"Dự luật này nhằm giải quyết một mối đe dọa nghiêm trọng liên quan đến an ninh và chủ quyền quốc gia của chúng ta", Bộ trưởng Pháp luật và Nội vụ Singapore K. Shanmugam phát biểu trước Quốc hội nước này, báo Strait Times đưa tin.
"Và đây là những điều rất quan trọng để đảm bảo người dân Singapore được tiếp tục tự lựa chọn cách chúng ta quản lý và sinh sống trên đất nước này".
Dự luật Các biện pháp đối phó sự can thiệp từ nước ngoài, viết tắt là FICA, được giới thiệu lần đầu tại Singapore từ khoảng 3 năm về trước. Song phải đến thời điểm cách đây 3 tuần, dự luật mới được đem ra bàn thảo chính thức trước Quốc hội nước này.
Bộ Pháp luật và Nội vụ Singapore nêu rõ, FICA nhằm mục đích ngăn chặn các thế lực thù địch nước ngoài có ý đồ tung thông tin sai lệch về các vấn đề chính trị trong nước, gây chia rẽ bằng các vấn đề gây tranh cãi liên quan đến sắc tộc và tôn giáo...
Dự luật sẽ trao cho Chính phủ Singapore một loạt công cụ để chống lại những tác nhân thù địch trên. Theo đó, giới chức nước này sẽ có quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet và mạng xã hội cung cấp thông tin người dùng, gỡ bỏ các nội dung trên mạng và khóa tài khoản người dùng.
Cũng theo FICA, các tổ chức và cá nhân liên quan đến các hoạt động chính trị trong nước được xếp vào diện "những người có ảnh hưởng chính trị”. Những người này buộc phải tiết lộ công khai các nguồn tài trợ từ nước ngoài, đồng thời phải tuân theo các "biện pháp đối phó” khác để giảm nguy cơ can thiệp từ nước ngoài.
Theo Strait Times, tại phiên tranh luận hôm 4/10, 16 nghị sĩ thuộc nhiều chính đảng tại Singapore đã phản ánh những chỉ trích và lo ngại đối với FICA từ các luật sư, chuyên gia và các nhà hoạt động xã hội trong thời gian gần đây.
Những điều này đã dẫn đến kiến nghị Quốc hội Singapore trì hoãn thông qua dự luật, cùng một loạt các thay đổi được đề xuất bởi các đảng đối lập. Một số nghị sĩ cũng tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống nếu dự luật được đem ra biểu quyết.
Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ 15 phút tối cùng ngày (giờ Singapore), FICA đã chính thức được thông qua với 75 phiếu thuận, 11 phiếu chống, và 2 phiếu trắng.
Theo Bộ trưởng K Shanmugam, việc thông qua dự luật này là điều cần thiết, do Singapore rất dễ bị tấn công bởi "các chiến dịch thông tin thù địch” được thực hiện từ nước ngoài và thông qua các cơ quan ủy quyền trong nước.
"Internet đã tạo ra một phương tiện mới, mạnh mẽ cho các hoạt động gây bất ổn”, ông Shanmugam cho biết. "Các quốc gia khác cũng đang tích cực phát triển khả năng tấn công và phòng thủ (trên không gian mạng) như một lực lượng tác chiến ngang hàng, thậm chí mạnh hơn các lực lượng trên bộ, trên không và trên biển”.
(Theo VOV)