những tấm bia mộ của chị Sáu đã có khá nhiều sự kiện khiến nó trở thành huyền thoại. Tấm bia mộ do các tù nhân dựng lên đã liên tục bị nhiều đời chúa đảo ra lệnh phá huỷ, song nếu hôm nay bia bị đập phá thì ngày mai lại có tấm bia khác.Thậm chí vợ chồng một viên tỉnh trưởng Côn Sơn cũng giấu diếm làm tấm bia mộ đặt trên mộ cô Sáu. việc phá bia mộ của chị cũng có biết bao lời bàn tán về sự khiếp đảm của bọn cai ngục cùng lính ở đây bị cô trừng phạt.
Sự hy sinh anh dũng của chị Sáu đã trở thành biểu tượng đẹp về ý chí bất khuất của người cộng sản trước quân thù. Bởi chị chết trẻ nên người dân Côn Đảo còn đồn đại và chính họ tin rằng cô Sáu rất thiêng. Đã có khá nhiều bông hoa huệ trắng của những người viếng trước đó.
Đặt bó hoa tươi trên mộ và lần lượt từng người vào thắp hương. Niềm tin xen lẫn sự cảm phục khiến mỗi người như thấy vong hồn chị Sáu hiển hiện quanh quất đâu đây, chứng kiến lời khẩn cầu sức khỏe và dồi dào năng lực sáng tạo nghệ thuật. Thắp hương mộ chị Võ Thị Sáu xong cả đoàn chia nhau đi thắp hương các ngôi mộ xung quanh trong khu B. Đêm ở nghĩa trang Hàng Dương sao mà linh thiêng, huyền diệu.
Trở lại thăm sau ngày giải phóng năm 1975, cựu tù nhân Côn Đảo – Tổng bí thư Lê Duẩn căn dặn: “Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng. Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại. Côn Đảo là một trường học lớn đối với các thế hệ mai sau. Các đồng chí hãy ra sức phấn đấu để xây dựng Côn Đảo chẳng những thành một hòn đảo giàu đẹp về kinh tế, mạnh về quốc phòng mà còn phải gìn giữ những di tích lịch sử ấy trở thành một tài sản của nhân dân, một thứ tài sản vô giá lưu truyền cho đến nghìn đời con cháu mai sau”. Nhớ lời dặn của ông, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đầu tư khá lớn cho đảo. Cầu cảng mới, sân bay, đường giao thông, trụ sở làm việc, chợ, nhà nghỉ và nhất là tôn tạo lại các khu di tích. Tỉnh cũng đã mở Hội thảo khoa học về xây dựng Côn Đảo thành “Đô thị di sản – du lịch” trên biển đảo. Đã có những tập đoàn kinh tế của Pháp và Nga đến để xây dựng khu du lịch cao cấp. Côn Đảo đang vươn mình trở thành Đảo Ngọc.
Côn Đảo - Yên Bái tháng 5 - 2013
Thế Quynh
Các tin khác
Liên Bộ Tài chính - Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư liên tịch số 51/2013/TTLT/BTC-BVHTTDL quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015.
Chỉ kể riêng quý 1/2013, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phân phối hơn 24 tỷ đồng tới tay tác giả - chủ sở hữu tác phẩm.
Diễn viên Việt Trinh vừa lọt vào Top 300 ngôi sao ăn chay hấp dẫn nhất thế giới do Tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật PETA Châu Á bầu chọn. “Người đẹp Tây Đô” vinh dự sánh vai cùng với các ngôi sao hàng đầu thế giới như Natalie Portman , Anne Hathaway…
Từng tham gia nhiều sự kiện đình đám của rock Việt, lọt vào chung kết "Asean's Best Band" năm 2010, ra mắt 2 mini album năm 2008, Re-Cycle (Vòng luân hồi) là một ban nhạc rock của Hà Nội có nhiều cá tính.