Chính phủ Hà Lan họp khẩn, cảnh báo khủng bố tại Utrecht

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/3/2019 | 8:49:22 AM

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutt đã phải cắt ngắn một cuộc họp diễn ra tại thời điểm xảy ra vụ việc, để giải quyết tình hình.

Cảnh sát được tăng cường tại thành phố Utrecht.
Cảnh sát được tăng cường tại thành phố Utrecht.

Vào lúc 16h45 phút chiều nay (theo giờ Việt Nam), đã xảy ra 1 vụ xả súng kinh hoàng, nhằm vào nhiều hành khách trên 1 chiếc tàu điện ở thành phố Utrecht, Hà Lan khiến ít nhất 1 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Ngay lập tức, chính phủ Hà Lan đã tiến hành một cuộc họp khẩn, với lo ngại vụ xả súng mang động cơ tấn công khủng bố. Cảnh báo cao nhất về nguy cơ xảy ra khủng bố cũng đã được ban hành tại thành phố Utrecht.

Ngay sau được tin về vụ xả súng, lực lượng chức năng Hà Lan, gồm cảnh sát, lực lượng chống khủng bố, cùng nhiều thiết bị hạng nặng đã được triển khai tới hiện trường. 3 chiếc trực thăng cũng đã được huy động.

Đài truyền hình NOS của Hà Lan cho biết, cảnh sát đang bao vây 1 tòa nhà được cho là nơi hung thủ đang ẩn náu sau khi chạy trốn khỏi hiện trường vụ xả súng. Tuy nhiên, theo người phát ngôn cảnh sát Hà Lan, tại thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ vụ bắt giữ nào được tiến hành. Cuộc truy lùng vẫn đang tiếp diễn.

Trước đó, cảnh sát cho biết, có ít nhất 1 đối tượng đã bỏ trốn khỏi hiện trường bằng ô tô và không loại trừ khả năng có nhiều người tham gia vào vụ xả súng này.

Theo hãng tin Reuters, cảnh sát Hà Lan vừa mới ra cảnh báo đang tìm kiếm một người đàn ông, sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, 37 tuổi, có tên là Gokman Tanis do nghi ngờ người này có liên quan đến vụ việc.

Theo nhận định ban đầu của Cơ quan Điều phối chống khủng bố quốc gia Hà Lan, có tất cả mọi dấu hiệu cho thấy đây là một vụ tấn công khủng bố. Cảnh báo nguy cơ khủng bố mức độ 5, cao nhất, lập tức được ban hành tại thành phố Utrecht. Các tuyến tàu điện trên địa bàn ngừng hoạt động, các trường học đóng cửa. Cảnh sát bán quân sự đã được tăng cường tại các sân bay và nhiều trụ sở công quyền.
 
Hãng tin ANP, tất cả các nhà thờ Hồi giáo tại Utrecht cũng đã đóng cửa sau vụ việc trong khi an ninh cũng đã được tăng cường tại đây.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutt đã phải cắt ngắn một cuộc họp đang diễn ra tại thời điểm xảy ra vụ việc, để tìm hướng giải quyết tình hình: "Khoảnh khắc chúng tôi nhận được thông tin, chúng tôi đã phải ngừng một cuộc họp tham vấn. Sau đó, tôi trở lại văn phòng để giải quyết vấn đề. Chúng tôi sẽ điều tra kỹ về vụ việc. Tôi thật sự rất quan ngại về vụ tấn công”.

Thủ tướng Hà Lan cũng đã ngay lập tức chỉ đạo một nhóm xử lý khủng hoảng họp khẩn. Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Utrecht đã khuyến cáo người dân nên ở trong nhà trong bối cảnh hủng thủ vụ tấn công vẫn chưa bị bắt giữ.

Đài phát thanh Hà Lan cho biết, an ninh cũng đã được tăng cường tại các thành phố khác, trong đó có cả La Hay và Rotterdam, cảnh sát quân sự với súng trường đã có mặt tại các Tòa nhà chính phủ. Sau vụ nổ súng, các Đảng chính trị tại Hà Lan đã tạm dừng các hoạt động liên quan đến chiến dịch bầu cử cấp tỉnh, dự kiến diễn ra vào ngày 20/3 tới.

Quốc gia láng giềng của Hà Lan, là Đức, cũng đã ngay lập tức tăng cường giám sát biên giới với Hà Lan. Theo người phát ngôn cảnh sát liên bang Đức, Heinrich Onstein, lực lượng an ninh đã được bổ sung và cảnh sát Đức đang liên hệ với chính quyền Hà Lan để theo dõi sát về vụ việc.

Utrecht là thành phố lớn thứ 4 tại Hà Lan, vốn được biết đến với những kênh đào đẹp như tranh vẽ và lượng sinh viên đông đúc. Thành phố này rất hiếm xảy ra các vụ xả súng như ngày hôm nay. Vụ việc xảy ra chỉ sau 3 ngày xảy ra vụ xả súng kinh hoàng tại đất nước New Zealand, nhằm vào các tín đồ Hồi giáo đi lễ, khiến 50 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

(Theo VOV)

Các tin khác

Ngày 18-3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, Nội các nước này đã nhất trí thắt chặt luật kiểm soát súng đạn sau vụ xả súng đẫm máu tại đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch.

Người dân ở Sentani được đưa đi sơ tán sau trận lũ quét.

Theo giới chức tỉnh, nguyên nhân xảy ra lũ quét tại Sentani, gần thủ phủ Jayapura của tỉnh Papua là do những trận mưa lớn trong ngày 16/3.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez cho biết Tổng thống Maduro đã yêu cầu toàn bộ nội các nước này từ chức để "cải tổ sâu sắc” chính phủ.

Trong đợt biểu tình lần thứ 18 của phong trào "áo vàng" diễn ra vào ngày 16/3, tình trạng bạo lực đã xảy ra nghiêm trọng hơn nhiều so với các đợt trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục