Dịch cúm gia cầm và cúm lợn hoành hành nhiều nơi trên thế giới
- Cập nhật: Thứ ba, 18/2/2014 | 8:25:55 AM
Trong hơn hai tháng qua, dịch cúm gia cầm H5N1 và H7N9 cũng như dịch cúm lợn (nhiễm vi-rút cúm A-H1N1) bùng phát và hoành hành mạnh ở nhiều nước trên thế giới đã làm hàng chục người chết. Các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của các loại dịch cúm này đã và đang được triển khai quyết liệt ở nhiều nước.
Tiến hành tiêu hủy gia cầm bị nhiễm vi-rút H7N9 ở Hồng Công (Trung Quốc).
|
Bộ Y tế Cam-pu-chia xác nhận một bé trai bảy tuổi và em gái ruột ba tuổi ở tỉnh Cra-ti đã tử vong ngày 7-2 vừa qua vì nhiễm vi-rút cúm A-H5N1, đưa tổng số ca tử vong vì căn bệnh này ở Cam-pu-chia từ đầu năm 2014 lên ba người. Hai bệnh nhân trên tử vong cùng một ngày tại bệnh viện của tỉnh Côm-pông Chàm. Giới chức Cam-pu-chia đã phát hiện nhiều gà chết trong ngôi làng hai bệnh nhân trên sinh sống và cả hai đã có tiếp xúc với gia cầm trước khi có triệu chứng nhiễm bệnh giống nhau. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cúm A-H5N1 là một bệnh cúm thường lây lan giữa gia cầm, nhưng đôi khi có thể lây từ gia cầm sang người. Bệnh cúm này được phát hiện lần đầu tiên ở Cam-pu-chia cách đây 10 năm. Ðến nay, nước này đã ghi nhận 50 ca nhiễm, trong đó 35 ca tử vong.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, kể từ đầu năm 2014 đến nay, số bệnh nhân nhiễm vi-rút cúm A-H7N9 đã gia tăng mạnh, với hơn 180 trường hợp nhiễm bệnh, vượt qua tổng số ca của cả năm 2013, trong đó gần 40 người đã tử vong. Ngày 10-2 vừa qua, giới chức y tế nước này đã thông báo thêm năm bệnh nhân mới bị nhiễm vi-rút cúm A-H7N9.
Sự gia tăng số bệnh nhân nhiễm cúm A-H7N9 trong thời gian gần đây là do vào dịp nghỉ lễ, nhiều người tiếp xúc với gia cầm sống. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn chưa tìm được bằng chứng cho thấy chủng vi-rút này lây lan trực tiếp từ người sang người. Tại Hồng Công (Trung Quốc), nhà chức trách đặc khu đã cấm buôn bán gia cầm sống từ trước Tết Nguyên đán cho đến ngày 18-2 sau khi phát hiện một vụ gia cầm nhập khẩu từ Trung Quốc Ðại lục nhiễm vi-rút H7N9.
Cùng với dịch cúm A-H7N9, Trung Quốc hiện còn phải đối mặt một chủng vi-rút cúm gia cầm mới là H10N8. Ngày 13-2, các nhà chức trách y tế tỉnh Giang Tây, miền đông nước này đã xác nhận một trường hợp nhiễm mới cúm A-H10N8 và đã tử vong. Trước tình hình này, Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình địa phương đã kêu gọi người dân tránh tiếp xúc với gia cầm sống và tuân thủ các thói quen vệ sinh an toàn.
Tại Hy Lạp, Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ dịch cúm A-H1N1 bùng phát tại nước này sau khi 18 người trong tổng số hơn 70 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện do nhiễm vi-rút cúm A-H1N1, đã tử vong. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Hy Lạp (KEELPNO), vi-rút cúm A-H1N1 là loại vi-rút chính gây ra dịch cúm trong năm nay. Tuy nhiên, vi-rút cúm B, từng gây ra dịch cúm hai năm gần đây, cũng đang lây lan nhanh. Theo các nhà khoa học, mùa cúm năm nay sẽ còn kéo dài ít nhất một tháng nữa, đồng thời khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp phòng ngừa và sử dụng thuốc trị cúm sớm trong vòng 48 giờ sau khi phát hiện triệu chứng của bệnh.
Bộ Y tế Ai Cập ngày 12-2 cho biết, các trường hợp tử vong do nhiễm vi-rút cúm A-H1N1 ở nước này đã tăng gần gấp đôi trong vòng chưa đầy 10 ngày. Theo Bộ Y tế Ai Cập, kể từ đầu tháng 12-2013 đến nay, ở nước này có 342 trường hợp được chẩn đoán nhiễm vi-rút cúm A-H1N1 (còn được gọi là cúm lợn), trong đó 44 người đã tử vong. Vi-rút cúm A-H1N1 từng hoành hành tại Ai Cập trong giai đoạn 2009-2010. Loại vi-rút nguy hiểm này xuất hiện trở lại vào thời điểm vi-rút cúm theo mùa cũng đang lây lan mạnh. Các bệnh viện ở Ai Cập đã tiếp nhận 577.000 trường hợp nhiễm cúm trong những tháng gần đây, trong đó khoảng 24% được chẩn đoán nhiễm vi-rút cúm theo mùa.
Bộ Y tế Ma-lai-xi-a ngày 12-2 thông báo nước này đã xuất hiện ca nhiễm cúm A-H7N9 đầu tiên là một du khách người Trung Quốc. Bệnh nhân là một du khách nữ 67 tuổi từ tỉnh Quảng Ðông tới bang Xa-ba. Bộ trưởng Y tế Ma-lai-xi-a Xấp-ra-ma-ni-am cho biết, hai kết quả xét nghiệm đối với du khách này đều cho thấy, có phản ứng dương tính với vi-rút cúm A-H7N9. Hiện người bệnh đang được điều trị tại bệnh viện và đang trong tình trạng ổn định. 20 người có tiếp xúc với người bệnh cũng đã được cách ly để kiểm tra.
Trước tình hình dịch cúm A-H7N9 ngày càng hoành hành dữ dội ở Trung Quốc, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cảnh báo dịch bệnh nguy hiểm này có thể sẽ lây nhiễm ra ngoài biên giới Trung Quốc. FAO kêu gọi các nước có chung đường biên giới với Trung Quốc xem xét áp dụng các biện pháp đề phòng khẩn cấp và lập ra các kế hoạch phản ứng nhanh để đối phó nguy cơ bùng phát dịch cúm A-H7N9. Theo tổ chức này, sự lây lan vi-rút H7N9 tại các chợ gia cầm ở tỉnh Quảng Tây đã làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây lan dịch bệnh sang các nước láng giềng của Trung Quốc. Do vậy, đòi hỏi các bên phải nâng cao tinh thần cảnh giác để làm giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra ngoài biên giới Trung Quốc.
Trong khi đó, các quan chức y tế Trung Quốc khẳng định sẽ gia tăng nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng như giảm bớt số người tử vong do cúm A-H7N9. Giới chức Trung Quốc cho biết, việc lây nhiễm giữa người với người là khó xảy ra và phần lớn những người nhiễm bệnh đều đã được cách ly.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
Ông Matteo Renzi, 39 tuổi, lãnh đạo phe trung tả Italy và là Thị trưởng Florence, đã được đề cử làm Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Italy.
Thủ lĩnh biểu tình đang dự định sẽ đưa thêm khoảng 2.000 người đến bao vây thường trực quanh khu vực Phủ Thủ tướng.
Theo THX, ngày 17/2, Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erikat đã cảnh báo rằng sự thất bại của cuộc đàm phán hòa bình Palestine-Israel sẽ dẫn đến sự sụp đổ Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA).
Theo THX và AFP, Đài truyền hình YTN ngày 17/2 đưa tin một khu nghỉ dưỡng tại thành phố Gyeongju, Đông Nam Hàn Quốc, đã bị sập do sức nặng của tuyết rơi dày, chôn vùi khoảng 60 sinh viên đại học.