Nepal hủy thỏa thuận xây đập 2,5 tỷ USD với Trung Quốc
- Cập nhật: Thứ ba, 14/11/2017 | 2:22:41 PM
Nepal dự kiến hủy thỏa thuận xây một trong những nhà máy thủy điện lớn nhất nước này với một công ty nhà nước Trung Quốc.
Địa điểm đề xuất thực hiện dự án thủy điện Budhi Gandaki.
|
Trong thông điệp trên Twitter chiều qua, Phó Thủ tướng Nepal Kamal Thapa cho biết kế hoạch trao dự án thủy điện 2,5 tỷ USD cho tập đoàn China Gezhouba đã bị hủy, theo SCMP.
"Trong cuộc họp của Ủy ban các Bộ trưởng hôm nay, giới chức xác định thỏa thuận với tập đoàn Gezhouba về dự án thủy điện Budhi Gandaki được lập ra không đúng quy định và thiếu thận trọng. Thỏa thuận bị bác bỏ theo chỉ đạo của Ủy ban Quốc hội", ông cho hay.
Hai bên hồi tháng 6 ký biên bản ghi nhớ để xây dựng nhà máy thủy điện 1.200 MW, cách thủ đô Kathmandu khoảng 80 km. Thỏa thuận được ký chưa đầy một tháng sau khi Nepal chính thức đồng ý tham gia "Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.
Việc hủy thỏa thuận dự kiến là một bước thụt lùi lớn với Trung Quốc, khi Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường sức ảnh hưởng ở đất nước nằm tại vùng Himalaya thông qua nỗ lực xây dựng hạ tầng cơ sở quy mô lớn.
Dinesh Kumar Ghimire, phát ngôn viên Bộ Năng lượng Nepal, tin rằng đây là quyết định cuối cùng. "Do Phó Thủ tướng ra quyết định trên Twitter, đây phải là quyết định của nội các", Ghimire nói và cho biết ông trông chờ thông báo chính thức trong hôm nay.
Một nhân viên quan hệ công chúng của Gezhouba tại Nepal cho biết công ty chưa được thông báo về sự thay đổi. Theo nhân viên này, biên bản ghi nhớ dự kiến chuyển thành hợp đồng chính thức vào năm tới.
Trung Quốc và Ấn Độ đang cạnh tranh sức ảnh hưởng tại đất nước có tầm quan trọng chiến lược và nhiều tiềm năng cho thủy điện này. Gezhouba đã có ít nhất hai hợp đồng nhà máy thủy điện ở Nepal, trong khi các công ty Trung Quốc cũng đang xây dựng bệnh viện, đường sá và sân bay tại đây.
Các tin khác
Số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất ở khu vực biên giới Iran-Iraq đã lên tới hơn 450 người, trong khi khoảng 7.000 người khác bị thương.
Ngày 13/11, Nga, Trung Quốc, Ai Cập và Bolivia đã tẩy chay cuộc họp công khai không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Mỹ tổ chức để bàn về tình hình Venezuela.
Ngày 13/11, Nhà Trắng đã công bố tuyên bố chung giữa Mỹ và Philippines sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte, trong đó đề cập tới tranh chấp trên khu vực Biển Đông.
Trong bối cảnh Tây Ban Nha đang vướng vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, đa số cử tri nước này đều cho rằng nên tổ chức một cuộc bầu cử sớm.