Israel
Là một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, Israel đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế vào đầu tháng 2.2021, trong giai đoạn mà nhà chức trách gọi là giai đoạn đầu tiên để trở lại cuộc sống bình thường.
Với việc nới lỏng này, người dân có thể vào các trung tâm mua sắm và các điểm vui chơi như vườn thú, nhưng tại một số cơ sở như phòng tập thể dục, khách sạn và giáo đường Do Thái, cần phải xuất trình "thẻ xanh" - bằng chứng về việc tiêm chủng - để được vào cửa.
Ngày 1.6, khi ca nhiễm hàng ngày giảm xuống dưới 20 ca, Israel đã cho ngừng áp dụng hệ thống ''thẻ xanh'' và dỡ bỏ các hạn chế về tập trung đông người. Đến 15.6, chiến dịch tiêm chủng của Israel đã bao phủ hơn 1 nửa trong số 9,3 triệu dân số.
Tuy nhiên, với chiến lược chống dịch linh hoạt, ngày 23.7 Israel tiếp tục tái áp đặt hệ thống thẻ xanh để kiểm soát dịch bệnh trong bối cảnh các ca nhiễm mới tăng vọt do biến thể Delta gây ra. Trong khi đó, các nhà chức trách đẩy nhanh việc triển khai tiêm chủng liều tăng cường cho người cao tuổi.
Đến 29.8, nước này bắt đầu mở rộng chương trình tiêm chủng tăng cường cho tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên trong nỗ lực chống lại biến thể Delta dễ lây lan.
Các biện pháp này là một phần trong chính sách "trấn áp mềm" ứng phó COVID-19 của Thủ tướng Naftali Bennett, thúc giục người Israel học cách sống chung với virus bằng cách giảm bớt hạn chế nhiều nhất có thể và tránh tình trạng phong tỏa quốc gia lần thứ 4 có thể gây bất lợi cho nền kinh tế.
Hàn Quốc
Hàn Quốc được ca ngợi là một câu chuyện thành công trong xử lý đại dịch COVID-19. Chính phủ nước này đã lên kế hoạch cho phép các cuộc tụ họp tối đa 6 người và cho phép các nhà hàng và cơ sở thể thao trong nhà hoạt động lâu hơn kể từ 1.7.
Các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng trên toàn quốc từ tháng 7 trong đó có việc loại bỏ yêu cầu đeo khẩu trang ngoài trời đối với người đã tiêm chủng vaccine.
Những thay đổi này diễn ra khi 29% dân số Hàn Quốc đã tiêm chủng vào cuối tháng 6, đúng theo lộ trình để đạt mục tiêu tiêm chủng 70% vào tháng 9.
Bộ trưởng Y tế Kwon Deok-cheol tuyên bố: "Hệ thống cân bằng xã hội mới là một nỗ lực nhằm tìm kiếm sự cân bằng giữa kiểm dịch và phục hồi cuộc sống hàng ngày trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài”.
Với sự xuất hiện của biến thể Delta, Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đã chứng kiến làn sóng lây nhiễm gia tăng trở lại, bất chấp tỉ lệ tiêm chủng cao. Để ứng phó, chính quyền đã trì hoãn kế hoạch nới lỏng, tiếp tục duy trì các hạn chế cứng rắn trong khi nỗ lực đẩy nhanh tiêm chủng vaccine COVID-19.
Các nhà chức trách y tế Hàn Quốc hồi đầu tháng 9 tuyên bố đang lập một kế hoạch chung sống bình thường với COVID-19 khi dự kiến khoảng 80% người trưởng thành ở nước này được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 10.
Tới nay, Hàn Quốc ghi nhận 295.132 ca nhiễm mới và 2.434 ca tử vong. Tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc giảm đáng kể xuống còn 0,88%, nhờ vào tỉ lệ tiêm chủng cao ở người cao tuổi và người dễ bị tổn thương.
Anh
Vào ngày 19.7, Anh đã chuyển sang giai đoạn cuối cùng của kế hoạch dỡ bỏ hạn chế COVID-19, loại bỏ gần như tất cả các hạn chế pháp lý đối với giãn cách xã hội.
Anh không còn giới hạn về số lượng người có thể gặp gỡ hoặc tham dự các sự kiện, hộp đêm mở cửa trở lại và khẩu trang được khuyến khích ở một số nơi, nhưng không bắt buộc.
Scotland và xứ Wales cũng đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế COVID-19. Bắc Ireland cũng có động thái tương tự, nhưng vẫn duy trì các biện pháp giãn cách xã hội trong nhà, đeo khẩu trang ở một số nơi công cộng và làm việc tại nhà nếu có thể được dự kiến vẫn được duy trì.
Tuy vậy, Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh điều quan trọng là phải tiến hành một cách thận trọng và cảnh báo đại dịch vẫn chưa kết thúc.
Một số nhà khoa học dự đoán rằng số ca nhiễm ở Vương quốc Anh có thể tăng mạnh vào cuối mùa hè. Nhưng với hơn 68% người trưởng thành ở Vương quốc Anh được tiêm chủng đầy đủ, mô hình dự báo cho thấy tỉ lệ nhập viện, bệnh nặng và tử vong sẽ ở mức thấp hơn so với các mùa cao điểm trước đó, BBC đưa tin.
Hôm 14.9, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố Kế hoạch Mùa đông COVID-19 để ứng phó với đại dịch trong mùa đông ở xứ Anh, nhắm vào mục tiêu "sống chung" với virus trong mùa đông, và khuyến khích tiêm vaccine COVID-19 và vaccine cúm mùa.
(Theo LĐO)