Tổng thống Mỹ Obama thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/8/2015 | 8:22:52 AM

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 3/8 sẽ công bố kế hoạch cắt giảm mạnh lượng khí thải carbon từ các nhà máy điện, động thái được dự đoán sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh cãi căng thẳng giữa các nhà lập pháp bảo vệ môi trường và ngành công nghiệp than ở Mỹ.

Khói bay lên từ Nhà máy điện than đá AEP ở New Haven, tây Virginia, Mỹ.
Khói bay lên từ Nhà máy điện than đá AEP ở New Haven, tây Virginia, Mỹ.

Trong một đoạn video công bố ngày 2/8, Tổng thống Obama nêu rõ biến đổi khí hậu đang đe dọa nền kinh tế, sức khỏe, sự thịnh vượng và an ninh của nước Mỹ. Ông nhấn mạnh thời gian rất cấp bách và "biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của thế hệ sau".

Theo người đứng đầu Nhà Trắng, các nhà máy điện là nguồn chính phát thải khí carbon, tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, song cho đến nay chưa có các quy định ở cấp liên bang về giới hạn lượng khí thải ra môi trường.

Ông Obama khẳng định bản kế hoạch mới là "bước tiến lớn nhất và quan trọng nhất từ trước đến nay của Mỹ" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, theo ông, kế hoạch mới cũng sẽ giúp giảm giá hóa đơn điện của người dân Mỹ trong tương lai, tạo ra việc làm trong ngành năng lượng tái tạo và đảm bảo các dịch vụ năng lượng đáng tin hơn.

Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới hành động ngay để bảo vệ hành tinh, trước thềm hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tháng 12 tới tại Paris, Pháp.

"Kế hoạch Năng lượng Sạch của Mỹ" bao gồm các điều luật và quy định về vấn đề gây ô nhiễm của các nhà máy điện của Mỹ, lần đầu tiên đặt ra các giới hạn về lượng khí thải carbon của các nhà máy này.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, các nhà máy phải giảm 32% lượng khí thải CO2 so với mức năm 2005. Bản kế hoạch cũng khuyến khích chuyển sang sử dụng năng lượng có thể tái tạo, hối thúc đầu tư mạnh hơn nữa vào năng lượng gió và Mặt Trời. Các quy định này cũng ấn định thời điểm các nhà máy phải cắt giảm phát thải từ năm 2022.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, bản kế hoạch này sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của ngành công nghiệp than. Vấn đề biến đổi khí hậu luôn là đề tài "nóng" trong chính giới Mỹ và những quy định cắt giảm đều mang tính nhạy cảm chính trị do than vẫn là ngành công nghiệp chính của Mỹ.

Các nhà máy điện "đóng góp" khoảng 40% lượng khí thải CO2 của Mỹ, dù hiện tại khí đốt tự nhiên đã dần trở nên phổ biến, hàng trăm nhà máy nhiệt điện dùng than vẫn cung cấp tới 37% lượng điện của Mỹ, trên cả khí tự nhiên và năng lượng hạt nhân.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47.

Hôm nay (4/8), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 sẽ chính thức khai mạc tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia).

Mảnh vỡ máy bay tại hiện trường vụ tai nạn.

Máy bay chiến đấu của quân đội Syria rơi trúng một khu chợ ở phía tây bắc thành phố Ariha thuộc tỉnh Idlib hôm 3/8, khiến ít nhất 23 người chết.

Cảnh sát đảo Reunion bên cạnh một mảnh vỡ máy bay vừa được tìm thấy ở đảo này.

Giới chức Malaysia ngày 3/8 cho biết đã có thêm nhiều mảnh vỡ nghi ngờ thuộc về chiếc máy bay mất tích MH370 trôi dạt vào đảo Reunion, Pháp.

Mưa lớn gây ngập lụt ở thị trấn Kawlin, Sagaing, Myanmar.

Không chỉ ở Việt Nam, mưa lớn cũng đang xảy ra ở nhiều quốc gia châu Á như: Myanmar, Trung Quốc, Pakistan... gây ra thảm họa lũ lụt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục