Châu Âu
Sau khi tiêm thêm cho 22.698 người trong 24 giờ qua, Anh đã đưa tỷ lệ tiêm chủng trong nhóm người trên 16 tuổi tại nước này lên trên 80%. Trong đó, tỷ lệ cao nhất được ghi nhận là xứ Wales (84,1%). Đảo quốc sương mù hiện đứng thứ tư thế giới về số ca nhiễm, với 7.056.106 trường hợp.
Tây Ban Nha phê duyệt kế hoạch tiêm chủng mũi vắc xin tăng cường thứ ba cho nhóm người có hệ miễn dịch yếu và các vấn đề sức khỏe khác ngay trong tháng này.
Thụy Điển dự kiến sẽ dỡ bỏ toàn bộ biện pháp hạn chế phòng dịch kể từ 29-9. Phần Lan có kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 khi 80% dân số trên 12 tuổi tiêm chủng đầy đủ, dự kiến vào tháng 10.
Tính đến ngày 6-9, Phần Lan có 53,2% dân số trên 12 tuổi đã tiêm đủ hai mũi và 72,4% đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin.
Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu bắt buộc xét nghiệm PCR đối với những người chưa tiêm vắc xin trong một số trường hợp cụ thể và yêu cầu trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính đối với những hành khách đi phương tiện giao thông công cộng liên tỉnh. Tất cả giáo viên, nhân viên làm việc tại các bộ phận trong trường học và sinh viên đại học chưa tiêm phòng Covid-19 sẽ bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm PCR. Những người đi lại bằng phương tiện công cộng giữa các tỉnh được yêu cầu trình chứng nhận đã tiêm ít nhất hai mũi vắc xin ngừa Covid-19 hoặc giấy xét nghiệm PCR âm tính.
Châu Á - châu Đại Dương
Nghiên cứu mới công bố tại Trung Quốc cho thấy, sử dụng vắc xin Covid-19 của CanSino Biologics để tiêm mũi tăng cường sau hai mũi Sinovac Biotech đem lại hiệu quả kháng bệnh cao hơn đáng kể.
Các chuyên gia tại Ấn Độ đang kêu gọi chính phủ nước này mở cửa lại trường học, với quan điểm ích lợi vượt xa nguy cơ. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ trẻ em tại các khu vực nông thôn Ấn Độ được học trực tuyến thường xuyên chỉ ở mức 8%.
Dịch bệnh tại Nhật Bản có dấu hiệu "giảm nhiệt”, khi số ca mắc mới đã giảm xuống dưới ngưỡng 10.000 ca/ngày lần đầu tiên kể từ ngày 2-8. Chính phủ Nhật Bản cũng đang cân nhắc sử dụng rộng rãi hộ chiếu vắc xin cho mục đích thương mại trong nỗ lực bình thường hóa các hoạt động kinh tế và xã hội trong nước vốn bị đình trệ một thời gian dài do đại dịch Covid-19.
Hàn Quốc lên kế hoạch xem xét lại chiến lược phòng dịch Covid-19 mới ngay sau lễ Chuseok (Tết Trung thu), kéo dài từ ngày 17 đến ngày 23-9, thời điểm sẽ có hơn 70% dân số dự kiến hoàn tất ít nhất một mũi tiêm vắc xin. Theo đó, nếu tình hình kiểm soát dịch Covid-19 được duy trì ổn định trong tháng 9, Hàn Quốc sẽ thực hiện một số điều chỉnh đối với các biện pháp giãn cách xã hội vào tháng 10 tới.
Trung Quốc thu hẹp số khu vực trong diện nguy cơ trung bình về dịch bệnh xuống còn 3 khu vực. Người phát ngôn của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Mễ Phong nhấn mạnh, việc ngăn chặn các ca lây nhiễm nhập cảnh và sự bùng phát dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch hiện nay của Trung Quốc.
Tại Đông Nam Á, các nước ASEAN ghi nhận trên 73.000 ca nhiễm mới và 1.726 ca tử vong trong ngày 7-9, đưa tổng số ca tử vong trong khối vượt mốc 235.500 ca.
Campuchia ban hành một số hướng dẫn về các biện pháp phòng dịch Covid-19 trước thềm hai ngày lễ lớn trong năm của nước này là Pchum Ben (ngày lễ cúng tổ tiên) và Kathen (để tặng quà cho nhà sư).
Lào khẩn trương truy vết người nhiễm bệnh để điều trị kịp thời và đưa người tiếp xúc gần đi xét nghiệm, cách ly theo quy định. Nước này ghi nhận 307 ca mắc mới Covid-19, trong đó, ngoài 221 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có 86 ca cộng đồng. Đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Lào đã lên tới 16.365 ca, trong đó có 16 người tử vong.
Thái Lan đã đi được nửa chặng đường tiến tới miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19. Theo số liệu từ Bộ Y tế Thái Lan, đến nay, 25,2 triệu người nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa Covid-19, trong đó 10 triệu người đã tiêm đầy đủ 2 mũi. Nội các nước này đã thông qua ngân sách 4,25 tỷ baht (khoảng 130 triệu USD) để mua thêm 12 triệu liều vắc xin từ Sinovac (Trung Quốc) nhằm hỗ trợ kế hoạch tiêm kết hợp.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Indonesia đang ghi nhận những diễn biến tích cực rõ rệt. Trong tuần này, tỷ lệ mắc mới Covid-19 ở Indonesia đã lần đầu tiên ở dưới mức 5% - ngưỡng giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Philippines tái áp đặt phong tỏa phòng dịch Covid-19 tại Manila, chỉ một ngày sau khi thông báo dỡ bỏ yêu cầu ở nhà đối với trên 13 triệu người. Tuy nhiên, quy mô phong tỏa được tuyên bố là "hẹp hơn”, chỉ áp dụng với các hộ gia đình, tòa nhà, một số tuyến đường và khu dân cư thay vì toàn bộ thành phố. Đảo quốc này có thêm 18.012 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 2.121.308 ca. Ngoài ra, nước này cũng có thêm 161 ca tử vong do Covid-19, đưa tổng số người không qua khỏi lên 34.498 ca.
Singapore ghi nhận 328 ca mắc mới Covid-19, mức cao nhất trong hơn 1 năm qua. Để ứng phó, nước này sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp nhằm giảm số ca mắc trong cộng đồng, trong đó có cấm tập trung tại nơi làm việc từ ngày 8-9 và áp dụng biện pháp cứng rắn hơn đối với công ty để xảy ra ca mắc. Đảo quốc Sư tử cũng sẽ triển khai xét nghiệm diện rộng nhanh chóng hơn.
New Zealand ghi nhận thêm 21 ca bệnh mới trong cộng đồng, tất cả đều ở thành phố Auckland và đều nhiễm biến thể Delta, nâng tổng số ca mắc trong đợt bùng phát dịch mới nhất lên 841 ca. Từ 23h59 ngày 7-9 (theo giờ địa phương), mọi khu vực bên ngoài Auckland sẽ chuyển sang mức cảnh báo cấp 2 - đồng nghĩa các doanh nghiệp và trường học được phép hoạt động trở lại bình thường nhưng đeo khẩu trang vẫn là bắt buộc. Riêng Auckland vẫn duy trì mức cảnh báo cấp 4.
Châu Mỹ
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ đại dịch với 41.048.512 ca nhiễm, trong đó, 667.939 người đã tử vong.
Tại Nam Mỹ, Brazil đứng thứ 3 về số ca nhiễm (20.913.578 ca) nhưng số ca tử vong đã nhiều thứ hai thế giới với 584.171 trường hợp.
(Theo HNMO)