Trong tuyên bố ngày 21-6, khi thông báo bắt đầu cuộc đàm phán đưa Anh gia nhập CPTPP, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, tư cách thành viên CPTPP mang lại lợi ích kinh tế trên toàn Vương quốc Anh. Luân Đôn xác định, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nơi đem đến cơ hội lớn nhất cho nước Anh thời "hậu Brexit”.
Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU) với cam kết tăng cường liên kết với các đồng minh truyền thống và các thị trường tiêu dùng phát triển nhanh bên ngoài châu Âu. Tham gia CPTPP với các tiêu chuẩn cao là một phần quan trọng trong tầm nhìn đó.
Chính phủ Anh công bố ý định gia nhập CPTPP hồi tháng 2 vừa qua, ngay sau khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc ngày 31-1-2021, gửi đi thông điệp khẳng định quyết tâm của Luân Đôn theo đuổi chính sách thương mại tự do toàn cầu sau khi rời EU.
Trước đó, Anh cũng đẩy mạnh đàm phán và ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với một số nước, song quyết định tham gia FTA đa phương như CPTPP, với nhiều nền kinh tế lớn và phát triển năng động, đánh dấu bước tiến lớn, khẳng định mục tiêu giành lại quyền tự quyết khi rời EU, tức là được tự do đàm phán, ký kết FTA với tất cả các đối tác trên toàn cầu. Nỗ lực gia nhập CPTPP còn cung cấp thêm lý lẽ giúp Luân Đôn bác bỏ chỉ trích cho rằng Anh rời EU là một sai lầm.
Tuy nhiên, yếu tố kinh tế vẫn được xem là lý do mang tính quyết định, thúc đẩy Luân Đôn nhanh chóng khởi động đàm phán với 11 thành viên CPTPP. Sức hấp dẫn của CPTPP là rất lớn với nền kinh tế Anh, cho dù về mặt địa lý nước Anh không có liên quan vành đai Thái Bình Dương và nền kinh tế thành viên CPTPP gần nhất cũng nằm cách xa nước Anh hàng nghìn km.
Trong nỗ lực mở rộng đối tác thương mại ra khắp thế giới, nước Anh không muốn bỏ lỡ cơ hội tiếp cận sâu vào thị trường khổng lồ và nhiều cơ hội như CPTPP, khu vực có hơn 500 triệu dân, GDP đạt khoảng 12.500 tỷ USD (năm 2019) và luôn được đánh giá là động lực chính của kinh tế thế giới.
Tham gia CPTPP, Anh đặt mục tiêu tạo dựng địa vị tương xứng trong hoạt động thương mại thế giới, với tư cách nước xuất khẩu hàng tiêu dùng cấp cao và dịch vụ chuyên nghiệp. Cùng thuận lợi trong trao đổi thương mại, việc tham gia CPTPP giúp các doanh nghiệp Anh dễ dàng tiếp cận các thị trường mới, giúp củng cố một số sản phẩm xuất khẩu chủ chốt như ô-tô và mở rộng thị trường cho các mặt hàng khác như thực phẩm, cũng như tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động Anh.
Ngoài ra, với tư cách thành viên, Anh còn có cơ hội mở rộng tiếp cận các nước CPTPP trong nhiều lĩnh vực, gồm cả pháp lý và tài chính. Anh đã ký FTA với bảy nước CPTPP và đang đàm phán với hai thành viên khác, gia nhập CPTPP thành công càng tạo thuận lợi cho Anh ký kết các FTA song phương.
Luân Đôn kỳ vọng tư cách thành viên CPTPP không chỉ đưa nước Anh vào vị trí trung tâm của nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, mà còn có thể hỗ trợ xây dựng hệ thống thương mại toàn cầu. Bộ Thương mại Anh nêu rõ, việc Anh gia nhập CPTPP góp phần củng cố đồng thuận quốc tế nhằm chống hoạt động thương mại không công bằng, như chủ nghĩa bảo hộ hay phân biệt đối xử trong thương mại và đầu tư.
Trong tuyên bố chấp thuận đề xuất gia nhập của Anh, các thành viên nhận định, CPTPP mở rộng thành viên tạo cơ hội để thúc đẩy các quy tắc, tiêu chuẩn cao về thương mại và đầu tư trong thế kỷ 21, củng cố tự do thương mại, thị trường rộng mở và có tính cạnh tranh cao, cũng như thúc đẩy giao lưu kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và rộng hơn.
Anh là nước đầu tiên chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP sau khi FTA thế hệ mới này được ký kết và có hiệu lực cuối năm 2018. Tiến trình đàm phán tới đây còn nhiều gian nan và không chỉ liên quan các quy tắc thương mại và đầu tư. Song, đây là cơ hội lớn mà cả Anh và các thành viên CPTPP không muốn bỏ lỡ.
(Theo Nhân Dân)