Myanmar trả tự do cho gần 2.300 người biểu tình

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/7/2021 | 2:20:24 PM

Chính quyền quân sự Myanmar ngày 30-6 đã trả tự do cho 2.296 người biểu tình đã bị giam giữ trong các nhà tù trên khắp đất nước, trong đó có nhiều nhà báo địa phương.

Khoảng 200 người tụ tập bên ngoài nhà tù Insein để chờ người thân được thả ra trong chiều 30-6-2021
Khoảng 200 người tụ tập bên ngoài nhà tù Insein để chờ người thân được thả ra trong chiều 30-6-2021

Theo Hãng tin AFP, sau thông báo thả người của chính quyền, một đám đông khoảng 200 người đã tụ tập bên ngoài nhà tù Insein ở thành phố Yangon với hy vọng người thân của họ nằm trong số những người được thả.

Hình ảnh từ truyền thông địa phương cho thấy nhiều người tựa vào các rào chắn dựng bên ngoài nhà tù Insein, một số người cầm dù do trời mưa nhẹ. Trong số này có một số người cầm hoa và một người đàn ông đứng chờ con gái đã bị bắt vì tham gia biểu tình.

Những chiếc xe buýt chở tù nhân đã tỏa đi từ nhà tù Insein đến các đồn cảnh sát địa phương để thả người. Truyền thông địa phương cũng đăng hình ảnh những chiếc xe tải chở tù nhân tỏa đi từ thành phố Myitkyina, bang Kachin.

Nhà báo Kay Zon Nway của Hãng thông tấn Myanmar Now là một trong những người được thả khỏi nhà tù Insein. Bà Nway cho biết bà đã trải qua "nhiều điều" trong nhà tù và sẽ giải thích sau về chuyện này.

Phóng viên ảnh Ye Myo Khant (20 tuổi) của báo Myanmar Press cũng được thả sau 120 ngày giam giữ. "Tôi đang đưa tin thì họ vô cớ bắt giữ tôi" - anh Khant cho biết.

Một quản lý nhà tù cho biết không có nhà báo nước ngoài nào được trả tự do trong đợt này. Trước đó, nhà báo Danny Fenster của Mỹ đã bị bắt giam tại nhà tù Insein vào ngày 24-5.

Ông Richard Horsey, cố vấn cấp cao về Myanmar của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG), nói mặc dù việc thả người biểu tình được một số cá nhân và gia đình (đoàn tụ với người thân trong dịp này) hoan nghênh, nhưng điều này không làm giảm đi sự phản đối của người dân với chính quyền quân sự. "Họ lẽ ra đã không bị bắt" - ông Horsey thêm.

Trước đó, cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi ngày 29-6 tiếp tục kêu gọi người dân đoàn kết chống chính quyền quân sự. Bà Aung San Suu Kyi, người từng được trao giải Nobel hòa bình, đang đối mặt với nhiều cáo buộc, trong đó có vi phạm các quy định chống dịch trong chiến dịch bầu cử năm ngoái, sở hữu các thiết bị bộ đàm không có giấy phép, và tội danh nặng nhất là vi phạm bí mật quốc gia.

Bà Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại nhà kể từ sau cuộc chính biến ngày 1-2. Bà đã không xuất hiện trước công chúng từ đó đến nay, ngoại trừ xuất hiện một vài lần tại tòa.

(Theo TTO)

Các tin khác

Ngày 1-7, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa tuyên bố nước này kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời khẳng định: "Giờ là lúc hành động, vì sự phục hồi công bằng, xanh và kỹ thuật số".

Từ hôm nay (1/7), Liên minh châu Âu (EU) áp dụng cách thu thuế giá trị gia tăng mới đối với các mặt hàng giao dịch qua mạng internet và người bán ở bên ngoài lãnh thổ EU.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Ngày 30-6, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cách chức một số quan chức cấp cao sau “sự cố nghiêm trọng” trong nỗ lực phòng chống đại dịch Covid-19.

Trang trí hoa dọc đại lộ Trường An ở thủ đô Bắc Kinh chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hôm nay tròn 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7/1921 - 1/7/2021). Trong suốt chặng đường một thế kỷ qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dẫn dắt và lãnh đạo nhân dân Trung Quốc giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp cải cách mở cửa, xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục