Nhà Trắng thông báo sẽ bắt đầu giải mật tài liệu liên quan các vụ tấn công khủng bố Mỹ ngày 11/9/2001 và công bố chúng trước cuối năm nay theo lệnh của Tổng thống Joe Biden, nhân kỷ niệm 20 năm thảm kịch.
|
Không tặc dùng máy bay mang số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines lao thẳng vào tòa tháp thứ 2 của Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, Mỹ ngày 11/9/2001. Ảnh: AP
|
Trong tuyên bố phát đi ngày 3/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông đã ký sắc lệnh "chỉ đạo Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khác giám sát việc xem xét giải mật các tài liệu về những cuộc điều tra vụ 11/9 của Cục điều tra liên bang (FBI). Sắc lệnh yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp phải công khai các tài liệu đã giải mật trong 6 tháng tới".
Theo Sputnik, Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng 8 đã cam kết sẽ tiến hành cuộc khảo cứu tài liệu nhằm đáp ứng kiến nghị của các gia đình nạn nhân suốt nhiều năm qua. Hồi đầu tháng trước, 1.800 người sống sót cũng như gia đình của những nạn nhân thiệt mạng trong vụ 11/9 đã yêu cầu Tổng thống Biden không tham gia các sự kiện tưởng niệm sắp tới nếu ông không thực hiện lời hứa khi còn vận động tranh cử về việc sẽ công bố những tài liệu như vậy.
Vào ngày 11/9/2001, 19 tên không tặc thuộc mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã cướp 4 máy bay, rồi lái hai trong số chúng đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, đâm một máy bay thứ 3 vào Lầu Năm góc ở Arlington, bang Virginia và khiến chiếc máy bay còn lại lao xuống từ bầu trời phía nam Pennsylvania khi các hành khách dũng cảm cố gắng giành lại quyền kiểm soát nó. Khoảng 2.977 người đã thiệt mạng và hơn 25.000 nạn nhân bị thương trong các vụ tấn công khủng bố nói trên.
Sau sự cố đẫm máu, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã yêu cầu chính quyền Taliban ở Afghanistan phải giao nộp các thủ lĩnh Al-Qaeda chịu trách nhiệm về các vụ tấn công, kể cả trùm khủng bố Osama bin Laden. Khi Taliban cho biết cần bằng chứng về tội ác của Bin Laden trước khi giao nộp hắn, ông Bush đã tuyên bố Washington sẽ không đàm phán với khủng bố và điều quân tiến đánh Afghanistan, mở màn cuộc chiến kéo dài 20 năm qua ở quốc gia Nam Á.
Bắt đầu từ năm 2002, Quốc hội Mỹ đã thành lập một ủy ban điều tra quy mô lớn để xem xét các vụ tấn công khủng bố cũng như những thất bại tình báo dẫn đến sự kiện. Báo cáo của Ủy ban 11/9 được công bố vào năm 2004 nhưng vấp phải nhiều chỉ trích vì không phơi bày đầy đủ nhiều thất bại của cả lực lượng tình báo trong và ngoài nước liên quan đến thảm kịch.
Các thông tin sau đó chỉ được công bố ở mức nhỏ giọt. Ví dụ, vào năm 2019, gia đình của các nạn nhân được Bộ Tư pháp cho biết danh tính của một trong hai nhân vật có liên hệ với chính phủ Ảrập Xêút, vốn từng bị xóa tên trong một bản ghi nhớ nội bộ năm 2012 của FBI. Thực tế, trong số 19 kẻ không tặc có đến 15 tên đến từ Ảrập Xêút, một đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông.
Tháng 4/2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã đảo ngược kế hoạch cung cấp thêm tài liệu cho gia đình các nạn nhân, nhưng không giải thích tại sao vẫn phải giữ bí mật chúng.
(Theo Vietnamnet)